Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, với mong muốn đem lại một góc nhìn xuyên suốt về lịch sử hào hùng của Hà Nội, chiều 3/10, Báo Nhân Dân tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với Trung tướng Nguyễn Đức Soát và Đại tá Nguyễn Đình Kiên - hai Anh hùng Lực lượng vũ trang lập nhiều chiến công trong trận "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát nguyên là Tư lệnh Không quân, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, phi công Át (ace) đã bắn rơi 6 máy bay Mỹ. Đại tá Nguyễn Đình Kiên nguyên là Sư đoàn trưởng 361 Phòng không, trắc thủ tên lửa xuất sắc đánh B52 Mỹ trong 12 ngày đêm lịch sử.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta, Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972 là biểu tượng chiến thắng của ý chí, bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh - Trưởng Ban Nhân Dân điện tử và nhà báo Hữu Việt tặng hoa 2 khách mời tham gia giao lưu trực tuyến. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Cuộc chiến đấu 12 ngày đêm dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quyết đánh, biết đánh và quyết thắng kẻ thù của quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn bằng “siêu pháo đài bay” B-52 của đế quốc Mỹ.
Nhận định về bối cảnh chiến tranh lúc bấy giờ, Trung tướng Nguyễn Đức Soát cho biết, Mỹ-ngụy khi ấy đang bị đẩy vào tình thế khó khăn trên khắp các mặt trận. Trước thời điểm Mỹ mở chiến dịch 12 ngày đêm, Hiệp định Paris gần như đã chuẩn bị xong và chỉ chờ để ký kết.
Tuy nhiên, Mỹ đề nghị sửa một số điểm trong bản dự thảo hiệp định, muốn “có đi có lại”, yêu cầu khi quân Mỹ rút khỏi Việt Nam thì ta cũng phải rút quân đội miền bắc khỏi miền nam. Mỹ muốn dùng B-52 đánh ra miền bắc để gây sức ép, tập trung vào Hà Nội, các thành phố lớn và các đầu mối giao thông quan trọng của ta, hòng uy hiếp, làm nhân dân ta mất tinh thần, làm lãnh đạo ta phải nhụt chí.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Theo Trung tướng Soát, giải quyết một cuộc chiến tranh thông thường phải có một trận quyết chiến chiến lược, và “Điện Biên phủ trên không” cũng là một trận quyết chiến chiến lược như thế. Khi ấy, Mỹ quyết tâm “đưa miền bắc về thời kỳ đồ đá” và ta quyết tâm không để điều đó xảy ra.
Bất chấp tương quan lực lượng chênh lệch rất nhiều so với địch, song nhờ có sự kết hợp bọc lót nhuần nhuyễn giữa không quân và bộ đội tên lửa mà suốt 12 ngày đêm năm 1972, không có đợt nào không quân Mỹ đánh trúng được trận địa tên lửa của bộ đội Việt Nam. Đây chính là yếu tố rất quan trọng, là sự kết hợp linh hoạt giữa không quân và phòng không, tên lửa.
“Khi bàn về cách đánh B-52, chúng tôi đều khẳng định phải kiên quyết bắn rơi. Nếu 2 quả tên lửa trên MiG-21 không bắn được thì vẫn còn quả tên lửa thứ 3 là chiếc máy bay và một trái tim cháy bỏng căm thù của phi công ta”, vị tướng già xúc động chia sẻ khi nhắc tên những người đồng đội đã hy sinh trong trận chiến 50 năm về trước.
Với nòng cốt là lực lượng phòng không-không quân, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại; trong đó có 34 máy bay B-52, làm nên chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” oanh liệt, buộc chính quyền Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo ra thế và lực mới tiến tới giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Phân tích nguyên nhân thắng lợi của quân đội ta, theo Đại tá Nguyễn Đình Kiên, nguyên Sư đoàn trưởng 361 Phòng không, trước hết phải kể đến niềm tin chiến thắng của bộ đội, cùng với đó là đưa ra được những dự báo chiến lược và cách đánh rất linh hoạt, rút kinh nghiệm kịp thời trong từng trận đánh.
