Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rõ hơn về việc phải thay đổi, phải chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, để doanh nghiệp tiếp cận xu hướng đổi mới sáng tạo mở, cần có nhiều hoạt động và sự tham gia của nhiều bên... nhằm hình thành hệ sinh thái và một vài mô hình đổi mới sáng tạo mở.
Tận dụng nguồn lực bên ngoài
Theo dõi xu hướng đổi mới sáng tạo mở trong doanh nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng, xu hướng này đã bắt đầu xuất hiện ở một số doanh nghiệp, tập đoàn và đó được coi như những chấm sáng trong bức tranh đổi mới sáng tạo hiện nay. Tuy mỗi doanh nghiệp sẽ có những bước đi riêng, nhưng điểm chung là họ không cố gắng đầu tư, nghiên cứu làm chủ công nghệ theo kiểu "đơn thương độc mã" như trước đây, mà tận dụng các nguồn lực từ bên ngoài để giải quyết bài toán của doanh nghiệp.
Chia sẻ về mô hình đổi mới sáng tạo, ông Nguyễn Ðoàn Kết, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Ðông cho biết: Công ty đã hình thành được một hệ sinh thái sáng tạo mở đa dạng và có mức độ tương tác cao giữa các thành phần. Ðể tiếp cận các nguồn lực từ bên ngoài, công ty đã thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư vào các start-up tiềm năng có khả năng đóng góp vào hoạt động của công ty; hợp tác chặt chẽ với các viện nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội trong việc nghiên cứu các sản phẩm mới; hợp tác với các đối tác công nghệ để phát triển hệ sinh thái chiếu sáng thông minh như FPT, VNPT, Viettel... Các mục tiêu tăng trưởng và chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025 của công ty được hỗ trợ bởi hệ sinh thái mở năng động nêu trên.
Tại các tập đoàn về công nghệ như VNPT, Viettel..., xu hướng đổi mới sáng tạo mở được thể hiện rõ qua việc nâng cấp các phòng hay trung tâm nghiên cứu và phát triển ( R&D) thành trung tâm đổi mới sáng tạo, trong đó, quá trình hình thành các sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới có sự tham gia đậm nét của các đối tác. Thí dụ, gần đây VNPT đã giới thiệu các giải pháp công nghệ về giáo dục của công ty công nghệ giáo dục do VNPT đầu tư, ươm tạo. Trong hai năm qua, Tập đoàn Viettel đã tổ chức cuộc thi tìm kiếm giải pháp công nghệ, mời các thực tập sinh xuất sắc tham gia những dự án của Viettel, hay triển khai phòng thí nghiệm mở Innovation Lab... nhằm kết nối hợp tác, cùng tạo ra sản phẩm mới.
Tại một số trường đại học cũng hình thành các vườn ươm "mở", là cửa ngõ để mời doanh nghiệp vào đặt hàng, với nguồn kinh phí được doanh nghiệp hỗ trợ, đầu tư, tạo liên kết mang tính thị trường hơn. Trường đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị có nhiều hoạt động hiệu quả thu hút nguồn lực bên ngoài.
Ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc quản lý Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách Khoa cho biết, hoạt động đổi mới sáng tạo mở của Trường đại học Bách khoa Hà Nội có thể thấy qua việc hình thành Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách Khoa. Quỹ huy động tiền từ các cá nhân, doanh nghiệp bên ngoài để đầu tư, ươm tạo, thương mại hóa một số kết quả nghiên cứu trong trường đại học, đầu tư, ươm tạo các start-up. Các nhà đầu tư của quỹ cũng là các cố vấn, huấn luyện viên, nhà kết nối kinh doanh cho những sản phẩm được họ đầu tư. Bên cạnh đó, trường còn xây dựng phòng thí nghiệm, nghiên cứu chung với Công ty TNHH Heasung Vina (Hàn Quốc) nhằm cùng nghiên cứu, phát triển những sản phẩm điện tử công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu của chính doanh nghiệp và nhu cầu khác trên thị trường.Trường cũng đang hình thành các nhóm nghiên cứu và chờ hội đủ yếu tố sẽ thành lập các công ty khởi nguồn công nghệ để thương mại hóa hiệu quả các kết quả nghiên cứu.
Ðánh giá về mô hình hợp tác nêu trên, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, hiện nay, nhiều tập đoàn trên thế giới đã chuyển 70-80% hàm lượng nghiên cứu ra bên ngoài, chỉ giữ lại nghiên cứu một số công nghệ lõi, đặc thù của doanh nghiệp. Các tập đoàn, doanh nghiệp và Trường đại Bách khoa Hà Nội đang đi theo xu hướng này. Khi một doanh nghiệp, viện nghiên cứu hay trường đại học phát triển theo hệ thống "đóng" thì không thể biết các đơn vị khác đang phát triển như thế nào.
Xu hướng mở trong đổi mới sáng tạo đem lại hiệu quả rõ nét là doanh nghiệp, tập đoàn không phải nuôi bộ máy nghiên cứu trong nội bộ quá nhiều, mà tiết kiệm chi phí bằng cách tận dụng chất xám từ bên ngoài để phát triển nhanh hơn; một viện nghiên cứu, trường đại học có thể giải quyết nhu cầu cho nhiều doanh nghiệp cùng có chung bài toán, như vậy, sẽ tránh nghiên cứu trùng lặp, tiết kiệm được chi phí, nguồn nhân lực.
Cần chính sách thúc đẩy
Ðánh giá xu hướng mới trong đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, ông Phạm Hồng Quất cho rằng, các mô hình đổi mới sáng tạo mở trên thế giới đã chứng tỏ hiệu quả và đây là một nhu cầu cần thiết chứ không phải là sự khuyến khích hay lựa chọn đối với doanh nghiệp. Thực tế, các vấn đề cần giải quyết luôn có độ phức tạp, không gói gọn trong phạm vi hẹp, hay một vài đối tượng xã hội nhất định, cho nên đòi hỏi cần nhiều nguồn lực, nhiều chuyên ngành cùng tham gia giải quyết. Nếu theo cách làm truyền thống là tự làm, tự triển khai, thiếu sự liên kết bên ngoài thì chi phí hoạt động, phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp chắc chắn sẽ ngày càng cao và hiệu quả không như mong đợi. Từ thực tiễn hoạt động đổi mới sáng tạo mở của một số doanh nghiệp thời gian qua cho thấy, khi độ mở càng lớn thì càng lấy được nhiều tri thức công nghệ sẵn có để giải quyết nhanh hơn các bài toán của mình.
Ðiểm thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở trong doanh nghiệp hiện nay là Việt Nam đã có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với đầy đủ các thành phần. Ðó là các start-up, các nhóm nghiên cứu, trường đại học sẵn sàng tham gia mạng lưới các chuyên gia để giải quyết các bài toán của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có các cơ sở ươm tạo, quỹ đầu tư thúc đẩy cho quá trình giải quyết các bài toán đó. Vấn đề đặt ra là cần khâu nối các thành phần đó với nhau, nhất là kết nối với doanh nghiệp để doanh nghiệp sẵn sàng đặt đầu bài, tham gia vào hoạt động đổi mới sáng tạo mở.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần thiết xây dựng các nền tảng đổi mới sáng tạo mở như đã đề cập trong Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Vừa qua, nền tảng công nghệ kết nối đổi mới sáng tạo đầu tiên (nền tảng BambuUp) đã được Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ) xây dựng. Nền tảng này cho phép kết nối giữa các bên cung cấp ý tưởng, giải pháp đổi mới sáng tạo và các bên có nhu cầu cập nhật, tìm kiếm các ý tưởng, giải pháp đổi mới sáng tạo. BambuUP cũng đang xây dựng và hợp tác với các bên đối tác để cùng nhau tạo ra một hệ sinh thái thật sự đáp ứng được yêu cầu xuyên suốt hành trình hợp tác đổi mới sáng tạo mở giữa doanh nghiệp và start-up, công ty công nghệ, tạo ra những câu chuyện thành công đổi mới sáng tạo mở trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc điều hành Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUp cho biết, đổi mới sáng tạo mở là khái niệm rất mới ở Việt Nam và nhiều doanh nghiệp chưa thật hiểu và biết phải thực hiện thế nào. Các hoạt động đổi mới sáng tạo mở còn dừng ở mức khá thiểu số và cũng sẽ cần những mô hình, chiến lược mang tính chất hệ thống hóa và phát triển theo hướng hệ sinh thái đa chiều. Cũng giống như những ngày đầu của hệ sinh thái khởi nghiệp, sẽ cần rất nhiều hoạt động và sự tham gia của các bên từ Chính phủ, chính quyền địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp... để có thể định hình hệ sinh thái và một vài mô hình cho đổi mới sáng tạo mở. Thực tế, có rất nhiều mô hình và cách thức tiến hành đổi mới sáng tạo mở cho doanh nghiệp, phụ thuộc vào mức độ phát triển, nhu cầu và định hướng của doanh nghiệp.
Ðể có thể thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo mở, cần thúc đẩy nhận thức diện rộng, thông qua các chương trình đào tạo doanh nghiệp từ khái niệm tới triển khai. Bên cạnh đó, cần sự tham gia, hợp tác của các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp với các công ty khởi nghiệp, từng bước hình thành những doanh nghiệp với chiến lược đổi mới sáng tạo mở sắc nét. Nhà nước cần tác động, thúc đẩy các tập đoàn lớn, doanh nghiệp tham gia nhanh hơn vào đổi mới sáng tạo mở và có những chính sách hỗ trợ, vinh danh cho các tập đoàn, doanh nghiệp tiên phong trong đổi mới sáng tạo mở.
Ông Phạm Hồng Quất cho biết, thời gian tới, đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia sẽ tổ chức các hoạt động để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn mở hệ sinh thái của mình, sử dụng trí tuệ bên ngoài từ các start-up, các viện nghiên cứu, trường đại học. Các doanh nghiệp cần đặt đề bài cho các đối tác bên ngoài giải quyết, tránh tình trạng lãng phí nguồn lực như các cuộc thi tìm ra giải pháp công nghệ nhưng vẫn bế tắc đầu ra cho các sản phẩm do không có doanh nghiệp ứng dụng ■