Trong cuộc họp ngày 4/8, Ủy ban Chính sách tiền tệ (MPC) thuộc BOT cho rằng trong năm 2021, mức tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Thái Lan có thể sẽ cao hơn so ước tính trước đây.
Thư ký MPC Titanun Mallikamas cho biết, ủy ban này đã quyết định cắt giảm dự báo phát triển GDP của Thái Lan trong năm 2021 từ mức 1,8% được đưa ra hồi tháng trước, xuống chỉ còn 0,7%. Bên cạnh đó, MPC cũng cho rằng, nền kinh tế Thái Lan trong năm 2022 chỉ đạt mức tăng trưởng 3,7%, giảm một chút so mức dự báo 3,9% trong lần dự báo trước đó của cơ quan này.
MPC đã đánh giá tất cả các yếu tố tích cực và tiêu cực, nhưng cho rằng triển vọng kinh tế Thái Lan sẽ phải đối mặt nhiều hơn với các yếu tố tiêu cực. Đối với các yếu tố tích cực, thí dụ như các biện pháp kích thích kinh tế và trợ cấp bổ sung của chính phủ, sẽ giúp nền kinh tế Thái Lan tăng trưởng 0,4% cùng 0,1% tăng trưởng GDP từ sự hồi phục xuất khẩu.
Trong khi đó, do các yếu tố tiêu cực, tỷ lệ tăng trưởng của Thái Lan dự báo sẽ thấp hơn so kỳ vọng và sẽ khiến tăng trưởng GDP giảm 0,2% trong khi dịch bệnh kéo dài cũng như tác động của nó có thể ảnh hưởng 1,1% tới tăng trưởng GDP. Hơn nữa, việc chậm trễ trong việc mở cửa đất nước và sự sụt giảm lòng tin của du khách nước ngoài cũng có thể khiến tốc độ tăng trưởng GDP chậm đi 0,3%.
Với kịch bản ở mức thông thường, MPC dự đoán, Chính phủ Thái Lan có thể kiềm chế đợt bùng phát dịch và tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế chặt chẽ vào đầu quý 4 tới. Sau đó, Chính phủ Thái Lan sẽ hủy bỏ lệnh cách ly bắt buộc 14 ngày đối với du khách vào quý 2 năm tới.
Với kịch bản này, lượng du khách nước ngoài tới Thái Lan sẽ có thể đạt 150.000 người trong năm nay và tăng lên 6 triệu người vào năm tới.
Còn đối với một kịch bản tồi tệ hơn, MPC dự báo đợt bùng phát dịch Covid-19 sẽ kéo dài và các biện pháp hạn chế phòng ngừa dịch sẽ tiếp tục được áp đặt cho tới quý 4 năm nay và tới quý 3-2022, Thái Lan mới dỡ bỏ lệnh bắt buộc cách ly 14 ngày đối với du khách nước ngoài.
Với kịch bản này, dự báo lượng du khách tới Thái Lan trong năm 2021 sẽ đạt 100.000 người và tăng lên 2 triệu người vào năm 2022.
Theo ông Titanun, điều quan trọng nhất của nền kinh tế Thái Lan hiện nay là cần đẩy nhanh việc kiểm soát đại dịch cùng chiến dịch tiêm chủng vaccine để khôi phục sự tin tưởng của người dân; đồng thời tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Trong khi đó, các biện pháp tài chính và tài khóa cần phải được xúc tiến đế hỗ trợ các nhóm bị ảnh hưởng một cách tập trung và kịp thời hơn để phù hợp với tình hình hiện nay.
MPC đánh giá, thời gian tới, nguy cơ đối với nền kinh tế Thái Lan vẫn còn cao và cần đẩy mạnh việc hỗ trợ thông qua việc đa dạng hóa thanh khoản và giảm nợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
MPC đánh giá cao tầm quan trọng của các biện pháp mà chính phủ tiến hành và sự phối hợp chính sách đối với sự hồi phục kinh tế. Các biện pháp y tế công cộng giúp mua sắm và triển khai tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 để ngăn chặn đại dịch kéo dài.
MPC cho biết sẽ theo dõi sát sao các yếu tố chính ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế Thái Lan, cụ thể là việc phân phối và hiệu quả của các loại vaccine ngừa Covid-19, tình hình bùng phát dịch ở Thái Lan và trên thế giới cũng như hiệu quả của các biện pháp tín dụng, tài chính và tài khóa. MPC cho biết sẽ sẵn sàng sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ phù hợp trong trường hợp cần thiết.