Điểm nghẽn và động lực bứt phá của Cần Thơ

Trong 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Cần Thơ duy trì khá cao, GRDP bình quân đầu người đạt hơn 94 triệu đồng/năm, tăng hơn chín lần; quy mô kinh tế đạt gần 120.000 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần so với năm 2004, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 0,21%...
0:00 / 0:00
0:00
Cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ. (Ảnh: Quốc Dũng)
Cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ. (Ảnh: Quốc Dũng)

Tuy vậy, những năm gần đây, nhất là từ năm 2019 đến nay, tốc độ tăng trưởng và quy mô kinh tế thành phố Cần Thơ không còn duy trì tăng cao như giai đoạn đầu do động lực tăng trưởng của thành phố đã đến điểm giới hạn.

Nhiều năm liền, Cần Thơ thu ngân sách chỉ xoay quanh 11.000 tỷ đồng mà không bứt phá được. Cần Thơ từ đơn vị cấp tỉnh tự cân đối thu chi ngân sách và có điều tiết về Trung ương giai đoạn đầu nhưng đến năm 2023, phải xin Trung ương bổ sung ngân sách để đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn do thu ngân sách không đủ chi.

Nhiều năm liền, Cần Thơ thu ngân sách chỉ xoay quanh 11.000 tỷ đồng mà không bứt phá được. Cần Thơ từ đơn vị cấp tỉnh tự cân đối thu chi ngân sách và có điều tiết về Trung ương giai đoạn đầu nhưng đến năm 2023, phải xin Trung ương bổ sung ngân sách để đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn do thu ngân sách không đủ chi.

Nhiều nguyên nhân ảnh hưởng, tác động đã được chỉ ra. Trong đó, nguyên nhân chính là do cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông của thành phố chưa được đầu tư đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Việc huy động, khai thác các nguồn lực, nhất là nguồn lực về đất đai, chưa hiệu quả như mong muốn; tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân… Đây chính là những điểm nghẽn trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội không chỉ của Cần Thơ mà của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu, tầm nhìn quy hoạch, tạo động lực mới cho sự phát triển, theo lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, trước mắt, Cần Thơ nên tập trung xây dựng và đưa vào khai thác các công trình có ý nghĩa quan trọng hiện đang dang dở.

Đó là tập trung xây dựng, hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp VSIP Vĩnh Thạnh để doanh nghiệp đã đăng ký thuê đất triển khai xây dựng nhà xưởng sản xuất, kinh doanh, đồng thời thu hút đầu tư vì đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2 đã thông xe, việc di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Cần Thơ rút ngắn thời gian một nửa, chỉ còn khoảng hai giờ.

Các cấp, các ngành thành phố cần chủ động vào cuộc, quyết liệt, phối hợp các bộ, ngành và tranh thủ sự quan tâm của Chính phủ để tập trung đẩy mạnh đầu tư xây dựng thêm ba nhà máy nhiệt điện khí của Trung tâm Điện lực Ô Môn (công suất 4.400 MW). Đến nay sau hơn 20 năm triển khai, mới chỉ có một nhà máy đưa vào vận hành. Khi các dự án trọng điểm này hoàn thành sẽ là động lực lớn cho Cần Thơ phát triển, góp phần tăng thu ngân sách.

Muốn vậy, đội ngũ cán bộ, lãnh đạo Cần Thơ cần năng động, sáng tạo hơn, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Đây là vấn đề mà thành phố trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn một số hạn chế trong thời gian qua và trở thành lực cản cho sự phát triển.

Cần Thơ cần tiếp tục phát huy nội lực, khắc phục những khó khăn, hạn chế. Quan trọng hơn là tập trung xây dựng đội ngũ các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu đủ năng lực, phẩm chất thực thi nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Cùng với đó, tận dụng tốt thời cơ đưa thành phố Cần Thơ phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với vai trò, vị trí trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long.