Những bức ảnh trước và sau trận Điện Biên Phủ trên không

LTS. - Hơn 70 năm qua, các thế hệ người làm Báo Nhân Dân đã đóng góp cho đất nước nhiều tác phẩm báo chí giá trị, bám sát thực tiễn lao động, chiến đấu của đất nước qua các thời kỳ. Kỷ niệm 73 năm Báo Nhân Dân ra số đầu (11/3/1951-11/3/2024), Thời Nay giới thiệu chùm ảnh lịch sử của phóng viên ảnh Trịnh Hải, một trong những tay máy kỳ cựu của Báo Nhân Dân.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các chiến sĩ tên lửa bảo vệ Thủ đô trước 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các chiến sĩ tên lửa bảo vệ Thủ đô trước 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không.

Cuối tháng 12/1972, đế quốc Mỹ lập kế hoạch Lai-nơ Bếch-cơ II (Linebacker II), dùng máy bay B-52 ném bom rải thảm xuống miền bắc, nhất là Hà Nội và Hải Phòng.

Trước ngày 21/12, tôi vào Ngõ Chợ Khâm Thiên (Hà Nội). Ngõ đã sơ tán vắng người. Chợt thấy số nhà 13 có cửa gỗ chấn song sắt nhưng không khóa, chỉ buộc dây thừng và có mảnh giấy trắng dán bên ngoài. Tường nhà có tấm tôn viết vội bằng phấn trắng “Nhà đi sơ tán - Tài sản vứt bừa - Mong dân phòng khối chú ý!”.

Ngày 18/12, được tin B-52 ném bom rải thảm đánh phá Hải Phòng, tôi cùng mấy phóng viên của báo xuống ngay Hải Phòng, chụp ngay được cảnh tự vệ cảng và công an đang khẩn trương cứu kho hàng bị cháy, khói bốc mù mịt.

Chiều về, tôi đến chụp ảnh một đơn vị tên lửa bảo vệ Thủ đô đóng tại địa bàn huyện Thanh Oai (Hà Tây trước kia). Đơn vị này giữa tháng 12 bắn rơi một số máy bay F105 và F4 của giặc Mỹ. Khi đang tác nghiệp, tôi thấy anh em bộ đội chạy đi chạy lại xôn xao. Thì ra Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm đơn vị, gặp mấy chiến sĩ trẻ bên quả tên lửa trong tư thế sẵn sàng. Các chiến sĩ hứa với Thủ tướng: “Trận sau nếu giặc vào, chúng con sẽ đánh thắng to hơn!”. Quả vậy, trong 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, đơn vị tên lửa này đã góp phần bắn tan xác hàng loạt B-52.

Tại dãy phố và khu chợ Khâm Thiên, bom B-52 đã phá hủy 534 ngôi nhà, giết hại và làm bị thương gần 300 đồng bào ta. Tôi chụp được trong cảnh tan hoang ấy trên một mảnh tường nhà còn sót lại, ai đó đã viết: “Ních xơn (Chữ X viết thành chữ thập ngoặc của Đức quốc xã Hít-le) hủy diệt khối nhà/Giết người phá của lòng ta không sờn”.

Thăm lại ngôi nhà số 13 Ngõ Chợ Khâm Thiên, chủ nhà cho biết, cái nóc nhà bay mất. Nhà vốn là cửa hàng chữa đồng hồ và đồ điện, có nhiều thứ đắt tiền hoặc khó mua của khách chưa kịp lấy nhưng không mất mát thứ gì, chưa kể nhiều thứ quý của gia đình. Thật tự hào, trong chiến tranh gian khổ thiếu thốn đủ bề, xã hội ta vẫn tin nhau và sống lành mạnh.

Những bức ảnh trước và sau trận Điện Biên Phủ trên không ảnh 1

Cứu kho hàng ở cảng Hải Phòng.

Những bức ảnh trước và sau trận Điện Biên Phủ trên không ảnh 2

Cửa ngôi nhà số 13 Ngõ Chợ Khâm Thiên. Bức ảnh được đặt tên “Lòng tin trong hoạn nạn” (năm 2015 được Liên hiệp các Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam tặng giải thưởng về đề tài Cách mạng và kháng chiến từ năm1930 đến năm 1975).

Những bức ảnh trước và sau trận Điện Biên Phủ trên không ảnh 3

Mảnh tường còn sót lại ở Khâm Thiên thách thức Ních-xơn.

Những bức ảnh trước và sau trận Điện Biên Phủ trên không ảnh 4

Trên đống đổ nát của Bệnh viện Bạch Mai, từ phải sang: nhà báo, nhà văn Thép Mới, nhà thơ Chế Lan Viên, nhà thơ Huy Cận (quàng khăn kẻ). Ngoài cùng bên trái là nhà văn Nguyễn Tuân. Mọi người đang nghe Anh hùng Lao động, GS, bác sĩ Trần Hữu Tước (người xách cặp) tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ.