Đền Trần là nơi thờ các vị vua Trần cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần, trong đó có Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Đền được xây dựng từ năm 1695, gồm 3 công trình kiến trúc chính là đền Thiên Trường, đền Cố Trạch và đền Trùng Hoa.
Từ sáng mùng 1 tháng Giêng năm Giáp Thìn, rất đông du khách đã đổ về Đền Trần để đi lễ đầu năm. Thời tiết khô ráo, có nắng ấm trở thành điều kiện lý tưởng để mọi người đi lễ đầu năm, cầu bình an, hạnh phúc cho bản thân và gia đình.
Chùa Phổ Minh, công trình thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Đền Trần-Chùa Tháp đón rất đông người dân đến du xuân, cầu bình an. |
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhân Dân, năm nay lượng xe ô-tô đổ về khu vực Đền Trần đông hơn hẳn so những năm trước.
Cùng với việc Ban Quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Trần-Chùa Tháp cho dựng rào từ xa, cấm phương tiện để tránh tình trạng tắc nghẽn quanh đền, các tài xế khá vất vả để tìm được chỗ đỗ ô-tô trong bãi xe.
Câu chuyện về ấn Đền Trần Nam Định
Bác Phạm Thị Vân (phường Trường Thi, thành phố Nam Định) cho biết, năm nào cả đại gia đình gồm nhiều thế hệ cũng đi lễ Đền Trần vào ngày mùng 1 tháng Giêng trước khi đi chúc Tết họ hàng.
Theo cảm nhận của bác Vân, các năm gần đây hoạt động dịch vụ quanh đền được quản lý chặt chẽ, không xảy ra tình trạng “chặt chém”, chèo kéo khách hay hình ảnh ăn xin, ăn mày phản cảm.
Thời tiết rất đẹp là điều kiện lý tưởng để mọi người đến Đền Trần dâng hương, làm lễ, một nét văn hóa, tâm linh đã thành thân thuộc với nhiều gia đình. |
Tại đền Thiên Trường, đã xuất hiện tấm băng-rôn lớn chờ đón Lễ khai ấn Đền Trần sẽ diễn ra sau hơn 10 ngày nữa.
Theo đồng chí Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Trần-Chùa Tháp, Lễ khai ấn Đền Trần năm Giáp Thìn sẽ lần đầu tổ chức hàng loạt hoạt động mới tại Quảng trường Đông A, công trình được thi công sắp hoàn thiện trong Dự án Khu trung tâm lễ hội, thuộc Khu di tích lịch sử-văn hóa thời Trần.
Cụ thể, dự kiến du khách về dự lễ sẽ được thưởng thức nhiều loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống như: trình diễn chơi cờ bỏi, tổ tôm điếm, lân sư rồng, biểu diễn võ thuật, diều sáo, hát văn, hát xẩm, múa rối nước…
Trong không gian linh thiêng, người dân thành tâm cầu bình an, hạnh phúc cho gia đình. |
Bên cạnh đó, Quảng trường Đông A cũng là nơi sẽ trưng bày các sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh, tổ chức hội chợ sinh vật cảnh và triển lãm “Hành cung Thiên Trường-Dấu ấn vàng son” cũng như trưng bày ảnh du lịch tiêu biểu của tỉnh.
Để bảo đảm tình hình an ninh, trật tự trong thời gian diễn ra lễ hội, Công an thành phố Nam Định đã xây dựng phương án, huy động các lực lượng bố trí các vòng an ninh trong và chung quanh khu vực Đền Trần, đồng thời làm nhiệm vụ phân làn giao thông, phòng, chống cháy nổ để người dân dự lễ an vui.