Điện Biên yêu cầu người đứng đầu các cấp, các ngành phải triển khai đồng bộ giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

NDO - Chiều 19/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên tổ chức công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); kết quả chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính...
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu dự hội nghị công bố chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Điện Biên, chiều 19/7.
Đại biểu dự hội nghị công bố chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Điện Biên, chiều 19/7.

Thông tin kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Điện Biên năm 2023 theo kết quả công bố của VCCI, ông Bùi Minh Thắng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Điện Biên, cho biết: Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, năm 2023 chỉ số PCI của Điện Biên đã tăng 6,92 điểm nâng tổng điểm PCI lên 66,77 điểm; so với năm 2022 Điện Biên tăng 31 bậc và xếp thứ 31 trên bảng xếp hạng toàn quốc.

Điện Biên yêu cầu người đứng đầu các cấp, các ngành phải triển khai đồng bộ giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ảnh 1

Đồng chí Lê Thành Đô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phân tích, đánh giá 142 tiêu chí thuộc 10 chỉ số thành phần trong bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, lãnh đạo Sở Kế hoạch đầu tư chỉ rõ, có 106/142 tiêu chí tăng điểm; 36/142 tiêu chí bị giảm điểm.

Xét về tổng thể, có 8/10 chỉ số thành phần tăng điểm; 2/10 chỉ số giảm điểm, cụ thể gồm: Chỉ số thành phần 3 là "Tính minh bạch" và chỉ số thành phần 7 là "Tính năng động và tiên phong của chính quyền".

Để cải thiện xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Điện Biên xác định cần sự chung tay của các cấp, các ngành, các địa phương vào cuộc bằng nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả trong đó đặc biệt chú trọng những chỉ số giảm mạnh về số điểm. Đặc biệt lưu ý các chỉ số thành phần bị giảm điểm: tính minh bạch, tính năng động và tiên phong của chính quyền và chỉ số đào tạo lao động.

Yêu cầu các sở, ngành và chính quyền các huyện, thị xã, thành phố phải thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng chí Lê Thành Đô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã đồng thời chỉ rõ trách nhiệm trước nhất thuộc về người đứng đầu các cấp, các ngành đặc biệt là các huyện, thị xã, thành phố phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt tạo chuyển biến căn bản về nhận thức; quán triệt đến công chức, viên chức về tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp.

Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để lắng nghe, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Các cơ quan có liên quan cần công khai, minh bạch quy trình, thủ tục liên quan lĩnh vực đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai khi thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất, cấp phép kinh doanh có điều kiện… để tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng.

Với cấp huyện, cần duy trì gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư, hộ kinh doanh để hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tại hội nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, trong khối các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh có 7 sở, ngành được xếp loại tốt; 11 sở, ngành được xếp loại khá và 1 đơn vị xếp loại trung bình. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh đứng đầu trong số các sở, ngành tỉnh có chỉ số cải cách hành chính tốt.

Ở cấp huyện, 10/10 huyện, thị xã, thành phố xếp loại khá. Chỉ số cải cách hành chính của huyện Mường Ảng đứng tốp đầu trong số 10 huyện, thị xã, thành phố.