Bộ đội Trường Sa - điểm tựa vững chắc của ngư dân

Bảo vệ an toàn cho ngư dân khai thác hải sản trên biển là trách nhiệm và sứ mệnh cao cả của bộ đội Trường Sa - những người đang ngày đêm chắc tay súng giữ gìn biển đảo bình yên của Tổ quốc. Họ đã trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm để vươn khơi, bám biển làm chủ ngư trường.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng Hải quân hỗ trợ, lai dắt tàu cá bị nạn trên biển.
Lực lượng Hải quân hỗ trợ, lai dắt tàu cá bị nạn trên biển.

Áo trắng nơi đầu sóng

Chúng tôi đến Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa, đúng lúc ngư dân Lê Quốc Trầm, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) vừa xuất viện sau một đợt điều trị dài ngày tại đây. Anh cho biết bị tai nạn khi đang đánh bắt hải sản thuộc vùng biển Trường Sa. Tình hình cấp bách, không thể tự xử lý vết thương cho nên người trên tàu đã điện đàm đề nghị bộ đội Trường Sa giúp đỡ. Được bộ đội cấp cứu kịp thời, anh Trầm đã qua cơn nguy kịch, yên tâm điều trị tại thị trấn Trường Sa đến khi bình phục.

Trước đây anh Trầm cùng bà con ngư dân cũng đã từng đưa nhiều đồng nghiệp lên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa để được khám, chữa bệnh, thậm chí cấp cứu khi đang đánh cá ngoài khơi. Anh giãi bày: “Có các bác sĩ quân đội, ngư dân chúng tôi rất yên tâm! Các anh chính là chỗ dựa quan trọng để chúng tôi tự tin vươn khơi, bám biển phát triển kinh tế, qua đó góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa hiện có 30 giường bệnh với đầy đủ các phòng chức năng như: khám ngoại, khám nội, cấp cứu, phẫu thuật, hộ sinh, chụp X-quang, xét nghiệm... Để phục vụ cho những ngư dân vùng biển, ngoài các phòng chức năng như một bệnh viện trong đất liền, trung tâm còn có thêm phòng điều áp nhằm điều tiết áp lực vốn rất cần thiết cho việc chữa trị các thợ lặn dưới đáy biển sâu.

Đại úy, bác sĩ quân y Nguyễn Quang Huy, phụ trách trung tâm cho biết, sau đại dịch, ngư dân ra khơi nhiều hơn các năm trước, nên số ca mắc bệnh hoặc bị tai nạn trên biển cũng tăng lên. Năm 2022, trung tâm tổ chức khám và cấp thuốc cho 2.045 người (1.405 ngư dân); cấp cứu, chữa bệnh, vận chuyển vào đất liền 65 ca bệnh, trong đó, đã có 33 ca bệnh được chữa kịp thời.

Sau đại dịch, ngư dân ra khơi nhiều hơn các năm trước, nên số ca mắc bệnh hoặc bị tai nạn trên biển cũng tăng lên. Năm 2022, trung tâm tổ chức khám và cấp thuốc cho 2.045 người (1.405 ngư dân); cấp cứu, chữa bệnh, vận chuyển vào đất liền 65 ca bệnh, trong đó, đã có 33 ca bệnh được chữa kịp thời.

Đại úy, bác sĩ quân y Nguyễn Quang Huy

Có một số ca bệnh nguy hiểm đến tính mạng, trung tâm đã phối hợp với các đơn vị chức năng vận chuyển bệnh nhân vào đất liền bằng máy bay trực thăng và tàu quân sự. Từ khi thành lập năm 2018 đến nay, trung tâm đã khám cho gần 10.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, ngư dân; thu dung, cấp cứu 1.542 trường hợp; phẫu thuật cho 98 ca; vận chuyển kịp thời 63 trường hợp vào đất liền điều trị, bảo đảm an toàn cho người bệnh (bao gồm 30 ca chuyển bằng tàu, 33 ca chuyển cấp cứu bằng máy bay trực thăng). Với những thành tích đã đạt được, mới đây, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa đã vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba.

Một trong những người nhiều năm làm việc trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, bác sĩ quân y Bùi Công Hưng cho biết, một người bệnh khi đang lênh đênh trên biển có tâm lý hoảng sợ hơn rất nhiều lần bệnh nhân làm việc trong môi trường bình thường. Chính vì vậy, ngoài việc hỗ trợ cấp cứu khẩn trương, kịp thời, bác sĩ còn phải biết động viên, an ủi cho người bệnh. Qua đó, giúp họ trấn tĩnh trở lại, yên tâm điều trị. Anh chia sẻ, những bác sĩ ra đảo công tác, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật thiếu thốn hơn đất liền, nhưng với lòng nhiệt tình trong công việc, ý thức chuyên môn cũng như kỷ luật của quân đội đã tôi luyện họ, giúp họ mạnh mẽ và bản lĩnh hơn. Họ chính là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và đồng đội.

