Thời gian qua, để thúc đẩy liên kết vùng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành và tổ chức triển khai chương trình hành động thực hiện các Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng; về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đề xuất các cơ chế, chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo tại các Hội đồng điều phối vùng (trung du và miền núi phía bắc, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên). Ngoài ra, tổ chức hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng nhằm trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai hoạt động khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng.
Kết quả cho thấy, hoạt động khoa học và công nghệ có nhiều đóng góp nổi bật cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và vùng. Tại vùng trung du và miền núi phía bắc, kết quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thời gian qua đã góp phần làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản, tạo nên những điểm sáng trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp tại một số tỉnh: Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Sơn La, Lào Cai...
Đồng bằng sông Hồng có tiềm lực khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo đứng đầu cả nước. Khoa học và công nghệ đã góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế vùng theo định hướng phát triển ba trụ cột chủ yếu là công nghiệp công nghệ cao, cảng biển-logistics, du lịch-thương mại. Việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật, sử dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất đã giúp doanh nghiệp trong vùng nâng cao năng suất lao động, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao.
Điển hình như Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội) đã chế tạo thành công hệ thống chiếu sáng chuyên dụng tiết kiệm năng lượng, phù hợp chu kỳ phát triển sinh học của một số loại cây hoa và cây ăn quả nhằm điều khiển thời gian ra hoa, kết quả. Đến nay, hầu hết các sản phẩm chủ lực của các địa phương trong vùng đã và đang được triển khai xây dựng, tạo lập giá trị tài sản sở hữu trí tuệ.
Hoạt động khoa học và công nghệ của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ được các địa phương tập trung phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, liên kết các ngành, doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu khoa học và trường đại học. Đến nay, các tỉnh như Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Định… đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.
Một số địa phương ứng dụng hiệu quả khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; phát triển năng lượng tái tạo; nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến. Điển hình như ứng dụng công nghệ trong nuôi yến, khai thác yến sào, khai thác cá ngừ, nuôi tôm hùm… mang lại sản lượng lớn, giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Tại Tây Nguyên, hoạt động khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo đã góp phần đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, ứng dụng công nghệ chế biến sau thu hoạch, như: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano trong canh tác bơ tại tỉnh Đắk Nông; nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ trong bảo quản và chế biến quả chanh dây tại tỉnh Đắk Nông và khu vực Tây Nguyên; nghiên cứu công nghệ, thiết kế và chế tạo hệ thống thiết bị đồng bộ để sơ chế và bảo quản mắc-ca tại Đắk Nông và vùng Tây Nguyên… Các địa phương đã xác định được danh mục sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế, đặc thù để xây dựng chương trình phát triển.
Vùng Đông Nam Bộ tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn sản xuất và đời sống. Nhiều kết quả khoa học-công nghệ phục vụ trực tiếp cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của vùng, như nghiên cứu thiết kế, chế tạo, triển khai lắp đặt cảm biến áp suất sử dụng vật liệu silicon carbride (SiC) ứng dụng trong hệ thống trạm quan trắc ngập lụt đô thị trực tuyến tại địa bàn huyện Nhà Bè; đã thương mại hóa cho thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh).
Vùng Đông Nam Bộ dẫn đầu cả nước về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp khoa học và công nghệ chú trọng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Hoạt động khoa học và công nghệ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực của vùng theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ vào phát triển các ngành, hàng chủ lực như: Sản xuất gạo chất lượng cao, phát triển các vùng chuyên canh cây ăn quả giá trị cao, xây dựng thành công các vùng nuôi thâm canh, siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng, cá tra theo chuỗi giá trị… Đồng thời, phát triển công nghiệp sơ chế, bảo quản, chế biến, chế biến sâu và công nghiệp phụ trợ cho nông nghiệp với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững.
Vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố điểm số đổi mới sáng tạo của các địa phương, cũng như các địa phương đạt chỉ số dẫn đầu về đổi mới sáng tạo theo vùng kinh tế-xã hội. Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, bộ chỉ số cung cấp các căn cứ khoa học, thực tiễn để lãnh đạo địa phương sử dụng trong xây dựng, thực thi các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ triển khai hiệu quả, đồng bộ các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia theo hướng phát triển các hướng nghiên cứu cơ bản, các hướng công nghệ ưu tiên, các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của đất nước. Đặc biệt, đối với các địa phương, tăng cường thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại các vùng trọng điểm gắn với lợi thế của từng khu vực.
Trong đó, Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ gắn với các khu công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao; trung du và miền núi phía bắc gắn với các sản phẩm nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch; Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ gắn với nông nghiệp và kinh tế biển; Tây Nguyên gắn với các sản phẩm nông lâm nghiệp, chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp và du lịch; Đồng bằng sông Cửu Long gắn với thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến nông sản, trung tâm giống và chuyển giao công nghệ.