Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên Lò Văn Tiến cho biết, tỉnh đã thực hiện giải quyết dứt điểm, không còn hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công với cách mạng, không có đơn thư khiếu kiện liên quan đến giải quyết chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Hiện nay, tỉnh đang quản lý hơn 16 nghìn hồ sơ người có công với cách mạng, trong đó có 1.039 đối tượng người có công hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng.
Đây là thông tin được chia sẻ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024 diễn ra ngày 26/12 tại Hà Nội.
Tỉnh Điện Biên đang quản lý hơn 16 nghìn hồ sơ người có công với cách mạng, trong đó có 1.039 đối tượng người có công hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng.
Địa phương cũng đang quản lý 8 nghĩa trang liệt sĩ. Trong số này, có 4 nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia do tỉnh quản lý (gồm 3 nghĩa trang an táng liệt sĩ chống Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ, 1 nghĩa trang an táng liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước quy tập từ nước bạn Lào) và 4 nghĩa trang liệt sĩ do cấp huyện quản lý, với tổng số 7.223 phần mộ liệt sĩ.
Trong những năm qua, công tác chăm sóc người có công với cách mạng của tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh và đạt được những kết quả tích cực.
Các chế độ, chính sách đối với người có công, thân nhân người có công với cách mạng được chi trả kịp thời, đúng đối tượng. Đời sống người có công, thân nhân người có công với cách mạng không ngừng được quan tâm hỗ trợ. Các nghĩa trang liệt sĩ, các đài tượng niệm liệt sĩ trên địa bàn tiếp tục duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, quản lý bảo đảm khang trang, sạch đẹp.
Điện Biên cũng đang quản lý 8 nghĩa trang liệt sĩ. Trong số này, có 4 nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia do tỉnh quản lý và 4 nghĩa trang liệt sĩ do cấp huyện quản lý, với tổng số 7.223 phần mộ liệt sĩ.
Năm 2023, các cấp, các ngành, nhiều đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân đã thăm hỏi, tặng hơn 8.500 suất quà cho gia đình người có công với số tiền hơn 3,5 tỷ đồng. Việc hỗ trợ làm mới và sửa chữa 10 nhà tình nghĩa cho gia đình người có công với cách mạng với kinh phí 360 triệu đồng.
100% xã, phường, thị trấn thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Hơn 98% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
Trong năm, tỉnh đã phục vụ và tiếp đón 1.450 đoàn với hơn 39.000 lượt người đến thăm viếng Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ. Các công trình ghi công liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ được nâng cấp, tu bổ bảo đảm thành kính, trang nghiêm đáp ứng nguyện vọng của các đoàn khách và thân nhân đến thăm viếng mộ, nghĩa trang liệt sĩ.
Tỉnh cũng đã tổ chức lễ đón nhận, truy điệu và an táng 18 hài cốt là liệt sĩ tham gia kháng chiến chống Pháp và quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào vào an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Độc Lập và Nghĩa trang liệt sĩ Tông Khao.
Hiện nay, tỷ lệ người có công hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng qua tài khoản ở địa phương đã đạt 82,6%. Tỷ lệ thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả chế độ ưu đãi hằng tháng cho người có công và thân nhân có tài khoản là 96,5%.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên Lò Văn Tiến nhấn mạnh, trong thời gian tới, nhằm tiếp tục thực hiện tốt việc chăm sóc người có công với cách mạng, tỉnh xác định tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho người có công; khuyến khích, động viên, tạo điều kiện để người có công phát triển sản xuất, kinh doanh,
Tiếp đó, đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa công tác chăm sóc người có công, vận động ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, chăm sóc thương binh, bệnh binh, bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn; thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người có công và có kiến nghị kịp thời để giải quyết các chế độ ưu đãi cho người có công.
Thêm vào đó, tỉnh xác định việc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 là nhiệm vụ lớn của toàn hệ thống chính trị. Từ đó, đẩy mạnh sự tham gia của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh, phối hợp các đơn vị cung ứng dịch vụ hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Năm 2024 là thời điểm diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm lớn tại tỉnh Điện Biên như 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Năm du lịch quốc gia 2024… Dự kiến, số lượng thân nhân gia đình liệt sĩ đến thăm viếng mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ sẽ nhiều. Tỉnh Điện Biên sẽ tập trung chỉ đạo tu bổ, chăm sóc các phần mộ, công trình ghi công liệt sĩ; chuẩn bị các điều kiện tốt nhất bảo đảm tiếp đón, thăm viếng của các gia đình liệt sĩ được chu đáo, thực hiện chế độ thăm viếng theo quy định.
Ngoài ra, địa phương này cũng đề xuất Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xem xét mức chi hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ cho thân nhân liệt sĩ theo Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 và Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ. Nguyên nhân là mức chi này thực tế bị giảm so với thời điểm thực hiện trước đó.
Bên cạnh đó, để chuẩn bị tốt cho các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh kiến nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục quan tâm hỗ trợ, cấp bổ sung kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng để thực hiện các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa trên địa bàn.