Điện Biên quan tâm xóa mù chữ cho người dân vùng cao

Từng học qua các lớp phổ thông hoặc các lớp xóa mù chữ, nhưng do sống ở vùng sâu, vùng xa cách biệt trung tâm huyện, xã nên nhiều người dân tộc thiểu số lại tái mù chữ vì ít sử dụng. Bởi vậy, hằng năm Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên luôn quan tâm chỉ đạo, xây dựng chỉ tiêu xóa mù chữ nhằm nâng cao dân trí cho đồng bào các dân tộc, từ đó góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, xã hội khác…
0:00 / 0:00
0:00
Lớp học xóa mù chữ tại bản Na Cai-Na Ản, xã Luân Giói, huyện Điện Biên Đông.
Lớp học xóa mù chữ tại bản Na Cai-Na Ản, xã Luân Giói, huyện Điện Biên Đông.

Là một trong số hơn 50 người tham gia lớp xóa mù chữ do Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Luân Giói tổ chức tại bản Na Cai, xã Luân Giói, huyện Điện Biên Đông, ông Tòng Văn Tiên (56 tuổi) rất chăm chú học đọc, viết. Tuy lớp học tổ chức vào các buổi tối, từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần nhưng ông Tiên đi học rất chuyên cần.

Từ khi đăng ký tham gia lớp học, ông chủ động sắp xếp việc nhà làm gọn trong ngày để dành thời gian đến lớp học mỗi tối. Ông Tiên chia sẻ: Những năm 1990, tôi từng đi học xóa mù chữ nhưng lâu quá rồi, lại chỉ ở quanh quẩn trong bản nên ít sử dụng tiếng phổ thông dần dần quên hết. Giờ con cháu đã lớn, các cháu đều biết chữ, học hành tiến bộ mà tôi lại không biết chữ thì thấy ngại với con cháu bởi muốn đọc, muốn hiểu chủ trương, chính sách để khuyên bảo con cháu cũng không làm được. Do vậy, tôi đã đăng ký với bản, xã xin được học lớp xóa mù chữ dành cho bà con tại bản.

Cũng tại xã Luân Giói, lớp học xóa mù chữ tại bản Na Ngua có 70 người chủ yếu là phụ nữ, độ tuổi từ 30-60 theo học. Mỗi tối, các bà, các chị đều thu dọn việc nhà xong trước 7 giờ để yên tâm vào lớp. Trưởng bản Vì Văn Phát cho biết: Trong số 70 người theo học các lớp xóa mù chữ chỉ một vài người biết đọc, biết viết nhưng không thạo; còn số đông mọi người đã từng học nhưng ít sử dụng nên quên dần.

Khi biết tin nhà trường tổ chức lớp dạy chữ cho bà con ở bản mọi người đã vui lắm, ai cũng đăng ký tham gia chứ không e ngại hay xấu hổ như trước nữa. “Trước đây, mỗi lần triển khai công việc hay văn bản gì chúng tôi đều phải phiên dịch sang tiếng dân tộc Thái; thực hiện thủ tục xác nhận thì điểm chỉ ngón tay. Nhưng theo học ở lớp này, nhiều người đã biết đọc, viết được tên của mình. Tới đây chắc chắn việc triển khai công việc của bản cũng thuận lợi hơn” - ông Vì Văn Phát vui vẻ cho biết.

Trao đổi về chương trình tổ chức các lớp học xóa mù chữ tại địa bàn, cô giáo Trương Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Luân Giói, cho biết: Tại xã Luân Giói hiện có chín lớp xóa mù chữ giai đoạn 2 tổ chức tại sáu bản. Trong đó, bốn lớp mở năm 2022; năm lớp mở từ đầu năm 2023. Mỗi lớp có từ 25-35 học viên. Mỗi lớp có hai giáo viên phụ trách, học trong thời gian năm tháng. Từ tối thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, giáo viên đều đặn về các bản dạy chữ cho bà con, trong đó nhiều người là phụ huynh của học trò mình.

