Đại biểu tham dự có lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam và 60 doanh nghiệp, câu lạc bộ lữ hành, hiệp hội du lịch trong và ngoài nước.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn chính thức được công nhận là thành viên mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO từ tháng 10/2010. Trong 13 năm được công nhận, các giá trị di sản địa chất, kiến trúc, văn hóa truyền thống được các địa phương quan tâm bảo tồn và phát huy. Công viên địa chất có sự đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở các địa phương trong vùng.
Hà Giang là một tỉnh miền núi khó khăn. Do đó, để huy động nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát triển công viên địa chất, tỉnh dự kiến tổ chức thu phí du khách khi tới tham quan công viên địa chất. Tỉnh đưa ra 3 phương án dự kiến mức thu phí là 20, 30, 40 nghìn đồng/người/đêm đối với người lớn; 10, 15, 20 nghìn đồng/người/đêm đối với trẻ em.
Kiến trúc truyền thống được lưu giữ tại Làng Văn hóa du lịch Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn. |
Mức phân chia nguồn thu phí có các đơn vị là: Ủy ban Nhân dân các huyện, xã, thị trấn 20%; các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trực tiếp thu phí 20%; nộp ngân sách nhà nước 60%. Nguồn phí này sẽ được phục vụ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển sản phẩm mới, xây dựng các công trình vệ sinh môi trường.
Tại buổi tọa đàm, đã có nhiều ý kiến đóng góp đối với vấn đề này. Các địa biểu cho rằng, việc thu phí là vấn đề nhạy cảm, tác động đến nhiều đối tượng, do đó trước khi thực hiện thu phí, tỉnh cần làm đề án thu phí và xin ý kiến của các đối tượng bị tác động và nhân dân. Có ý kiến cho rằng cũng phải xây dựng phương án thu phí và quản lý một cách công bằng, công khai, minh bạch để bảo đảm khoản tiền thu được sẽ được sử dụng để bảo tồn và phát triển du lịch một cách hiệu quả.
Ngoài việc thu phí tham quan Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang cũng đề xuất thu phí du khách tham quan bảo tàng tỉnh.