Thực trạng nêu trên đã và đang đặt ra yêu cầu bức thiết, đòi hỏi cả hệ thống chính trị trong tỉnh Ðiện Biên phải nỗ lực, quyết tâm cao và hành động quyết liệt mới có thể thực hiện được mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn năm 2024 như yêu cầu Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.
Tỷ lệ giải ngân thấp “báo động”
Ðề cập kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên, từ đầu năm đến ngày 30/5, ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Ðiện Biên, cho biết: Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định giao vốn đầu tư công năm 2024 là 4.070 tỷ 513 triệu đồng, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thực hiện phân bổ chi tiết 4.065 tỷ 254 triệu đồng (đạt 99,87% so với tổng kế hoạch Thủ tướng giao).
Tuy nhiên, đến cuối tháng 5/2024, toàn tỉnh mới giải ngân được 722,483 tỷ đồng (đạt 17,75% kế hoạch giao); trong đó, vốn ngân sách địa phương giải ngân đạt 21,36%; vốn ngân sách trung ương giải ngân đạt 11,71%; vốn thực hiện của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giảm nghèo bền vững; nông thôn mới) giải ngân đạt 20,66%. Riêng vốn kéo dài năm 2023 sang năm 2024 (bao gồm cả phần vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia được phép kéo dài từ năm 2021, 2022 sang năm 2024) giải ngân đạt 17,21% so với tổng kế hoạch.
Cùng với khẳng định kết quả thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công của tỉnh đạt 17,75% là rất thấp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Phi Sông còn cho biết thêm, so với cùng kỳ năm 2023 thì tỷ lệ giải ngân của tỉnh Ðiện Biên trong 5 tháng vừa qua thấp hơn hẳn 2,36%. Ðáng lo ngại là con số 11/40 chủ đầu tư chưa thực hiện giải ngân mà chưa có báo cáo khó khăn, vướng mắc; 71 danh mục dự án đã được ghi kế hoạch vốn năm 2024 chưa thực hiện giải ngân.
Ðiều đáng nói, trước thời điểm Ðiện Biên đánh giá tiến độ giải ngân đầu tư công của địa phương vừa qua, Bộ Tài chính đã có báo cáo đánh giá đến ngày 30/4/2024 Ðiện Biên có 105 dự án vốn đầu tư công có tỷ lệ giải ngân thấp nhất cả nước, với tổng vốn chưa giải ngân là 343 tỷ đồng.
Thực tế này đã và đang đặt thêm nhiều trách nhiệm, áp lực giải ngân vô cùng lớn đối với các cấp, các ngành trong tỉnh Ðiện Biên. Như phân tích của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðiện Biên Lê Thành Ðô thì đó chính là áp lực về thời gian từ nay đến cuối năm không nhiều (chỉ còn 2 quý) trong khi phần vốn kế hoạch giao trong năm chưa giải ngân còn tới 77,79%. Tính trung bình trong mỗi quý, Ðiện Biên phải giải ngân khoảng 1.583 tỷ đồng; còn nếu tính tháng thì bình quân mỗi tháng phải giải ngân 527 tỷ đồng. “Ðể giải ngân được hết số vốn đó thì nỗ lực trong từng tháng, từng quý phải gấp 3 lần so tốc độ giải ngân 5 tháng vừa qua”, đồng chí Lê Thành Ðô nhấn mạnh.
Làm rõ nguyên nhân gắn với trách nhiệm người đứng đầu
Tại hội nghị đôn đốc giải ngân đầu tư công do Ủy ban nhân dân tỉnh Ðiện Biên vừa tổ chức, ông Nguyễn Phi Sông đã báo cáo nhóm các nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân đầu tư công có cả yếu tố khách quan, chủ quan nhưng nhóm các nguyên nhân chủ quan là cơ bản. Ðó là sự thiếu quyết liệt của một số chủ đầu tư; sự phối hợp giữa chủ đầu tư với các cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương có dự án đầu tư trên địa bàn có nơi chưa nhịp nhàng, hiệu quả, nhất là trong việc hoàn thiện các thủ tục hồ sơ dự án, phối hợp giải phóng mặt bằng; có hiện tượng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm.
Ðơn cử là thực trạng vướng mắc trong giải phóng mặt bằng tại địa bàn thành phố Ðiện Biên Phủ và huyện Ðiện Biên để phục vụ thi công 2 dự án, gồm: Ðường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục Quốc lộ 279, Quốc lộ 12 và dự án quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm. Hiện tại, tiến độ hai dự án trọng điểm này rất chậm.
Cũng trên địa bàn thành phố Ðiện Biên Phủ hiện có dự án Xây dựng trụ sở làm việc kết hợp với trung tâm sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình tỉnh hiện đã gần đến hạn hoàn thành nhưng vẫn chưa có mặt bằng thi công các hạng mục chính.
Dự án có tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2021-2024, đến nay mới thu hồi 3.200 m2 trong khi diện tích còn lại chưa thể thu hồi 3.800 m2 đất. Do vậy, chủ đầu tư chưa có mặt bằng để thi công các hạng mục chính, như: Trụ sở làm việc; trung tâm sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình…
Ông Nguyễn Quốc Quân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (chủ đầu tư dự án)
Nhất trí với nhận diện gọi tên các nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân đầu tư công mà Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Phi Sông đề cập, đồng chí Lê Thành Ðô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðiện Biên còn thẳng thắn chỉ rõ việc chậm giải ngân đầu tư công có phần trách nhiệm từ sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện của một số sở, ngành, địa phương thiếu quyết liệt, sâu sát; vai trò người đứng đầu chưa được phát huy tối đa; công tác lập kế hoạch của một số đơn vị, chủ đầu tư còn yếu; năng lực của một số chủ đầu tư hạn chế dẫn đến chậm hoàn thiện hồ sơ, chất lượng hồ sơ dự án không bảo đảm phải sửa nhiều lần...
Tỉnh giao Sở Kế hoạch và Ðầu tư nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024. Ðồng chí Lê Thành Ðô cũng đồng thời trao quyền cho sở này nếu thấy cần thiết thì thành lập các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công.
Với Sở Nội vụ, đồng chí Lê Thành Ðô giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Ðầu tư, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ vào nội dung cam kết của các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư về giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 làm cơ sở xem xét tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng cơ quan, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Nhấn mạnh mục tiêu, quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công giao năm 2024 đạt hơn 95% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công do Ủy ban nhân dân tỉnh Ðiện Biên ban hành, đồng chí Lê Thành Ðô yêu cầu các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố đã được giao nhiệm vụ chủ đầu tư phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ.
Cụ thể: Rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện của từng chương trình, dự án theo từng nguồn vốn cụ thể đến thời điểm hiện tại, trên cơ sở đó lập kế hoạch giải ngân chi tiết và cam kết trách nhiệm người đứng đầu, chủ đầu tư. Khẩn trương rà soát, tính toán lộ trình kế hoạch giải ngân cụ thể cho từng dự án đã được Trung ương cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn từ các năm trước sang năm 2024; khẩn trương quyết toán các dự án đã hoàn thành năm 2022, 2023; rà soát kế hoạch vốn năm 2022, 2023, 2024 chưa giải ngân hết, không còn nhiệm vụ chi để tham mưu cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn để bố trí cho các dự án đã được phê duyệt còn thiếu vốn để triển khai, bảo đảm hoàn thành mục tiêu các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định.
Riêng với số vốn 560 tỷ đồng (vốn dự phòng ngân sách trung ương) vừa được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung để thực hiện hai dự án, gồm: Cấp điện nông thôn từ điện lưới quốc gia và dự án bảo tồn, tôn tạo Trung tâm tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ kết hợp cải tạo lại hệ thống cây xanh tại các điểm di tích thì đồng chí Lê Thành Ðô yêu cầu phải khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu, thi công bảo đảm hoàn thành giải ngân hết 560 tỷ đồng trước ngày 31/12/2024.