Tuy nhiên, hiện tại cả hai tỉnh đều đang thiếu vắc-xin tiêm phòng cho các đối tượng nguy cơ cao trong vùng dịch và các vùng lân cận, rất cần Trung ương quan tâm tháo gỡ, giải quyết kịp thời…
Thông tin từ ngành y tế hai tỉnh Điện Biên và Hà Giang, 15 bệnh nhân đã có kết luận dương tính với bệnh bạch hầu và 98 trường hợp có dấu hiệu của bệnh bạch hầu được phát hiện tại hai tỉnh đều là người dân tộc thiểu số ở các thôn, bản xa xôi, nghèo khó.
Bệnh không rõ nguồn lây
Tỉnh Điện Biên ghi nhận sáu ca nhiễm (một ca đã tử vong) ở ba xã thuộc hai huyện: Điện Biên Đông, Mường Chà; tỉnh Hà Giang có chín ca nhiễm (một ca đã tử vong) và 98 trường hợp nghi nhiễm ở năm xã thuộc hai huyện vùng cao là Yên Minh, Mèo Vạc. Do cách trở giao thông, thiếu hiểu biết về bệnh cho nên hầu hết các trường hợp chỉ được phát hiện bệnh khi được đưa đến các cơ sở y tế tuyến trên.
Bệnh nhân đầu tiên của tỉnh Điện Biên được phát hiện vào ngày 25/4/2023 là cháu S.T.L. (10 tuổi), người dân tộc H’Mông ở bản Háng Giống, xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông, với các triệu chứng sốt cao, đau họng, có giả mạc. Trước đó, cháu có các biểu hiện ho, sốt thông thường nên người nhà đã cho uống kháng sinh, nhưng sau thấy bệnh nặng hơn người nhà mới đưa cháu đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên.
Dù được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên tích cực điều trị nhưng bệnh tình của cháu L. diễn biến nặng do suy hô hấp, sau đó cháu đã tử vong tại nhà. Tại Hà Giang, trường hợp đầu tiên được phát hiện bệnh cũng đã tử vong là cháu V.M.D. (15 tuổi), người dân tộc H’Mông ở bản Khâu Vai, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, cũng có biểu hiện ho, đau rát họng, có giả mạc. Cháu D. được người nhà đưa đến bệnh viện khi bệnh đã biến chứng nặng, suy hô hấp.
Tương tự, các trường hợp khác được kết luận mắc bệnh, nghi mắc bệnh bạch hầu tại Điện Biên và Hà Giang chủ yếu là người dân tộc H’Mông, Khơ Mú ở các thôn, bản vùng cao cách biệt về giao thông, ảnh hưởng di biến động dân cư cho nên đều không rõ nguồn lây. Việc tuyên truyền phòng, chống bệnh tại các địa bàn này gặp rất nhiều khó khăn do bất đồng ngôn ngữ và nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh còn hạn chế. Thậm chí, có trường hợp tại Hà Giang đang được điều trị tại cơ sở y tế nhưng người bệnh trốn viện về nhà.
Ông Lường Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên, cho biết: Ba địa bàn đã phát hiện ổ dịch bệnh bạch hầu trong tỉnh, gồm: Pú Nhi, Pú Hồng (huyện Điện Biên Đông); Huổi Mý (huyện Mường Chà), hằng ngày, nhân viên y tế cơ sở, giáo viên, trưởng bản cùng cán bộ các ban, đoàn thể xã phải về từng bản truyền thông trực tiếp sự nguy hiểm của bệnh và cách phòng, chống. Với bản Pa Ít, xã Huổi Mý, nơi phát hiện ba trường hợp mắc bệnh, thì nhân viên y tế xã đã chủ động làm video hướng dẫn cách vệ sinh phòng bệnh bằng tiếng dân tộc Khơ Mú sau đó đem về bản hướng dẫn trưởng bản ngày ngày phát trên loa.
Tại Mèo Vạc, huyện có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở tỉnh Hà Giang thì những ngày qua ngành y tế cùng chính quyền địa phương tập trung triển khai nhiều giải pháp khống chế dịch bệnh. Đồng chí Ngô Mạnh Cường, Phó Chủ tịch
Ủy ban nhân dân huyện Mèo Vạc cho biết: Một trong những khó khăn của huyện là người dân rất chủ quan, không kịp thời đến các cơ sở y tế khi có bệnh. Để tăng cường phòng, chống bệnh, huyện chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân bằng nhiều hình thức, trong đó ưu tiên biên soạn nội dung tuyên truyền bằng tiếng dân tộc để người dân dễ tiếp thu, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Trong chuyến kiểm tra tại hai tỉnh vừa qua, đại diện hai đoàn công tác của Bộ Y tế nhận định: Do thời gian quá dài cả hai tỉnh không ghi nhận người mắc bệnh bạch hầu (Điện Biên gần 20 năm; Hà Giang 16 năm); và các địa bàn phát hiện người mắc bệnh đều ở nơi xa xôi, hẻo lánh, các ca bệnh lại xuất hiện rải rác cho nên hiện tại không thể xác định cụ thể nguồn lây.
