Đồng chí Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, trưởng đoàn công tác cho biết: Qua việc kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại ổ dịch bản Pa Ít, xã Huổi Mý (huyện Mường Chà) và Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên, đoàn công tác đánh giá cao sự chủ động phát hiện, phòng chống dịch của y tế cơ sở.
Đặc biệt tại xã Huổi Mý, huyện Mường Chà dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, xa trung tâm, nhưng cán bộ y tế cơ sở đã chủ động cập nhật tình hình dịch; chủ động phát hiện, triển khai các biện pháp phòng dịch tễ phòng dịch, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trên địa bàn.
Đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh bạch hầu của ngành Y tế và các cấp chính quyền tỉnh Điện Biên, đồng chí Vương Ánh Dương cho rằng: Khoảng 20 năm trở lại đây, bệnh bạch hầu mới xuất hiện tại địa bàn tỉnh Điện Biên và lại xuất hiện ở các xã vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn, giao thông cách trở, nhưng công tác khoanh vùng, chống dịch được triển khai rất kịp thời, hiệu quả.
Sự chỉ đạo kịp thời, sát sao từ Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên và sự vào cuộc khẩn trương của ngành Y tế trong phòng, chống bệnh bạch hầu lần này sẽ là kinh nghiệm quý để các tỉnh miền núi, cùng điều kiện khó khăn như Điện Biên học tập, áp dụng.
Trước đó, từ ngày 1/5 đến 10/9, tỉnh Điện Biên đã ghi nhận 3 ổ dịch bệnh bạch hầu với 6 trường hợp mắc; trong đó 1 trường hợp tử vong; 2 trường hợp đã khỏi bệnh; 3 trường hợp đang được điều trị.
Địa bàn xảy ra 3 ổ dịch đều thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn; các trường hợp mắc bệnh đều là đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện tại ngành Y tế chưa thể xác định được nguồn lây của các ca bệnh đầu tiên tại các ổ dịch, vì vậy địa phương gặp nhiều khó khăn trong đánh giá nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn tỉnh, kéo theo là khó xác định chính xác nhu cầu vật tư, thuốc, vaccine, kinh phí đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.
Việc điều trị dự phòng kháng sinh tại địa phương cũng gặp nhiều khó khăn, do các ca mắc bệnh đều ở vùng cao, dân cư thưa thớt, giao thông cách trở.
Việc uống thuốc dự phòng yêu cầu phải cấp hằng ngày cho người dân, trong khi nhân lực y tế của địa phương mỏng, nhận thức của người dân về việc sử dụng thuốc kháng sinh phòng bệnh chưa cao; nhiều người chưa tự giác khiến áp lực phòng, chống bệnh với địa phương càng khó khăn hơn.