Trên con tàu bệnh viện hiện đại nhất Việt Nam mang tên Khánh Hòa-01, chúng tôi được gặp nhiều cán bộ, chiến sĩ là những bác sĩ quân đội làm nhiệm vụ trên biển. Đây là con tàu đã thực hiện nhiều chuyến hải trình dài ngày làm nhiệm vụ khám bệnh, điều trị và thực hiện các ca phẫu thuật cho bộ đội và ngư dân. Thiếu tá Trần Văn Ngọc, bác sĩ phụ trách tàu cho biết, sở dĩ đây được coi là con tàu bệnh viện hiện đại nhất nước vì tàu có vận tốc hành trình lớn nhất đạt 16 hải lý/giờ, tầm hoạt động 2.500 hải lý.

Tàu có khả năng hoạt động liên tục trên biển 45 ngày, đêm, chịu được sóng cấp 8, cấp 9 và sức gió cấp 10. Kíp tàu gồm 38 người, trong đó có 26 sĩ quan, thủy thủ và 12 cán bộ, nhân viên y tế. Tàu được lắp các trang thiết bị thông tin liên lạc, khí tài hàng hải hiện đại, hệ thống trang thiết bị y tế tiên tiến. Trên tàu có: phòng tiếp nhận bệnh nhân, phòng mổ vô trùng, phòng hồi sức cấp cứu, phòng chẩn đoán chức năng, phòng điều trị răng-hàm-mặt; buồng chụp X-quang, buồng thiết bị giảm áp, 4 buồng điều trị với 20 giường và kho thuốc.

Trang thiết bị y tế có máy chụp X-quang cao tần, các máy siêu âm màu đa năng, điện tim, nội soi, xét nghiệm máu 18 thông số, xét nghiệm nước tiểu; các thiết bị giảm áp, gây mê, hồi sức cấp cứu, phẫu thuật và các thiết bị hội chẩn truyền hình trực tuyến với đất liền, cùng các trang thiết bị y tế khác. Năm 2022, tàu tổ chức cứu hộ, khám chữa bệnh cho hàng trăm lượt bệnh nhân, trong đó có nhiều người là ngư dân đang khai thác hải sản trên biển. Các ca phẫu thuật triển khai trong các trạng thái tàu neo dừng, đang chạy và trong điều kiện biển động, gió mạnh cấp 6, cấp 7. Trong hải trình dài ngày, tàu bệnh viện đã triển khai nhiều cuộc phẫu thuật, phát huy khả năng khai thác, vận hành trang thiết bị y tế trên tàu của bác sĩ, y sĩ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, sẵn sàng ứng cứu trong các trường hợp gặp nạn trên biển.

Điểm tựa của ngư dân

Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, Thượng tá Phạm Thế Nhương chia sẻ, ngoài công tác bảo đảm an toàn cho các ngư dân vươn khơi, bám biển, bộ đội Trường Sa còn làm tốt công tác hướng dẫn cho tàu, thuyền của ngư dân vào tránh trú tại các âu tàu, hỗ trợ cho ngư dân nghiệp vụ đi biển, cách tự cứu chữa bệnh khi độc hành trên biển và các kỹ năng tồn tại trên biển khi gặp tai nạn, sự cố. Cùng với lực lượng y tế chuyên trách, bộ đội trên đảo thường xuyên hỗ trợ ngư dân khi gặp tình huống đột xuất, bất ngờ, tập trung cứu hộ, bảo vệ ngư dân trong mọi tình huống.

Ngoài ra, bộ đội trên đảo còn phối hợp chặt chẽ với bộ đội, người dân các đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa, các tàu hải quân, kiểm ngư, tàu cá ngư dân thực hiện tốt công tác tuần tra trên biển, tuyên truyền về khai thác hải sản hợp pháp, đánh bắt hải sản kết hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Hiện nay, trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, nhiều nơi đã có âu tàu làng chài.

Có những âu tàu, làng chài có sức chứa hàng trăm tàu, thuyền đã tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện đánh bắt hải sản của ngư dân vào tránh trú mỗi khi biển động, sóng to, gió lớn. Ngay trên đảo Trường Sa hiện có một âu tàu hiện đại, với sức chứa lớn, có dịch vụ hậu cần khá đầy đủ và đội ngũ trực chiến suốt 24 giờ trong ngày.

Bộ đội Trường Sa - điểm tựa vững chắc của ngư dân ảnh 1

Âu tàu tránh trú trên đảo Trường Sa.

