Cụ thể, trước trận đấu, ở phần cử hành Quốc ca, ngay khi các cầu thủ đặt tay phải lên ngực trái thể hiện sự tự hào và tình yêu Tổ quốc thì âm thanh đã bị tắt, cùng lời giải thích xuất hiện trên màn hình: “Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường. Mong quý vị và khán giả thông cảm". Điều này xảy ra khi theo dõi trận đấu trên Youtube, còn trên sóng truyền hình quốc gia, khán giả vẫn được nghe rõ nhạc ca khúc này.
Đối với người Việt Nam, Tiến Quân ca-Quốc ca được coi như hồn cốt dân tộc, là tác phẩm đã nằm lòng trong trái tim mỗi người. Khi ca khúc được cất lên trong những trận đấu quốc tế thì không chỉ khẳng định màu cờ sắc áo, quyết tâm chiến thắng mà còn thể hiện tình yêu nước, lòng tự tôn, tự hào dân tộc. Do đó, bất cứ lý do gì khiến phần hát Quốc ca của các cầu thủ bị tắt tiếng cũng là khó chấp nhận. Nguyên nhân do vấn đề bản quyền bản ghi Quốc ca càng khiến nhiều người bức xúc, nhất là khi bằng trách nhiệm với đất nước và nhân dân, bản thân nhạc sĩ và gia đình nhạc sĩ Văn Cao đã từ bỏ quyền tác giả với Quốc ca để hiến tặng ca khúc cho Tổ quốc, nhân dân Việt Nam.
Sự việc này khiến người hâm mộ nhớ ngay đến câu chuyện gần đây, khi “Tiến quân ca” bị đóng dấu bản quyền trên Youtube bởi một công ty truyền thông mang tên BH Media. Chính những “lùm xùm” liên quan bản quyền Quốc ca đã khiến Next Media, đơn vị sở hữu bản quyền phát sóng các trận đấu của đội tuyển Việt Nam chủ động tắt tiếng của Quốc ca Việt Nam, Lào trong trận đấu nhằm tránh trường hợp người hâm mộ có thể không được xem trận đấu của đội tuyển Việt Nam trên kênh Youtube.
Ngay khi sự việc diễn ra, người hâm mộ đã tràn vào fanpege của BH Media bày tỏ bức xúc, phẫn nộ. Tuy nhiên, chia sẻ với báo giới, đơn vị này cho hay không hề liên quan đến việc các kênh Youtube tắt tiếng Quốc ca lần này.
Theo BH Media, trong trận đấu Việt Nam-Lào, không hề có bên nào “đánh bản quyền” Tiến quân ca, mà chỉ là do đơn vị tiếp sóng là Next Media tự tắt tiếng phần Tiến quân ca để phòng xa, tránh bị mất doanh thu như kênh Youtube của FPT mà thôi. Trước đó, trong trận Việt Nam-Ả Rập Xê Út diễn ra tối 16/11 tại Việt Nam, kênh Youtube của FPT (đơn vị có bản quyền tiếp sóng trận đấu này) đã không thể kiếm được tiền vì lý do trận đấu dùng bản ghi Tiến quân ca do hãng đĩa nước ngoài sản xuất, cụ thể là Hãng đĩa Marco Polo. Sự vô tư sử dụng bản ghi Tiến quân ca của hãng đĩa nước ngoài, mà không xin phép của ban tổ chức sân, đã khiến các kênh Youtube ở Việt Nam tiếp sóng bị mất doanh thu.
Cũng theo công ty này, hiện nay có rất nhiều đơn vị sản xuất bản ghi Tiến quân ca, cả trong nước và ngoài nước. Theo Luật Sở hữu trí tuệ, nếu bất kỳ ai bỏ tiền, thời gian, công sức, kỹ thuật ra sản xuất bản ghi (mà đã thanh toán quyền tác giả) thì là chủ sở hữu hợp pháp của bản ghi; bất kỳ ai sử dụng bản ghi đó thì phải xin phép nhà sản xuất. Sự việc lần này cho thấy nếu ban tổ chức sân sử dụng bản ghi có bản quyền thì các kênh Youtube ở Việt Nam tiếp sóng trận đấu đã không bị mất tiền oan.
Từ sự việc này, có thể thấy ca khúc Tiến quân ca không chỉ được các đơn vị sản xuất âm nhạc trong nước khai thác mà có cả các đơn vị nước ngoài khai thác. Việc sử dụng bản ghi thuộc bản quyền của đơn vị nào và sử dụng ra sao để tránh những sự cố như trên là điều cần làm rõ, nhất là khi tiếp sóng các trận đấu trên nền tảng đa quốc gia như Youtube.
Trong thời buổi công nghệ số, việc vi phạm bản quyền âm nhạc biểu hiện và được nhận diện dưới nhiều hình thức. Điều này càng đòi hỏi những người sử dụng âm nhạc phải tỉnh táo và thận trọng. Việc để xảy ra những sự cố như buộc phải tắt tiếng Quốc ca hoặc bị khiếu nại về vấn đề bản quyền khi sử dụng bản ghi Quốc ca trong những trận đấu chính thức ở tầm quốc tế là điều đáng tiếc và cần được làm rõ trách nhiệm.