Đến 2025: Trung bình hằng năm giảm 4% tần suất tai nạn lao động chết người

NDO -

Theo Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021-2025, mục tiêu đến năm 2025 là trung bình hằng năm giảm 4% tần suất tai nạn lao động chết người. 

Vụ nổ trạm khí than tại Công ty Cổ phần Gạch ốp lát BNC, khu công nghiệp Quế Võ 2, thôn Hữu Bằng, xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh ngày 12/10/2021. (Ảnh tư liệu: Báo Nhân Dân).
Vụ nổ trạm khí than tại Công ty Cổ phần Gạch ốp lát BNC, khu công nghiệp Quế Võ 2, thôn Hữu Bằng, xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh ngày 12/10/2021. (Ảnh tư liệu: Báo Nhân Dân).

Ngày 16/2, Chính phủ đã ký Nghị quyết số 49 /NQ-CP ban hành Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình).

Mục tiêu tổng quát của Chương trình là chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động. Đồng thời, Chương trình đề cập tới bảo đảm an toàn tính mạng cho người lao động, tài sản của Nhà nước, tài sản của doanh nghiệp, của tổ chức, góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia.

Chương trình đặt ra tám mục tiêu cụ thể đến năm 2025.

Thứ nhất, trung bình hằng năm, giảm 4% tần suất tai nạn lao động chết người.

Thứ hai, trung bình hằng năm tăng thêm 5% số người lao động được khám bệnh nghề nghiệp; 5% số cơ sở được quan trắc môi trường lao động.

Thứ ba, hơn 90% số người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động cấp quận, huyện và trong các bạn quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được tập huấn nâng cao năng lực về an toàn, vệ sinh lao động.

Thứ tư, hơn 80% số người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động; 80% số người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.

Thứ năm, hơn 80% số người làm công tác y tế cơ sở được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.

Thứ sáu, hơn 80% số làng nghề, hợp tác xã có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tiếp cận thông tin phù hợp về an toàn, vệ sinh lao động.

Thứ bảy, hơn 80% người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bồi thường, trợ cấp theo quy định của pháp luật.

Thứ tám, 100% số vụ tai nạn lao động chết người được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Chương trình được triển khai trên toàn quốc đến tất cả ngành nghề, người làm công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động, người sử dụng lao động và người lao động. Chương trình ưu tiên các ngành, nghề, công việc có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã và làng nghề.

Chương trình cũng đề ra năm nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện. Trong đó, chú trọng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra, giám sát, cung cấp dịch vụ công về an toàn, vệ sinh lao động lao động. Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền, huấn luyện nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động.

Cùng với đó, đẩy mạnh nghiên cứu, tư vấn, hỗ trợ cải thiện điều kiện lao động, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Kinh phí thực hiện Chương trình từ ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm của các bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương; các chương trình, đề án liên quan theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Cùng với đó, là tài trợ, viện trợ quốc tế và huy động từ xã hội, cộng đồng và các nguồn hợp pháp khác.

Các bộ, ngành và địa phương lập dự toán ngân sách hằng năm để thực hiện Chương trình và quản lý, sử dụng kinh phí theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Cục An toàn lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, ước tính năm 2021, có khoảng 2 triệu người lao động được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2021, trên toàn quốc đã xảy ra 3.612 vụ tai nạn lao động, làm 3.673 người bị nạn. Trong đó, số người tử vong vì tai nạn lao động là 418 người.