Dự Hội nghị còn có đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; một số bộ, ngành, cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà bày tỏ sự đồng tình với quan điểm, mục tiêu và các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá tỉnh Điện Biên đã xác định đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Mong muốn Điện Biên sẽ phát triển và phát triển hơn, trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du, miền núi phía bắc và trở thành trung tâm kết nối trong vùng, kết nối các vùng trong nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị ngay sau hội nghị công bố quy hoạch tỉnh, Điện Biên cần tiến hành hàng loạt quy hoạch về kinh tế kỹ thuật, nhưng cơ bản nhất là quy hoạch không gian mạng lưới đô thị, nông thôn; sau đó đến quy hoạch đô thị từ đó tạo ra kinh tế đô thị, chuyển đổi mô hình phát triển tạo động lực phát triển cho kinh tế địa phương (quy hoạch đô thị phải bảo đảm tính hiện đại nhưng vẫn chứa đựng, gìn giữ giá trị thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, bản sắc; đô thị phải phát triển hài hòa với thương mại, dịch vụ, đô thị xanh).
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Với lợi thế là di tích đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ, diện tích tự nhiên rộng, khí hậu đặc thù; nhiều cộng đồng dân cư sinh sống với rất nhiều nét văn hóa đặc sắc riêng; cùng với đó là vị trí địa lý đặc biệt (Điện Biên có cặp cửa khẩu giáp các tỉnh Bắc Lào, giáp Vân Nam Trung Quốc và nhiều lối mở)… do vậy, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ rõ rằng, hướng phát triển tới đây của Điện Biên cần ưu tiên nguồn lực, thu hút các nhà đầu tư uy tín, năng lực để cùng địa phương thực hiện các quy hoạch, triển khai các dự án giao thông kết nối nguồn lực đầu tư các dự án hạ tầng quan trọng liên kết vùng, liên kết Điện Biên với quốc tế và đây cũng là kết nối Việt Nam với hai nước bạn Lào, Trung Quốc.
Điểm lại tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Điện Biên: Phát triển kinh tế xanh, tiềm năng năng lượng sạch, diện tích rừng tự nhiên lớn, lợi thế phát triển nông-lâm nghiệp, dược liệu, du lịch lịch sử-văn hóa-sinh thái… Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Điện Biên cần chủ động nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế đặc thù cho Điện Biên phát triển. Bởi sự phát triển của Điện Biên cũng đồng thời tạo động lực phát triển cho các tỉnh trong vùng và quốc gia.
"Là tỉnh đặc thù, do vậy cần thiết nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù để Điện Biên phát triển", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh…
Tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, đồng chí Trần Quốc Cường, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, đã khẳng định Điện Biên sẽ tích cực, khẩn trương triển khai Quy hoạch tỉnh thành hệ thống các cơ chế, chính sách, kế hoạch cụ thể gắn với quy hoạch, kế hoạch chung cả nước, của vùng Trung du và miền núi phía bắc, tạo ra các động lực, cơ hội phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.
Theo quyết định Quy hoạch tỉnh Điện Biên được phê duyệt, phạm vi, ranh giới quy hoạch tỉnh Điện Biên bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên với quy mô khoảng 9.539,92km2, gồm 10 đơn vị hành chính: Thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay và 8 huyện (Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé).
Điện Biên xác định đến năm 2030 sẽ trở thành tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía bắc; là trung tâm du lịch, dịch vụ của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, có năng suất và chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, du lịch; kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong phát triển tỉnh; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại. Ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới.
Đến năm 2050, Điện Biên phát triển toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, môi trường, hướng tới đạt mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng 0; là tỉnh phát triển khá trong cả nước, là trọng điểm du lịch lịch sử-văn hóa-sinh thái quốc gia, có đẳng cấp quốc tế; người dân có thu nhập, chất lượng cuộc sống tốt, hạnh phúc; nền văn hóa tiến bộ, giàu bản sắc dân tộc; bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới và khối đại đoàn kết các dân tộc.
Tư tưởng phát triển xuyên suốt của tỉnh Điện Biên được xác định là: “Phát huy tiềm năng, phát triển nhanh, vững chắc với bản sắc và giá trị lịch sử”. Chiến lược tổng quát phát triển là: “Hạ tầng giao thông đi trước, phát triển có trọng điểm, kiến tạo các giá trị đặc sắc”…
Cụ thể, đến năm 2030, tỉnh Điện Biên có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt hơn 10,51%; GRDP bình quân/người đạt hơn 113 triệu đồng; khách du lịch đạt hơn 2,65 triệu lượt người; dân số toàn tỉnh đạt 802.253 dân; tỷ lệ hộ nghèo (tiếp cận đa chiều) giảm còn 8%; duy trì tỷ lệ che phủ rừng 48%; tỷ lệ đô thị hóa phấn đấu đạt hơn 32%.
Xây dựng thành phố Điện Biên Phủ trở thành đô thị xanh-sạch-văn minh, hoàn thành tiêu chí đô thị loại II; hạ tầng đầu tư phát triển cơ bản theo hướng đồng bộ, hiện đại. Hạ tầng giao vận tải thông suốt, an toàn; điện bảo đảm tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt; nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt được bảo đảm; hệ thống hồ đập an toàn; hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển…