Dòng tiền đầu tư đến thị trường tiếp tục cho thấy sự ổn định. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt gần 5.000 tỷ đồng trong ngày hôm qua, cao hơn 2% so ngày trước đó và cao hơn 10% so mức trung bình ghi nhận trong 1 tuần trở lại đây.
Thị trường nông sản phân hóa, giá ngô tăng 2%
Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/6, giá đậu tương tiếp tục xu hướng giằng co từ vài phiên trước đóng cửa với mức tăng nhẹ. Lo ngại đối với mùa vụ Mỹ khi cây trồng đang phải trải qua thời tiết khô hạn theo mùa chính là yếu tố vẫn đóng vai trò hỗ trợ cho giá.
Sáng nay, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố báo cáo Crop Progress cho biết, nông dân nước này đang bước vào giai đoạn cuối cùng của hoạt động gieo trồng với tiến độ đã đạt 91% tổng diện tích dự kiến, nhanh hơn nhiều so mức 76% trung bình cùng kỳ 5 năm trước.
Báo cáo này cũng cung cấp số liệu đầu tiên đánh giá chất lượng vụ đậu tương 22/23 của Mỹ. Tỷ lệ đậu tương được đánh giá đạt tốt-tuyệt vời chiếm 62%, trong khi con số này được kỳ vọng sẽ đạt 65%. Số liệu này đã tác động hỗ trợ nhẹ tới giá trong phiên hôm qua.
Ngược lại, trong dài hạn, hoạt động xuất khẩu của Brazil được thúc đẩy lại hạn chế nhu cầu đối với đậu tương Mỹ.
Xuất khẩu đậu tương tháng 6 của Brazil có thể đạt tổng cộng 13,1 triệu tấn, giảm so mức 14,49 triệu tấn của tháng 5-tháng xuất khẩu đậu tương cao điểm của nước này, cơ quan hàng hải Cargonave dự báo.
Tuy vậy, các lô hàng đậu tương xuất khẩu trong tháng 6 năm nay của Brazil vẫn tăng 3,16 triệu tấn so cùng kỳ năm trước. Khối lượng xuất khẩu đậu tương năm nay của Brazil đã tăng cao, trong bối cảnh nước này có một vụ thu hoạch kỷ lục với sản lượng hơn 150 triệu tấn. Áp lực cạnh tranh từ nguồn cung Nam Mỹ đã tạo sức ép và thu hẹp đà tăng của giá đậu tương.
Trong khi đó, giá ngô hợp đồng tháng 7 ghi nhận mức tăng gần 2%. Trong bối cảnh hoạt động của thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen vẫn đang bị trì hoãn khiến việc xuất khẩu ngô của Ukraine bị ảnh hưởng, giá ngô còn nhận được sự hỗ trợ lớn bởi tình hình mùa vụ tại Mỹ, hiện cho thấy tín hiệu tiêu cực do sự mở rộng của hạn hán.
Báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress) hôm qua của USDA cho biết, tỷ lệ ngô đạt chất lượng tốt/tuyệt vời của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 4/6 là 64%, giảm 5% so một tuần trước đó và thấp hơn nhiều so mức 73% cùng kỳ năm trước. Con số này cũng nằm dưới mức 67% kỳ vọng của thị trường.
MXV nhận định, mặc dù có khởi đầu thuận lợi hơn so năm ngoái, nhưng vụ ngô năm nay của Mỹ đang chịu những ảnh hưởng đáng kể bởi hạn hán. Điều đó khiến thị trường lo ngại về triển vọng mùa vụ của nhà xuất khẩu ngô lớn thứ 2 toàn cầu và đã thúc đẩy lực mua đối với loại ngũ cốc này.
Giá dầu giằng co trong ngày thị trường đón nhận nhiều tin tức trái chiều
Thị trường dầu thô ngày 6/6 ghi nhận những biến động khá mạnh. Có thời điểm, giá dầu WTI rơi xuống gần 70 USD/thùng, nhưng lo ngại nguồn cung thắt chặt đã hỗ trợ giá tăng trở lại.
Tuy nhiên, nhìn chung trong toàn phiên, sức ép bán vẫn áp đảo do triển vọng nhu cầu yếu, đã kéo giá dầu WTI giảm 0,57% xuống 71,74 USD/thùng và dầu Brent giảm 0,55% xuống 76,29 USD/thùng.
Về mặt cung cầu, tác động của việc cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày của Saudi Arabia trong tháng 7 vẫn chưa đủ sức hỗ trợ mạnh cho giá dầu, do thị trường kỳ vọng sẽ có nguồn cung thay thế, trong khi bức tranh tiêu thụ không quá tích cực.
Dữ liệu theo dõi tàu biển của Bloomberg cho thấy, xuất khẩu dầu từ Nga qua đường biển tăng 90.000 thùng/ngày lên mức 3,69 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 2/6, duy trì sự ổn định bất chấp tuyên bố cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày.
Trong khi đó, nguồn tin từ Reuters cho biết, các thương nhân tại nhà máy lọc dầu châu Á có thể sẽ nhập khẩu ít dầu hơn từ Saudi Arabia trong tháng 7/2023 sau động thái tăng giá và cam kết cắt giảm sản lượng, đồng thời tăng cường mua dầu thô giao ngay từ UAE.
Ngoài ra, ngày hôm qua, trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO) của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), cơ quan này đã điều chỉnh tăng nhẹ sản lượng năm 2023 thêm 30.000 thùng/ngày so STEO tháng 5, do sự tăng trưởng sản lượng của các quốc gia ngoài OPEC như Mỹ, Na Uy, Canada, Brazil và Guyana bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng của nhóm OPEC.
EIA cũng nâng dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ, với mức tăng trưởng 720.000 thùng/ngày lên 12,61 triệu thùng/ngày trong năm nay, cao hơn dự báo trước đó 80.000 thùng/ngày.
Tính đến tác động sau cuộc họp OPEC+, EIA chỉ nâng dự đoán giá dầu Brent trung bình trong nửa cuối năm 2023 thêm 1 USD lên mức 79 USD/thùng. Tuy nhiên, mức giá năm 2024 được điều chỉnh tăng mạnh thêm 9 USD lên 84 USD/thùng.
Về nhu cầu, EIA chỉ điều chỉnh tăng mức tiêu thụ trung bình năm 2023 ở mức khiêm tốn 20.000 thùng/ngày so báo cáo trước. Nhu cầu dầu diesel của Mỹ trong nửa cuối năm nay, một thước đo về chi tiêu hàng hóa dự kiến sẽ thấp hơn mức trung bình 2015-2019 và sau đó giảm hơn nữa vào năm 2024.
Tuy nhiên, trong quý III năm nay, EIA cho rằng thị trường dầu thô sẽ rơi vào trạng thái thâm hụt khoảng 180.000 thùng/ngày. Điều này vẫn sẽ tạo ra rủi ro giá dầu tăng trong giai đoạn tới, mặc dù đà tăng có thể không quá mạnh trong trường hợp triển vọng tiêu thụ vẫn kém tích cực.
Rạng sáng nay, báo cáo của Viện dầu khí Mỹ (API) cho biết, tồn kho thương mại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 2/6 giảm 1,7 triệu thùng, trái với dự đoán tăng 1 triệu thùng, nhưng tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất tăng mạnh lần lượt 2,4 và 4,5 triệu thùng.
Theo MXV, số liệu này có thể tiếp tục gây sức ép tới giá dầu trong phiên sáng nay.