Tại tổ 24B, phường Duyên Hải, TP Lào Cai, chiều 7-7, phát hiện đàn lợn nái sáu con (cả lợn mẹ) của gia đình anh Trần Văn Tiến, bị chết trong tổng đàn 10 con đang nuôi. Lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn trên và phun thuốc khử trùng, tiêu độc chuồng trại, phòng ngừa dịch lây lan.
Trước đó, ổ dịch đầu tiên được phát hiện tại nhà anh Nguyễn Văn Toản (cách nhà anh Tiến khoảng 30 m), làm chết 31 con lợn, có tổng trọng lượng 1,9 tấn (đã tiêu hủy từ ngày 28-6).
Theo nhận định của Trạm thú y thành phố Lào Cai, nguy cơ dịch lợn tai xanh phát tán rất cao, chưa lường được, vì rất nhiều hộ gia đình ở đây cùng làm nghề chăn nuôi, tập trung vào một dãy phố, chuồng trại làm ở trên đồi phía sau nhà, sát, hoặc liên thông ngăn ô cùng nuôi. Mặt khác, do chưa bao giờ bị dính dịch lợn tai xanh và công tác tuyên truyền hạn chế, cho nên người dân chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.
* Cục Thú y vừa xác nhận tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tái phát dịch lợn tai xanh. Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh, sau khi phát hiện dịch tai xanh trên đàn lợn của hàng chục hộ chăn nuôi ở xã Thủy Phù, huyện Hương Thủy vào ngày 2 và 3-7, đến nay dịch đã lan ra bảy xã thuộc ba huyện: Hương Thủy, Quảng Ðiền và Phong Ðiền. Số lợn mắc bệnh, tiêu hủy là 619 con. Kết quả xét nghiệm từ Cơ quan thú y vùng III là dương tính với virus PRRS. Chi cục Thú y tỉnh phối hợp các ngành chức năng tổ chức lập chốt chặn, khoanh vùng và tiêu độc, khử trùng chung quanh vùng dịch, nghiêm cấm vận chuyển lợn ra khỏi địa bàn dịch.
Như vậy, hiện cả nước có bảy tỉnh là: Bạc Liêu, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Lào Cai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Quảng Ninh và Thừa Thiên - Huế có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày. Lãnh đạo Cục Thú y và các Cơ quan Thú y các vùng đang trực tiếp xuống các địa phương có dịch để chỉ đạo và hỗ trợ chống dịch.