Cứu sống bệnh nhi 11 tuổi bị viêm tụy cấp, chảy máu ồ ạt

NDO -

NDĐT- TS.BS Lê Thanh Dũng, Phó trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện (BV) Việt Đức cho biết, bé trai 11 tuổi nhập viện trong tình trạng liên tục nôn ra máu không tự cầm. Trên phim chụp cắt lớp vi tính cho thấy có ổ giả phình lớn ở động mạch vị tá tràng (có chức năng cung cấp máu cho tá tràng - tụy và dạ dày).

Sau can thiệp mạch, ổ phình bị loại bỏ hoàn toàn.
Sau can thiệp mạch, ổ phình bị loại bỏ hoàn toàn.

Nhận định đây là trường hợp viêm tụy cấp nặng, nguy cơ chảy máu ồ ạt đe dọa tính mạng nên ngay lập tức bệnh nhi được chỉ định can thiệp nút mạch cấp cứu.

Sau 20 phút can thiệp với 5 nút coils (điều trị nút tắc túi phình bằng vòng xoắn kim loại), ổ phình đã được loại bỏ hoàn toàn. Bệnh nhi hết nôn máu, huyết động ổn, sau đó được chuyển về khoa Nhi tiếp tục điều trị.

Can thiệp mạch là phương pháp được lựa chọn để điều trị các tổn thương giả phình mạch do viêm tụy cấp với tỷ lệ thành công và độ an toàn rất cao.

Bác sĩ Dũng cho biết, tình trạng viêm tụy cấp xảy ra do sự hoạt hóa men tụy ồ ạt ngay trong nhu mô tụy. Bệnh có thể xảy ra ở nhiều mức độ nặng - nhẹ khác nhau tùy thể lâm sàng, nguy cơ để lại những biến chứng vô cùng nguy hiểm trong đó có tổn thương mạch máu dẫn đến ổ giả phình động mạch.

Những ổ giả phình mạch gây ra do men tụy phá vỡ cấu trúc mạch máu bình thường, có thể vỡ gây chảy máu ồ ạt. Mức độ nặng của viêm tụy cấp có thể làm suy đa cơ quan như suy hô hấp, suy thận, suy gan, nguy hiểm đến tính mạng, dẫn đến tử vong.

Do đó, người bệnh và gia đình không được chủ quan khi bị viêm tụy cấp. Khi có các triệu chứng viêm tụy cấp kể trên cần phải nhập viện để điều trị, không nên điều trị ngoại trú hay ở các phòng khám. Bởi đáng lo ngại, bệnh có dấu hiệu đau gần giống đau dạ dày, tá tràng nên nhiều người chủ quan.

Viêm tụy cấp thường gặp ở người lớn, y văn có ghi nhận các ca trẻ em, thường liên quan đến một số biến đổi giải phẫu tụy. Theo thống kê, 70% trường hợp viêm tụy cấp ở người lớn có liên quan đến nghiện rượu, các nguyên nhân còn lại có thể do chế độ ăn, sỏi ống mật chủ, nhiễm khuẩn, loét dạ dày...