Mức vé là 80 nghìn đồng/lượt đối với khách trong nước và 120 nghìn đồng/lượt đối với khách quốc tế. Nhiều ý kiến phản đối việc thu phí với lý do di sản là của cộng đồng, do đó, cộng đồng được hưởng thụ.
Quan điểm nữa là phố cổ Hội An vốn là một không gian “di sản sống”, nơi cuộc sống, sinh hoạt của người dân diễn ra thường ngày và từ đó, di sản được bảo tồn một cách sống động. Những sinh hoạt đời sống, lễ nghi, giao thương, phong tục tập quán, các làng nghề truyền thống đang nối tiếp phát triển, hoạt động... góp phần tạo nên thương hiệu đô thị cổ Hội An.
Quan điểm nữa là phố cổ Hội An vốn là một không gian “di sản sống”, nơi cuộc sống, sinh hoạt của người dân diễn ra thường ngày và từ đó, di sản được bảo tồn một cách sống động. Những sinh hoạt đời sống, lễ nghi, giao thương, phong tục tập quán, các làng nghề truyền thống đang nối tiếp phát triển, hoạt động... góp phần tạo nên thương hiệu đô thị cổ Hội An.
Khác với bán vé tham quan một khu du lịch (như Bà Nà Hill, Đại Nam...) hay điểm du lịch (thành cổ, bảo tàng, cung điện,...), việc “lập rào bán vé” ở một địa phận du lịch được quản lý theo cấp hành chính có dân cư sống xen lẫn di tích sẽ có thể khiến mạch sống của đô thị cổ bị ảnh hưởng, nét đẹp của cuộc sống có nguy cơ mất dần nếu không được tính toán kỹ. Thậm chí, nhiều người còn hình dung viễn cảnh khi đến thăm người thân, đi đám cưới, đám hiếu... của người dân trong phố cổ cũng phải mua vé.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một thực tế rằng, việc thu phí tham quan những “di sản sống” không phải là chuyện mới ở Việt Nam. Làng cổ Đường Lâm là một thí dụ điển hình. Ban đầu, không ít người dân Đường Lâm phản đối việc lập các chốt bán vé cho khách vào tham quan làng cổ. Dần dần, người dân đã quen với việc này. Họ nhận ra số tiền bán vé được đầu tư vào công tác bảo tồn làng cổ. Chiếc vé vào thăm làng, dù giá chỉ 20 nghìn đồng/lượt, nhưng cũng khiến khách tham quan trân trọng hơn giá trị di sản.
Trở lại với Hội An, về phía khách du lịch, việc tham quan, chụp hình kỷ niệm những ngôi nhà, những di tích có tuổi đời mấy trăm năm chính là việc thụ hưởng những giá trị di sản văn hóa. Để khách du lịch được thưởng lãm những di sản ấy, cần sự giữ gìn, tu bổ. Vậy tiền ở đâu ra?
Ở nhiều di sản, tiền tu bổ, duy tu một phần lấy từ tiền bán vé. Nói cách khác, mua vé tham quan chính là một ứng xử văn hóa, để mỗi người có trách nhiệm với di sản mình đang thụ hưởng. Đúng là di sản là của cộng đồng, nhưng không thể dồn hết “gánh nặng” bảo tồn cho cộng đồng dân cư địa phương.
Bên cạnh đó, Hội An đang có xu hướng quá tải. Nhiều người đến không vì mục đích tham quan di sản mà sử dụng các dịch vụ khác. Thu phí là giải pháp để “phân luồng” khách, để di sản không bị rơi vào cảnh hỗn tạp, xô bồ.
Ở nhiều di sản, tiền tu bổ, duy tu một phần lấy từ tiền bán vé. Nói cách khác, mua vé tham quan chính là một ứng xử văn hóa, để mỗi người có trách nhiệm với di sản mình đang thụ hưởng. Đúng là di sản là của cộng đồng, nhưng không thể dồn hết “gánh nặng” bảo tồn cho cộng đồng dân cư địa phương.
Hiện nay, những di sản thế giới tại Việt Nam đều bán vé tham quan. Việc bán vé tham quan Di sản thế giới Phố cổ Hội An đặt trong tư duy quản lý đó cũng có thể xem là chuyện bình thường. Vấn đề là ứng xử với Vịnh Hạ Long, Thánh địa Mỹ Sơn phải khác với Hội An.
Thêm nữa, ở đây là cách thu và sử dụng nguồn thu sao cho hợp lý sau khi đã cân nhắc, quyết định thu phí. Mức giá mà thành phố Hội An đề xuất hiện nay được nhiều người cho là hơi cao so với mặt bằng chung. Hơn thế, nếu đến một số di sản quan trọng, người ta còn có thể phải mua vé thêm một lần nữa. Thời điểm tổ chức thu vé cũng cần tính toán.
Ngành du lịch trong nước đang trên đà hồi phục, nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều địa phương cũng như nhiều quốc gia đang tìm mọi cách để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm để kích cầu du lịch, vậy nên việc thành phố Hội An dự kiến thu vé tham quan vào thời điểm này có lẽ chưa hợp lý.
Dư luận cũng quan tâm việc quản lý, sử dụng hiệu quả, hợp lý nguồn thu này một cách hài hòa lợi ích của người dân, địa phương sở tại, Nhà nước, nhất là kinh phí quay trở lại trợ giúp chính những người dân đang sở hữu, khai thác, bảo vệ các di tích cổ trong quần thể di tích đô thị cổ Hội An.
Trước khi tổ chức bán vé thu phí tham quan, thành phố cũng cần tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ vấn đề; nghiên cứu tổ chức cách thu vé làm sao cho hợp lý nhất, hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt của cư dân nhất. Đồng thời, việc sử dụng nguồn thu phải công khai, minh bạch. Nếu vội vàng tổ chức bán vé thu phí tham quan mà chưa tuyên truyền sâu rộng thì hiển nhiên sẽ vấp phải sự phản ứng của dư luận.