“Kích” tín dụng để tháo gỡ ách tắc

Ngân hàng mong muốn “đẩy” vốn ra, nhưng doanh nghiệp vẫn loay hoay khó “đón” được dòng tín dụng. Bài toán vốn đang trở nên khó khăn, thách thức cho cả hai phía ngân hàng và doanh nghiệp hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Công ty CNC Tech Group (Vĩnh Phúc) là một trong những doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Agribank.
Công ty CNC Tech Group (Vĩnh Phúc) là một trong những doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Agribank.

Từ đầu năm 2023 tới nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bốn lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với chi phí thấp hơn, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, tín dụng chỉ mới có tín hiệu tăng trở lại từ tháng 6, sang đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,3%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%). Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất hạn chế.

Doanh nghiệp khó khăn, tín dụng tăng trưởng thấp

Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, số lượng doanh nghiệp vay vốn ngân hàng kể từ đầu năm đã giảm hơn 1.000 đơn vị. Ngành ngân hàng dù đã có nhiều nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của tổ chức tín dụng, song tín dụng nền kinh tế tính đến tháng 7/2023 vẫn tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022.

Đáng chú ý, theo công bố trước đó, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 4, tháng 5, tháng 6 đạt lần lượt 3,03%-3,27%-4,73%. Như vậy, sau khi có sự hồi phục tích cực trong tháng 6, tín dụng lại bất ngờ chững lại, thậm chí là tăng trưởng âm trong tháng 7.

Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Hà Thu Giang cho biết, việc tín dụng tăng trưởng thấp đã phản ánh khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong bối cảnh khách quan với nhiều yếu tố chi phối. Các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19, lại kết hợp bị ảnh hưởng tiêu cực của suy giảm kinh tế trên phạm vi toàn cầu nên nhu cầu vay vốn và khả năng hấp thụ vốn giảm sút.

Mặc dù các chỉ số kinh tế trong nước đang có xu hướng diễn biến tích cực như: xuất khẩu tháng 7 tăng 2,1% so với tháng 6, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 3,9%,... song do ảnh hưởng dồn tích từ thị trường trong những tháng đầu năm nên tín dụng đến cuối tháng 7 vẫn thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước.

Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của doanh nghiệp bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả; tổ chức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để bảo đảm an toàn hệ thống, ngăn ngừa nợ xấu tăng trở lại. Và thực tế, đây chính là sự “lệch pha” giữa ngân hàng và doanh nghiệp, trở thành một trong những nguyên nhân khiến năng lực hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế giảm.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HANOISME) Mạc Quốc Anh, hiện phần lớn các doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng là các doanh nghiệp mới thành lập trong thời gian qua, có quy mô nhỏ, năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế, dù đã từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn. Do đó, doanh nghiệp mong muốn các tổ chức tín dụng cắt giảm điều kiện vay vốn và tăng tối đa tỷ lệ vay tín chấp.

Khơi thông điểm nghẽn

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú khẳng định, việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, duy trì và khôi phục “sức khỏe” của khu vực doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu, trong đó sự suy giảm khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn là vấn đề được đặc biệt quan tâm, cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp, chính sách hiệu quả để tháo gỡ. “Nếu không tạo điều kiện cho tín dụng thì sẽ khó có tăng trưởng. Nhưng nếu “tháo” điều kiện tăng trưởng tín dụng thì nợ xấu tăng lên, khiến “cục máu đông” nợ xấu vừa mới tạm thời được xử lý lại quay trở lại. Nếu nợ xấu tăng, chúng ta lại rơi vào vòng luẩn quẩn, tạo ra ách tắc vốn cho nền kinh tế,” ông Đào Minh Tú chia sẻ.

Chính vì vậy, đối với vấn đề tín dụng, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, cần phải nhận diện đúng điểm nghẽn để có thể khơi thông dòng vốn, tháo gỡ điểm còn khó khăn. Thúc đẩy và tăng trưởng tín dụng, đây là yêu cầu rất cấp thiết lúc này, nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng tín dụng, không để nợ xấu tăng, bảo đảm an toàn hệ thống,... Định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam những tháng cuối năm sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo đúng mục tiêu đã đề ra, đồng thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế.

Thực tế thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí thanh toán,… góp phần hỗ trợ khu vực doanh nghiệp vượt qua các khó khăn, thách thức, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh để từng bước phục hồi. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng, lãi suất hiện nay không còn là điểm nghẽn tiếp cận vốn, mà mấu chốt khiến tín dụng tăng chậm là do kinh tế khó khăn, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, hấp thụ vốn kém. Trong bối cảnh đó, cần đẩy mạnh chính sách tài khóa, cải thiện môi trường kinh doanh song hành cùng chính sách tiền tệ.

Theo Tiến sĩ Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học (Trường đại học Kinh tế quốc dân), hiện tại có nhiều yếu tố hỗ trợ kích thích tài khóa như nợ công giảm và ổn định ở mức vừa phải; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp so với ngân sách nhà nước không quá căng thẳng; nợ công nước ngoài thấp (14,7% năm 2021 giảm còn 12% năm 2023); lãi suất vay nợ trái phiếu chính phủ thấp; kỳ hạn trái phiếu chính phủ lành mạnh. Vì vậy, dư địa để mở rộng chính sách tài khóa vẫn còn. Từ đó, Tiến sĩ Phạm Thế Anh đề nghị, cần tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, tránh dàn trải; phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu thực; bổ sung/xây dựng mới các trường học công đáp ứng đủ nhu cầu xã hội. Cùng với đó là có các giải pháp kích thích tiêu dùng thông qua trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc; nâng mức thu nhập chịu thuế/giảm thuế suất thu nhập cá nhân; giảm thuế giá trị gia tăng hàng thiết yếu nội địa…

Đồng quan điểm, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh, vấn đề lớn nhất doanh nghiệp gặp phải là ở sự đồng bộ trong chính sách và thực thi chính sách. Cụ thể về sự đồng bộ, trong khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết liệt kéo mặt bằng lãi suất xuống, thì ở đâu đó, ở nhiều ngành khác có những chính sách làm chi phí kinh doanh tăng lên. Đối với việc thực thi chính sách, chúng ta có chính sách tốt, nhưng nếu thực thi không nhanh, không mạnh, không tốt, chắc chắn hiệu ứng của chính sách sẽ bị giảm đi nhiều.

“Môi trường kinh doanh hơn lúc nào hết cần phải cải thiện nhanh, mạnh mẽ. Có những vấn đề, chúng ta không thể kiểm soát được như tổng cầu của thế giới, suy giảm kinh tế thế giới; nhưng điều có thể kiểm soát được là tổ chức thực thi các chính sách ở trong nước giúp thúc đẩy sự hồi phục của kinh tế, tạo điều kiện cho sự trở lại mạnh mẽ của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư”, ông Đậu Anh Tuấn nhìn nhận.