Nghiện rượu được coi là nguyên nhân hàng đầu gây viêm tụy mạn
Hằng năm, Khoa Phẫu thuật tiêu hóa-Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp viêm tụy mạn.
Bệnh nhân P.T.N (nam, 38 tuổi), cũng có thói quen sử dụng rượu sớm từ năm 16 tuổi kèm theo hút thuốc lá mỗi ngày trung bình 1 bao. Cách vào viện 1 tháng, anh N. xuất hiện đau bụng vùng thượng vị âm ỉ kèm theo vàng mắt, vàng da tăng dần, gầy sút 5kg trong vòng 1 tháng.
Anh N. đi khám và điều trị tại nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội và được chẩn đoán là tắc mật do viêm tụy mạn. Sau một thời gian điều trị nội khoa nhưng tình trạng bệnh không tiến triển, gia đình tìm hiểu thông tin và đã đến phòng khám Khoa Phẫu thuật tiêu hóa-Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai.
Người bệnh P.T.N vào viện với thể trạng gầy, da niêm mạc vàng đậm, đau nhiều thượng vị lan sau lưng, ăn uống kém. Trên cộng hưởng từ và cắt lớp vi tính cùng với siêu âm nội soi (2 lần) đều cho thấy có hình ảnh giãn ống tụy, sỏi tụy, giãn đường mật trong và ngoài gan, không rõ khối vùng đầu tụy.
Sau khi làm đầy đủ các thăm dò, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cho người bệnh với chẩn đoán tắc mật do viêm tụy mạn, sỏi tụy, theo dõi u đầu tụy, dự kiến phẫu thuật Frey-Beger hoặc phẫu thuật cắt khối tá tụy nếu trên sinh thiết tức thì tổ chức tụy trong mổ có tế bào ác tính.
Kết quả giải phẫu bệnh khối tá tụy và tổ chức hạch quanh tụy là ung thư biểu mô tuyến tụy trên nền viêm tụy mạn tính, di căn 34 trên 78 hạch nạo vét được.
Sau mổ, người bệnh được sử dụng hệ thống giảm đau đa mô thức, vận động hồi phục sớm và được điều trị phối hợp với các chuyên khoa dinh dưỡng, nội tiết. Bệnh nhân ổn định và ra viện ngày thứ 9 sau mổ và được hẹn khám lại để xét điều trị bổ trợ.
Tuy phẫu thuật thành công nhưng tiên lượng trường hợp này sẽ rất nặng do tụy viêm đã ung thư hóa và di căn hạch.
Viêm tụy mạn là bệnh viêm đặc trưng bởi quá trình phá hủy nhu mô tụy tiến triển không hồi phục. Qua thời gian, nó dần dần dẫn tới xơ hóa nhu mô tụy, gây suy giảm chức năng tụy nội tiết và ngoại tiết. Tỷ lệ mắc bệnh thay đổi tùy từng nước: ở châu Âu là 7/100.000 dân và ở châu Á là 14/100.000 dân.
Bác sĩ Đỗ Văn Minh cho biết, nghiện rượu được coi là nguyên nhân hàng đầu gây viêm tụy mạn (chiếm tới khoảng 90% các trường hợp). Rượu gây kết tủa và làm tăng độ nhớt của dịch tiết tuyến tụy, dẫn đến sự phát triển của các nút protein trong các ống dẫn nhỏ của tụy, sau đó hình thành sỏi gây viêm và xơ hóa tiến triển, dẫn đến hủy hoại tế bào tụy ngoại tiết, tế bào hình sao và tế bào biểu mô ống tụy.
Rượu cũng dẫn đến kích hoạt sớm trypsinogen và các enzym tiêu hóa khác trong chính các tế bào tụy ngoại tiết. Điều này dẫn tới quá trình tự phá hủy trong nhu mô tụy dẫn đến tình trạng viêm tụy.
Ngoài ra còn các nguyên nhân khác như đột biến gene, tắc hẹp ống tụy, tăng triglyceride máu, tăng canxi máu, viêm tụy tự miễn… Một số trường hợp không tìm được nguyên nhân gọi là viêm tụy tự phát.
Viêm tụy mạn diễn biến âm thầm
Viêm tụy mạn là một bệnh lý âm thầm trải qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn sớm của viêm tụy mạn (giai đoạn A) khi chưa có biến chứng và chưa thay đổi chức năng nội tiết và ngoại tiết của tụy. Các xét nghiệm có thể cho thấy rối loạn dung nạp đường, giảm chức năng tụy ngoại tiết nhưng không ỉa chảy.
Giai đoạn trung bình (giai đoạn B) khi viêm tụy mạn có những biến chứng nhưng chưa ảnh hưởng tới chức năng nội tiết và ngoại tiết của tụy trên lâm sàng. Giai đoạn cuối (giai đoạn C) khi tiến trình xơ hóa tụy dẫn tới suy chức năng tụy ngoại tiết và/hoặc tụy nội tiết biểu hiện bằng đái tháo đường và ỉa phân mỡ.
Các triệu chứng của viêm tụy mạn thường không đặc hiệu. Tuy nhiên cần nghĩ tới bệnh lý này khi có các biểu hiện: Đau bụng kéo dài, kém hấp thu, đái tháo đường.
Viêm tụy mạn lâu có thể dẫn tới những biến chứng: Tắc hoặc hẹp đường mật với triệu chứng vàng da tắc mật; tắc hoặc hẹp tá tràng với hội chứng hẹp môn vị; tắc hoặc hẹp các mạch máu thường là tĩnh mạch cửa-mạc treo tràng trên với biểu hiện tăng áp lực tĩnh mạch cửa; nang giả tụy có triệu chứng lâm sàng (chèn ép các cơ quan lân cận, nhiễm trùng, chảy máu…); dò tụy (trong hay ngoài); cổ chướng có nguồn gốc từ tụy; các biến chứng hiếm gặp khác (hẹp đại tràng, nang giả lách…)
Ung thư tụy có tiên lượng rất xấu, mặc dù có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và giảm được tỷ lệ tử vong và biến chứng sau mổ, tỷ lệ sống sau 1 năm 68%, 2 năm 46,7% và 5 năm là 18,7%.
Viêm tụy mạn được coi là yếu tố nguy cơ phát triển ung thư tụy. Tỷ lệ xuất hiện ung thư tụy ở bệnh nhân viêm tụy mạn là 1,8-3% sau 10 năm và 4% sau 20 năm.
Ung thư tụy ban đầu biểu hiện triệu chứng và biến đổi cấu trúc giống như những thay đổi trong viêm tụy mạn nên các triệu chứng lâm sàng và hình ảnh rất khó phân biệt.
Bác sĩ Nguyễn Thành Khiêm cho hay, viêm tụy mạn thường tiến triển âm thầm, khi phát hiện ra bệnh thường ở giai đoạn muộn. Vì vậy, chúng ta cần phải kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm.
Đặc biệt là những bệnh nhân có nguy cơ như tiểu đường, kém hấp thu, bệnh nhân uống rượu nhiều năm... Khi phát hiện ra bệnh nên điều trị hoặc khám theo dõi tại các cơ sở chuyên khoa. Nếu không quản lý tốt sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng.