"Bước tới Ðèo Ngang", du khách gặp "Hoành Sơn quan" với đôi câu đối gắn trên hai trụ cổng có từ thời Minh Mạng nhà Nguyễn. Ðứng ở Hoành Sơn quan, phóng tầm mắt ra xa 300 m về phía tây nam, sẽ nhìn thấy đền thờ công chúa Liễu Hạnh. Theo tài liệu cổ, đền được xây dựng năm 1557 (Hậu Lê), mặt đền hướng ra biển Ðông, bên trong từ tiền đền đến hậu đền toát lên vẻ uy linh, trầm mặc. Vào những dịp lễ, Tết, ngư dân ở đây thường ra thắp hương ở đền cầu mong trời yên bể lặng.
Rời đền, du khách thường đi thuyền thăm đảo La. Ðảo có giếng Tiên nước trong, mát lạnh quanh năm. Từ đây đi về phía tây bắc vài trăm mét thăm bàn cờ thiên tạo bằng đá vuông rộng vài chục mét vuông, phía xa xa là bãi tắm tuyệt đẹp, bờ phẳng, cát vàng.
Ðảo La bao đời là "ngôi nhà lớn" của cư dân đánh cá. Nơi đây có ngôi chùa Hang cổ kính, do dân đảo tạo dựng làm chỗ dựa tinh thần giúp con người vượt qua bao khó khăn nghề biển. Chùa Hang còn là nơi sẻ chia nguồn vui bất tận mỗi khi được mùa cá, mùa tôm...
Cách đảo La không xa về phía đông nam là đảo Gió. Ðến đây du khách tha hồ nhặt những ốc biển có hình thù lạ mắt, mầu sắc óng ánh, lắng nghe tiếng hót du dương của hàng trăm loài chim biển hòa vào tiếng sóng của đại dương bao la.
Về phía tây, du khách có dịp đặt chân lên đảo Yến, nơi hằng năm cho cư dân nguồn lợi khá từ nghề khai thác tổ yến. Sau một ngày đi thăm đảo La, du khách sẽ quay về với bãi tắm Quảng Ðông với triền cát chạy dài thoai thoải là điểm tắm biển lý tưởng.
Tối đến, du khách trở về thăm làng cá Cảnh Dương, nghe các cụ già kể về làng chiến đấu ngoan cường trong kháng chiến; nghe sự tích sông Loan, núi Phượng; thưởng thức đặc sản Ðèo Ngang: mắm Hàm Dương, mực khô, tôm hùm, yến sào, sò huyết...