Đoàn công tác Bộ Y tế khuyến cáo, trong bối cảnh thiếu vắc-xin hiện nay, biện pháp phòng, chống bệnh hiệu quả nhất với hai tỉnh là chủ động phát hiện sớm để quản lý, điều trị và sử dụng kháng sinh điều trị dự phòng đối với những trường hợp có nguy cơ cao. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống bệnh dịch.
Cần hỗ trợ vắc-xin và hướng dẫn chuyên môn
Ngay khi ghi nhận trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu tại xã Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông) và xã Huổi Mý (huyện Mường Chà), Sở Y tế tỉnh Điện Biên đã vào cuộc khống chế dịch, chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường chỉ đạo chuyên môn; tổ chức các đoàn công tác hỗ trợ hai huyện Điện Biên Đông, Mường Chà điều tra, giám sát phòng, chống bệnh bạch hầu.
Về công tác chuyên môn, lãnh đạo Sở Y tế hai tỉnh Điện Biên và Hà Giang cùng cán bộ chuyên môn Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trực tiếp chỉ đạo rà soát, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần các ca bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi mắc, tiếp xúc gần; việc tiêm vắc-xin, điều trị dự phòng cho người dân trong vùng dịch được tiến hành hết sức khẩn trương.
Đến thời điểm này, Điện Biên đã lấy được 160 mẫu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; hoàn thành tiêm 2.000 liều vắc-xin Td cho 2.000 người từ 7 đến 20 tuổi tại hai xã Pú Nhi và Noong U (huyện Điện Biên Đông). Với Hà Giang, ngành y tế tỉnh đã tổ chức cấp thuốc kháng sinh phòng bệnh cho hơn 10 nghìn người; việc tiêm vắc-xin chưa thể thực hiện vì hiện tại địa phương không còn.
Nêu các khó khăn trong phòng, chống dịch bệnh bạch hầu tại địa phương, ông Vừ A Sử, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên cho biết: Vì không xác định được nguồn lây của các ca bệnh đầu tiên tại các ổ dịch, do vậy Điện Biên gặp khó khăn trong đánh giá nguy cơ bùng phát dịch, từ đó khó xác định chính xác nhu cầu vật tư, thuốc, vắc-xin.
Hiện tại, Điện Biên không có sinh phẩm xét nghiệm bệnh bạch hầu; nhu cầu tiêm vắc-xin phòng bệnh lớn (khoảng 20 nghìn liều) nhưng mới có 4.336 liều để tiêm cho người dân vùng dịch. Tương tự, nhu cầu vắc-xin phòng bệnh của Hà Giang là hơn 205 nghìn liều, nhưng chưa có nên tỉnh vẫn đợi. Ông Nguyễn Văn Giao, quyền Giám đốc Sở Y tế Hà Giang lo ngại: Địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, điều kiện vệ sinh kém, trình độ nhận thức của người dân về dịch bệnh còn thấp, còn rất chủ quan, do vậy tiêm vắc-xin phòng bệnh cho người dân là giải pháp tốt nhất với Hà Giang. Thế nhưng, hiện tại không có vắc-xin cho nên áp lực phòng bệnh với ngành y tế khó khăn hơn rất nhiều.
Tỉnh Hà Giang và Điện Biên đề nghị Bộ Y tế tiếp tục quan tâm chỉ đạo đơn vị chức năng hỗ trợ địa phương tập huấn, cập nhật kiến thức chuyên môn về quy trình chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu; quy trình phân luồng, sàng lọc phát hiện sớm, cách ly điều trị bệnh nhân bạch hầu tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Vừa qua, ngành y tế hai tỉnh Điện Biên, Hà Giang cũng đã đồng thời kiến nghị Bộ Y tế quan tâm cung ứng vắc-xin Td cho hai tỉnh từ nguồn hỗ trợ của Trung ương; đồng thời hỗ trợ mua vắc-xin từ nguồn kinh phí địa phương để có đủ lượng vắc-xin tiêm phòng cho người dân trên địa bàn hai tỉnh trong thời gian nhanh nhất, tránh tình trạng bệnh lây lan, bùng phát trên địa bàn.