Đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ ngày 1/7

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ ngày 1/7/2023 với các mức khác nhau. Cụ thể, tăng 12,5% với đối tượng đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng do ngân sách nhà nước bảo đảm; tăng cho người hưởng từ trước năm 1995 có mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng dưới 3 triệu đồng/người…
0:00 / 0:00
0:00
Lao động tại một doanh nghiệp ở khu công nghiệp Sông Mây, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Thiên Vương)
Lao động tại một doanh nghiệp ở khu công nghiệp Sông Mây, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Thiên Vương)

Bổ sung một số đối tượng được tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng (sau đây gọi tắt là dự thảo Nghị định) và lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan.

Cơ quan này cũng dự thảo Tờ trình Chính phủ về việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.

Văn bản nêu rõ, lần gần nhất Chính phủ thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng là từ ngày 1/1/2022. Việc điều chỉnh này theo quy định tại Nghị định số 108/2021/NĐ-CP ngày 7/12/2021 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng (gọi tắt là Nghị định số 108/2021/NĐ-CP).

Trong dự thảo Nghị định do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng để áp dụng trong năm 2023, về cơ bản, đối tượng, phạm vi điều chỉnh kế thừa quy định tại Nghị định số 108/2021/NĐ-CP.

Đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ ngày 1/7 ảnh 1
Chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng cho người dân tại phường Xuân Đỉnh, Hà Nội vào tháng 1/2023 (Ảnh: VNP)

Ngoài ra, dự thảo Nghị định bổ sung, điều chỉnh một số đối tượng như sau:

Thứ nhất, điều chỉnh đối tượng là người hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ trước ngày 1/1/1995 sau khi thực hiện điều chỉnh theo mức chung mà có lương hưu, trợ cấp dưới 3 triệu đồng/tháng (điều chỉnh tăng từ 2,5 triệu đồng/tháng lên thành 3 triệu đồng/tháng).

Từ thực tiễn thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội đối với đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ trước ngày 1/1/1995 cho thấy, mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng đã được xác định dựa trên thời gian công tác thực tế và mức tiền lương tháng trước khi nghỉ việc của người lao động.

Tuy nhiên, với đặc thù của chính sách tiền lương giai đoạn trước năm 1995, cùng với các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội tại thời điểm đó, nên phần lớn người lao động nghỉ hưu, nghỉ việc theo chế độ mất sức lao động với thời gian làm việc ngắn và mức tiền lương trước khi nghỉ việc thấp. Từ đó, ảnh hưởng đến mặt bằng chung về mức hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng của nhóm đối tượng này.

Thêm nữa, một số nhóm đối tượng đã dừng hưởng theo quy định sau đó được Nhà nước ban hành chính sách cho tiếp tục hưởng trợ cấp hằng tháng từ nguồn ngân sách nhà nước nên mức hưởng khá thấp so với mặt bằng chung. Mức trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng của người đang hưởng trợ cấp theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg và Quyết định số 613/QĐ-TTg là khoảng 1,44 triệu đồng/người/tháng.

Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội “quan tâm điều chỉnh thỏa đáng đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ” và Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Quốc hội “hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp”, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất điều chỉnh đối tượng điều chỉnh đối với người nghỉ hưu từ trước ngày 1/1/1995 sau khi thực hiện điều chỉnh theo quy định chung mà có mức hưởng dưới 3 triệu đồng/người/tháng.

Việc xác định mốc 3 triệu đồng/người/tháng để làm căn cứ điều chỉnh được tính toán dựa trên mức 2,5 triệu đồng/người/tháng quy định tại Nghị định số 108/2021/NĐ-CP và thực hiện việc điều chỉnh tăng 20,8% theo mức tăng của mức lương cơ sở và các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở theo Nghị quyết số 69/2022/QH15.

Thứ hai, bổ sung đối tượng là người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng và trợ cấp tuất hằng tháng trước ngày 1/1/1995.

Đây là nhóm đối tượng không được điều chỉnh theo quy định tại Nghị định số 108/2021/NĐ-CP. Đồng thời, để bảo đảm tương quan với người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng và trợ cấp tuất hằng tháng từ ngày 1/1/1995 trở đi do theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội thì mức hưởng của các đối tượng này được xác định dựa trên mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng và được điều chỉnh khi Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở.

Thời điểm điều chỉnh thực hiện việc điều chỉnh từ ngày 1/7/2023 theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 69/2022/QH15.

Mức tăng cao nhất là 20,8%

Dự thảo Nghị định nêu rõ, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 69/2022/QH15, đối với đối tượng đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng do ngân sách nhà nước bảo đảm được thực hiện điều chỉnh tăng 12,5% và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp.

Ngoài ra, do trong năm 2022 chỉ thực hiện điều chỉnh lương hưu mà không thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, nên những người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định khi nghỉ hưu, hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng từ ngày 1/1/2022 cho đến trước ngày 1/7/2023 sẽ thấp hơn 7,4% so với những người nghỉ hưu trước ngày 1/1/2022 dù có cùng quá trình công tác, cùng hệ số lương.

Tăng thêm 12,5% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6 năm 2023 đối với các đối tượng đã được điều chỉnh theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Nguyên nhân là do trong thời gian này, người lao động không được điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội do mức lương cơ sở chưa được điều chỉnh.

Vì vậy, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ ngày 1/7/2023 như sau:

Tăng thêm 12,5% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6 năm 2023 đối với các đối tượng đã được điều chỉnh theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP.

Tăng thêm 20,8% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6 năm 2023 đối với các đối tượng chưa được điều chỉnh theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP.

Dự thảo cũng đề xuất điều chỉnh đối với người hưởng từ trước năm 1995 có mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng dưới 3 triệu đồng/người/tháng.

Theo đó, ngoài việc thực hiện điều chỉnh theo tỷ lệ chung đối với tất cả đối tượng đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng, bảo đảm nguyên tắc đóng-hưởng theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, việc thực hiện điều chỉnh thêm đối với những người hưởng lương hưu, trợ cấp từ trước ngày 1/1/1995 mà có mức hưởng dưới 3 triệu đồng/tháng được xác định là chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với những người đã có thời gian làm việc, cống hiến trong khu vực Nhà nước giai đoạn trước năm 1995 có mức hưởng thấp hơn so với mặt bằng chung.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất điều chỉnh theo số tiền tuyệt đối.

Dự kiến, có khoảng 230 nghìn người hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ trước ngày 1/1/1995 thuộc đối tượng điều chỉnh do ngân sách nhà nước chi trả. Kinh phí điều chỉnh là khoảng 330 tỷ đồng.

Cụ thể, những người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hằng tháng từ trước ngày 1/1/1995 sau khi điều chỉnh tăng thêm 12,5% theo mức điều chỉnh chung mà có mức hưởng thấp hơn 3 triệu đồng/tháng, thì mức hưởng được điều chỉnh tăng thêm 300 nghìn đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2,7 triệu đồng/tháng trở xuống; và tăng lên bằng 3 triệu đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2,7 triệu đồng/tháng đến dưới 3 triệu đồng/tháng.

Khi thực hiện điều chỉnh này, dự kiến có khoảng 230 nghìn người hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ trước ngày 1/1/1995 thuộc đối tượng điều chỉnh do ngân sách nhà nước chi trả. Kinh phí điều chỉnh là khoảng 330 tỷ đồng.

Về nguồn kinh phí thực hiện, đối với các đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội trước ngày 1/10/1995, hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 4/8/2000, Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 6/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ, người hưởng lương hưu theo Nghị định số 159/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006, Nghị định số 11/2011/NĐ-CP ngày 30/01/2011 của Chính phủ và công nhân cao-su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 206/CP ngày 30/5/1979 của Hội đồng Chính phủ do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Cùng với đó, đối với các đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội từ ngày 1/10/1995 trở đi, kể cả đối tượng đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009, Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019, Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/1/1998 của Chính phủ do Quỹ Bảo hiểm xã hội bảo đảm.

Bên cạnh đó, đối với cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 130/CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng, kinh phí điều chỉnh được tổng hợp từ nguồn kinh phí địa phương.

Đối với quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008, Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 6/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ, quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Dự thảo Nghị định dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2023.

Nghị định số 108/2021/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng hết hiệu lực kể từ ngày văn bản này có hiệu lực thi hành.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện cả nước có gần 3,3 triệu người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Các đối tượng này được chi trả bằng nhiều hình thức, linh hoạt như tiền mặt, qua bưu điện, qua tài khoản cá nhân…