Ông cũng chỉ ra một số nguyên nhân khách quan, trong đó có sai lầm chí mạng của Mỹ khi coi thường, đánh giá sai lầm sức mạnh của bộ đội không quân, tên lửa. Một điều nữa không thể không nói đến là sự giúp đỡ của nhân dân Liên Xô, đã tài trợ tên lửa, máy bay... “Nếu không có sự giúp đỡ này, cuộc chiến sẽ rất khó khăn”, Đại tá Nguyễn Đình Kiên cho hay.
Bên cạnh những nguyên nhân nói trên, theo Trung tướng Nguyễn Đức Soát, ý chí quyết tâm của bộ đội ta, thà chết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ cũng là yếu tố đóng góp quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử. “Vì quyết tâm nên sẵn sàng ra trận. Phong trào thi đua giết giặc lập công khi ấy sôi nổi lắm”, ông nhớ lại.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát và Đại tá Nguyễn Đức Kiên. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Đặc biệt, ông nhấn mạnh, ý chí, sự quyết tâm, gan dạ chấp nhận chịu đựng vất vả của nhân dân Thủ đô là động lực tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội chiến đấu ngăn chặn không cho bom đạn của địch rơi xuống. “Quân và dân đồng lòng, các đồng chí lãnh đạo kiên cường, kiên trì không chấp nhận điều khoản Hiệp định Paris mà Mỹ đề xuất. Đó là ý chí quyết tâm một lòng từ lãnh đạo cho đến người dân”, Trung tướng Soát cho hay.
Trong cuộc chiến 12 ngày đêm ác liệt ấy, những người lính phòng không-không quân như Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Đại tá Nguyễn Đình Kiên và các đồng đội đã dũng cảm chiến đấu, mưu trí, sáng tạo, vượt mọi khó khăn, làm thất bại âm mưu đánh phá của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc bầu trời Thủ đô.
Trước những thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới, khu vực, đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với nhiệm vụ xây dựng quân đội, trong đó có lực lượng phòng không-không quân với sứ mệnh bảo vệ vùng trời bình yên của Tổ quốc nói chung và Hà Nội nói riêng.
Đại tá Nguyễn Đức Kiên. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Theo Trung tướng Soát, đường lối quân sự của chúng ta phòng thủ, bảo vệ là chính. Nhưng khi đối phương sử dụng vũ khí hiện đại, buộc chúng ta cũng phải có vũ khí để đối chọi. Do đó, hiện nay, chúng ta cần xây dựng lực lượng phòng vệ tương xứng, đầu tư có trọng điểm.
Đặc biệt, cần phải đào tạo một lực lượng phi công tốt, đầu tư mua máy bay mới để khi cần chiến đấu, lực lượng này có thể nhanh chóng sử dụng.
Đồng quan điểm này, Đại tá Nguyễn Đức Kiên cho rằng trong bối cảnh hiện nay, cần đầu tư xây dựng hệ thống công nghiệp quốc phòng vững chắc, bảo đảm đủ vũ khí, khí tài cho quân đội, đặc biệt là cho lực lượng phòng không-không quân.
Ông cũng nhấn mạnh, để giữ vững ổn định chính trị cho đất nước, cần tiếp tục xây dựng lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước và quân đội, đó là gốc bền rễ sâu.
Tại buổi giao lưu, 2 khách mời cũng chia sẻ nhiều câu chuyện về những năm tháng tiếp tục cống hiến sức lực xây dựng lực lượng phòng không-không quân sau chiến thắng trận "Điện Biên Phủ trên không"; về cuộc hội ngộ của 2 người vào năm 1999; chia sẻ những kỷ niệm được về Hà Nội; về văn hóa Hà Nội trong cuộc chiến bảo vệ Thủ đô.
Các ông cũng gửi gắm tới thế hệ trẻ ngày nay cần tiếp tục sống, lao động, học tập và phấn đấu xứng đáng với những hy sinh của cha ông đi trước, xây dựng đất nước hòa bình, ngày càng phồn vinh.