5 bệnh viện hạng đặc biệt được đề xuất sẽ nâng cấp thành bệnh viện hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực và quốc tế gồm: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bên cạnh đó, nâng cấp một số bệnh viện tuyến cuối hạng đặc biệt (đa khoa, chuyên khoa) ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế, để đảm nhận vai trò của bệnh viện hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương có hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt như Singapore, Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản.
Điều này sẽ giúp giảm số người Việt Nam phải ra nước ngoài điều trị, đồng thời thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Việt Nam.
Hiện nay, nhiều kỹ thuật y tế cao, sâu được bác sĩ Việt Nam làm chủ được, như thụ tinh trong ống nghiệm, tim mạch, ghép tạng..., thu hút người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh, giữ chân người Việt ở lại trong nước chữa bệnh.
Quy hoạch đề xuất nâng cấp, đầu tư một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh đảm nhận chức năng vùng gồm 20 bệnh viện đa khoa; bổ sung 7 bệnh viện đa khoa mới ở vùng trung du và miền núi phía bắc (có địa bàn rộng, khó khăn trong tiếp cận bệnh viện tuyến Trung ương) và vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ (có mật độ dân số cao); 20 bệnh viện chuyên khoa.
Dự báo của Bộ Y tế cho thấy, nhu cầu giường bệnh sẽ tiếp tục tăng dần qua các năm. Trong giai đoạn 2021-2030, cả nước cần bổ sung thêm 92.500 giường bệnh, trong đó số giường bệnh của bệnh viện cấp quốc gia cần bổ sung thêm khoảng 8.700 giường bệnh.
Đối với bệnh viện chuyên khoa tuyến Trung ương với hơn 1.000 giường bệnh, suất vốn đầu tư sẽ là hơn 4,42 tỷ đồng cho một giường bệnh; trong đó, chi phí xây dựng là gần 2,2 tỷ đồng, còn chi phí thiết bị là hơn 2 tỷ đồng.