Để có được sự tham gia đông đảo, chuyên cần của bà con tại các lớp xóa mù chữ, khi được giao nhiệm vụ tổ chức lớp, các thầy, cô giáo Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Luân Giói chủ động cùng cán bộ xã, bản đến từng nhà tuyên truyền, vận động bà con.

Trong tuyên truyền, các thầy, cô giáo đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết của biết chữ trong đời sống, nhất là trong xã hội hiện nay ai cũng có điện thoại nhưng không biết chữ thì sử dụng rất khó, nhất là điện thoại thông minh. Bà con không biết lưu số điện thoại, không nhắn tin được cho người thân và đọc tin tức trên báo điện tử. Cùng với đó, khi hưởng các chế độ, chính sách cũng không ký tên được. Hiểu được học chữ là cần thiết và hiểu tấm lòng các thầy, cô giáo, bà con đã đăng ký theo học rất đông; sĩ số các lớp cũng luôn đảm bảo trên 80% hằng ngày.

Ông Nguyễn Tiến Thắng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông, cho biết: Năm 2023, huyện có kế hoạch mở 15 lớp xóa mù chữ giai đoạn 2 cho hơn 400 học viên thuộc bốn xã: Na Son, Pú Hồng, Phì Nhừ, Luân Giói. Theo kế hoạch, trong tháng 2 vừa qua, Phòng đã tổ chức khai giảng gần 50% số lớp; đồng thời tiếp tục duy trì giảng dạy tại bảy lớp đã mở năm 2022 tại các xã: Pu Nhi, Pú Hồng, Luân Giói.

Đánh giá kết quả thực hiện các lớp xóa mù chữ cho nhân dân trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cho biết: Năm 2022, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 28 lớp xóa mù chữ giai đoạn 2 cho 619 học viên; trong đó huyện Tuần Giáo bảy lớp; huyện Mường Chà bảy lớp; huyện Điện Biên Đông bảy lớp; huyện Nậm Pồ bốn lớp và huyện Mường Nhé tổ chức được ba lớp.

Hiện nay, các huyện tiếp tục duy trì và hoàn thành chương trình xóa mù chữ của các lớp đã mở năm 2022; đồng thời tổ chức thực hiện chỉ tiêu mở lớp xóa mù chữ năm 2023 với dự kiến 54 lớp, 1.223 học viên nhằm duy trì, củng cố vững chắc kết quả xóa mù chữ mức độ 2, nâng cao tỷ lệ người biết chữ mức độ 2 trong độ tuổi 15-60 tuổi.

Hiện toàn tỉnh Điện Biên có số người trong độ tuổi 15-60 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 đạt 96,88%; chuẩn biết chữ mức độ 2 là 88,39%. Những năm gần đây, nhận thức về giáo dục ngày càng cao, công tác xóa mù chữ tiếp tục được quan tâm, củng cố, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi của tỉnh được nâng lên.

Tuy nhiên, ở khu vực vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, việc huy động người không biết chữ ra lớp và duy trì sĩ số học viên vẫn gặp khó khăn do người học là nhân lực lao động chính trong gia đình. Số người học trong các bản ít và khoảng cách giữa các bản xa nhau; thời gian học phụ thuộc vào mùa vụ, thời tiết và phong tục tập quán của người dân.

Vì vậy, để tiếp tục duy trì và nâng cao kết quả xóa mù chữ cho người dân, theo Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Đoạt: Thời gian tới, ngành sẽ ưu tiên bố trí đủ giáo viên thực hiện nhiệm vụ xóa mù chữ ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; cử giáo viên cốt cán tập huấn thực hiện chương trình xóa mù chữ mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo; hướng dẫn, tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo nâng cao tỷ lệ và chất lượng xóa mù chữ; tổ chức các lớp học xóa mù chữ linh hoạt về thời gian, địa điểm, phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi cho học viên theo học, bảo đảm số lượng và chất lượng.