Ông Nguyễn Minh Phú, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, cho biết: Điện Biên có 19 dân tộc, trong đó 18 dân tộc là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống hầu khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Mỗi dân tộc có một tập quán, truyền thống văn hóa riêng chính là thế mạnh thu hút du khách tham quan, trải nghiệm.
Phát huy lợi thế loại hình du lịch này - du lịch cộng đồng các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ năm 2003, tỉnh Điện Biên đã lựa chọn 8 bản của đồng bào dân tộc Thái, gồm: Noong Bua, Co Mỵ, Ten, U Va, Phiêng Lơi, Mển, Him Lam 2 để xây dựng mô hình bản văn hóa du lịch cộng đồng.
Theo đó, mỗi bản lựa chọn phát triển du lịch cộng đồng đều được hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng; hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn cho một số gia đình trong bản có cam kết đón khách lưu trú (ăn, ngủ qua đêm). Cùng với đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên còn tổ chức tập huấn cho nhân lực phục vụ du lịch cộng đồng được lựa chọn từ các bản và hỗ trợ xây dựng, dàn dựng các tiết mục văn nghệ để bà con giao lưu văn hóa, văn nghệ cùng du khách.
Mỗi năm, điểm du lịch cộng đồng bản Nà Sự, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ đón hàng chục nghìn lượt khách tham quan, trải nghiệm. |
Chị Lò Thị Xuyến, thành viên Đội du lịch cộng đồng bản Văn hóa Phiêng Lơi, xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ, cho biết: Được địa phương hỗ trợ kinh phí, được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên hỗ trợ tập huấn nghiệp vụ, từ năm 2003, tôi đã họp bàn với nhiều gia đình trong bản thống nhất thực hiện mô hình đón khách lưu trú, tham quan, trải nghiệm tại bản Phiêng Lơi.
Với các gia đình cam kết tham gia đón khách lưu trú, bà con đã chủ động sửa lại nhà ở để thuận tiện sinh hoạt của thành viên trong gia đình và đáp ứng nhu cầu của du khách.
Trong quy chế hoạt động tổ du lịch bản, chúng tôi cũng yêu cầu các gia đình tham gia phải cử người thường xuyên vệ sinh nhà cửa, không gian quanh bản; cử thành viên tham gia đội văn nghệ, đội ẩm thực, đội trình diễn phong tục… để sẵn sàng phục vụ khách tham quan, trải nghiệm.
Làm theo cách đó, đến nay, mô hình du lịch cộng đồng của bản Phiêng Lơi đã hoạt động được 21 năm, từ mô hình này giúp nhiều gia đình thoát nghèo; các con, các cháu trong bản đã biết cách tổ chức, sắp xếp phục vụ khách du lịch tại gia đình trong các mùa du lịch. Do vậy, đến thời điểm này thì hầu như các gia đình trong Phiêng Lơi đều sẵn sàng đón khách tham quan, trải nghiệm; mô hình du lịch cộng đồng của bản Phiêng Lơi cũng trở thành điển hình cho loại hình du lịch này tại địa phương.
Hoạt động sau mô hình du lịch cộng đồng bản Phiêng Lơi nhiều năm, nhưng hiện tại mô hình du lịch cộng đồng bản Nà Sự, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) cũng là điểm đến thu hút khách trong nước, quốc tế.
Chị Thùng Thị Lâm, thành viên Tổ du lịch cộng đồng bản Nà Sự, cho biết: Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với thiên nhiên, gắn với người dân tộc Thái trắng ở Tây Bắc, chúng tôi sử dụng vật liệu có sẵn tại địa phương để làm đồ dùng, dụng cụ phục vụ ăn, ngủ, vui chơi của du khách. Lấy dẫn chứng, cốc nước, mâm, ghế, bàn… đều làm từ cây tre, cây giang trong rừng, chị Thùng Thị Lâm còn chỉ tay xuống con đường, bờ tường được xếp bằng đá và nói: “Toàn bộ đá làm nền đường, đá xếp tường rào đều do bà con trong bản ra suối lấy từng viên đem về. Hầu hết các đoàn khách thăm bản đều chụp ảnh bên các bờ tường như thế này”.
Đánh giá cao đóng góp, giá trị thu được từ loại hình du lịch cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên khóa 14, nhiệm kỳ 2020-2025 đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Cụ thể hóa nội dung Nghị quyết 03, ngày 3/3/2023 Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 345/QĐ-UBND phê duyệt Đề án 345 phát triển du lịch tỉnh Điện Biên, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ phát triển các điểm du lịch cộng đồng tại thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay và các huyện: Điện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo, Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé, Tủa Chùa…
Điển hình các điểm: Du lịch cộng đồng bản Phiêng Lơi, bản Che Căn (thành phố Điện Biên Phủ; điểm du lịch cộng đồng bản Nà Sự (huyện Nậm Pồ); điểm du lịch cộng đồng bản Tả Khố Khừ (huyện Mường Nhé); điểm du lịch cộng đồng bản Quang Chiên, bản Nậm Cản, bản Bắc 2 (thị xã Mường Lay); điểm du lịch cộng đồng bản Có, bản Lồng, bản Sáng (huyện Tuần Giáo); điểm du lịch cộng đồng bản Nậm Cứm, Ẳng Cang (huyện Mường Ảng)...
Nhân dân các bản văn hóa du lịch cộng đồng tại Điện Biên chung vui cùng du khách. |
Từng bước thực hiện nội dung Đề án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đồng thời tạo động lực thu hút khách tham quan về các điểm du lịch cộng đồng, chỉ trong giai đoạn 2021-2023 tỉnh Điện Biên đã đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, du lịch, dịch vụ.
Từ nay đến năm 2030, Điện Biên dự kiến bố trí 1.037 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn xã hội hóa, huy động đóng góp từ nhân dân… đầu tư phát triển du lịch, để du lịch Điện Biên thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mang đậm bản sắc du lịch Điện Biên, gồm: du lịch lịch sử, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng…