Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cho biết, tính từ ngày 24/10 đến nay, tại thành phố Vinh có 5 địa phương xuất hiện các ổ dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày, gồm: Nghi Kim, Đông Vĩnh, Nghi Ân, Hưng Chính, Nghi Đức.
Lũy kế đến nay, có 13 thôn, 15 hộ có lợn mắc dịch tả châu Phi với số lượng đã tiêu huỷ là 132 con, tổng trọng lượng khoảng 7 tấn. Các mẫu bệnh phẩm lợn ốm được gửi đi xét nghiệm tại Chi cục Thú y vùng III đều có kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Tiêu hủy lợn mắc bệnh trên địa bàn thành phố Vinh theo phương pháp chôn lấp. |
Còn tại huyện Yên Thành, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 16 ổ dịch tả lợn châu Phi. Đây là huyện có tổng đàn lợn lớn, nhưng chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ. Trên địa bàn huyện Diễn Châu cũng đã ghi nhận 5 ổ dịch.
Tại huyện miền núi Quỳ Hợp, bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng tái phát từ cuối tháng 9. Như vậy, đến nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 61 ổ dịch tả lợn châu Phi, xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa qua 21 ngày.
Theo ông Nguyễn Viết Lương, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, hiện tại dịch tả lợn châu Phi đang xuất hiện tại nhiều địa phương. Đơn vị cùng với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nhanh chóng triển khai các biện pháp để ngăn ngừa nguy cơ dịch lây lan rộng. Trên địa bàn tỉnh, số lợn được chăn nuôi quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ chiếm hơn 70% tổng số đàn, tập trung ở các huyện: Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu.
Do chăn nuôi nhỏ lẻ, cho nên công tác phòng, chống dịch bệnh gặp không ít khó khăn bởi điều kiện chăn nuôi không bảo đảm an toàn sinh học, mầm bệnh tồn lưu trong môi trường; sau thời gian mưa lụt, ngập úng vừa rồi, mầm bệnh phát tán rộng.
Do chăn nuôi nhỏ lẻ, cho nên công tác phòng, chống dịch bệnh gặp không ít khó khăn bởi điều kiện chăn nuôi không bảo đảm an toàn sinh học, mầm bệnh tồn lưu trong môi trường; sau thời gian mưa lụt, ngập úng vừa rồi, mầm bệnh phát tán rộng. Ngoài ra, nhiều hộ chăn nuôi chưa thực hiện nghiêm túc việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi; thường sử dụng thức ăn thừa từ quán ăn, nhà hàng, chưa qua nấu chín cho lợn ăn,…
Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, kịp thời phát hiện và xử lý các ổ dịch, Chi cục đã phân công cán bộ phụ trách cụm, huyện để tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương triển khai công tác chăn nuôi, thú y; tiến hành xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, khử trùng chống dịch đúng kỹ thuật.
Chi cục thực hiện giám sát, báo cáo hằng ngày diễn biến dịch bệnh xảy ra trên địa bàn theo quy định; bố trí mọi nguồn lực triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống, không để dịch lây lan, dây dưa kéo dài và phát sinh ổ dịch mới. Bên cạnh đó, Chi cục kiểm soát việc giết mổ, vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo dịch bệnh, bán chạy động vật nghi mắc bệnh; tăng thời lượng tuyên truyền trên hệ thống thông tin của địa phương về bệnh dịch, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.
Dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. |
Liên quan đến công tác hỗ trợ tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, trâu bò bị bệnh viêm da nổi cục, năm 2019, 2020, căn cứ theo Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27/6/2019 và Quyết định số 2254/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo chi trả 100% kinh phí hỗ trợ cho các chủ hộ có lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy. Tổng kinh phí hỗ trợ gần 150 tỷ đồng. Từ năm 2021 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn tiếp tục xảy ra rải rác, nhưng người dân bị thiệt hại chưa được hỗ trợ.
Về nguyên nhân, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cho hay, để có căn cứ hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại cần có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (các quyết định này chỉ có hiệu lực từng năm).
Căn cứ Công văn số 8108/VPCP-NN ngày 18/10/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi và bệnh viêm da nổi cục, ngày 3/11/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành công văn, giao cho các địa phương hoàn thành các thủ tục, hồ sơ hỗ trợ, kịp thời gửi đến Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổng hợp, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện hỗ trợ cho người chăn nuôi theo đúng quy định.
Người dân đưa lợn bị mắc bệnh đi tiêu hủy theo quy định. |
Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 970 trang trại chăn nuôi (theo quy mô của Luật Chăn nuôi), trong đó có 28 trại quy mô lớn, 207 trang trại quy mô vừa, 735 trang trại quy mô nhỏ. Riêng chăn nuôi lợn có 438 trang trại, với tổng đàn khoảng 1 triệu con.
Trong chiến lược phát triển ngành nông nghiệp, địa phương chủ trương phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp tập trung. Theo đó, dự kiến sẽ có nhiều trang trại chăn nuôi khép kín, có quy mô lớn và vừa, được xây dựng trong thời gian tới ở các huyện miền núi như: Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông,… từng bước giảm đàn ở các huyện vùng đồng bằng. Điều này sẽ đáp ứng cùng lúc 2 mục tiêu, đó là vừa bảo đảm quy mô, vừa giảm thiểu tác động đến môi trường.