Ông Phạm Bá Hinh, một ngư dân đánh cá đang có tàu sửa chữa tại âu tàu Trường Sa cho biết, mỗi khi có sự cố về thời tiết, tất cả các tàu cá vào âu tàu đều được nhân viên của Trung tâm hậu cần kỹ thuật hỗ trợ và kiểm tra, buộc chằng tàu cẩn thận, chuẩn bị đệm va, sắp xếp tàu cá neo đậu hợp lý, sắp xếp nơi ăn, chốn nghỉ đồng thời có phương án sẵn sàng sơ tán ngư dân lên đảo khi cần thiết. Sau khi thời tiết ổn định các bác sĩ, y tá thăm khám, nắm bắt tình hình sức khỏe của ngư dân, cung cấp nước ngọt, nhiên liệu, thực phẩm để bà con ngư dân tiếp tục hải trình đánh bắt hải sản. Không chỉ ở đảo Trường Sa, các đảo Đá Đông, Đá Tây, An Bang, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Núi Le, Tốc Tan… cũng đã xây dựng những âu tàu tránh trú an toàn, hỗ trợ kịp thời tàu thuyền của các ngư dân mỗi khi gặp thời tiết xấu trên biển.

Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 Thượng tá Trần Văn Quyển cho biết, Lữ đoàn 146 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và phối hợp với các lực lượng thực hiện nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa. Công tác bảo vệ, hỗ trợ các ngư dân sản xuất trên biển được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị.

Lữ đoàn 146 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và phối hợp với các lực lượng thực hiện nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa. Công tác bảo vệ, hỗ trợ các ngư dân sản xuất trên biển được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị.

Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 Thượng tá Trần Văn Quyển

Các tàu của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân khi thực hiện nhiệm vụ trên biển luôn thường trực và sẵn sàng hỗ trợ sửa chữa hỏng hóc cho tàu cá ngư dân; cung cấp nước ngọt, nhiên liệu; hỗ trợ lương thực, thực phẩm khi cần thiết. Tại quần đảo Trường Sa hiện đã có các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, các âu tàu, làng chài, trung tâm y tế... sẵn sàng giúp đỡ ngư dân vào tránh trú bão; cung cấp nhiên liệu, lương thực, nước ngọt, chăm sóc y tế.

Các trạm cấp cứu trên các kênh vô tuyến điện luôn sẵn sàng tiếp nhận thông tin để giúp đỡ ngư dân trên biển trong mọi tình huống, giúp ngư dân yên tâm trong hoạt động đánh bắt hải sản trên biển. Đến nay, Vùng 4 Hải quân đã ký kết thực hiện Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển”, với các tỉnh: Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên và Bình Định. Lữ đoàn 146 là đơn vị trực tiếp đóng quân trên quần đảo Trường Sa, những năm qua, luôn sẵn sàng cho việc cấp cứu, hỗ trợ ngư dân, nhất là từ khi có các âu tàu. Đơn vị đã giúp đỡ hàng nghìn lượt tàu cá vào các âu tàu tránh trú bão, giúp sửa chữa tại chỗ hàng trăm tàu cá bị hỏng hóc và cấp cứu nhiều ngư dân gặp nạn trên biển.

Quân chủng Hải quân vừa tổ chức Hội nghị sơ kết ba năm thực hiện Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển, giai đoạn 2019-2022”. Tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chính ủy Quân chủng Hải quân cho biết, sau ba năm triển khai thực hiện, Chương trình đã đạt được những kết quả nổi bật.

Đó là, đã làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, ý thức chấp hành pháp luật trong đánh bắt hải sản, góp phần củng cố niềm tin cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển. Bộ Tư lệnh Hải quân đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức 567 đợt hoạt động, điều động 365 lượt tàu, 16 lượt máy bay, 58 lượt xuồng, 50 lượt ô-tô cùng 12.538 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai; kịp thời cứu kéo 340 lượt tàu mắc cạn, hỏng máy trôi dạt trên biển; chữa và cứu vớt được 1.244 người bị bệnh, bị nạn trên các vùng biển, đảo; giúp ngư dân sửa chữa, khắc phục sự cố tàu thuyền trên biển.

Tại các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển; các âu tàu, làng chài ở huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) và cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên các đảo, nhà giàn đã hỗ trợ ngư dân 25.000m3 nước ngọt, 272 tấn lương thực, thực phẩm với tổng giá trị hơn 4,5 tỷ đồng; hướng dẫn, sắp xếp cho các tàu cá vào bổ sung lượng dự trữ nhiên liệu, lương thực thực phẩm, tránh trú bão, khắc phục sự cố tàu thuyền, khám chữa bệnh…

Dù cách đất liền hàng trăm hải lý nhưng biển đảo Trường Sa mãi mãi là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Và chính con người, biển đảo nơi đây đang trở thành điểm tựa vững chắc cho những ngư dân, vượt muôn trùng sóng gió vươn khơi bám biển, ngày đêm lao động sản xuất, bảo vệ và gìn giữ bờ cõi quê hương.