Phát huy hiệu quả đầu tư xây dựng, nâng cấp bệnh viện tuyến huyện

NDO -

Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến quá tải ở các bệnh viện tuyến trên là do chất lượng bệnh viện tuyến dưới (cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ cán bộ) chưa cao.

Một ca mổ ở Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Dũng (Bắc Giang). Ảnh: MAI TRANG
Một ca mổ ở Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Dũng (Bắc Giang). Ảnh: MAI TRANG

Từ năm 2008, bằng nguồn trái phiếu Chính phủ (TPCP), 594 bệnh viện tuyến huyện được đầu tư 12. 548 tỷ đồng để xây mới hoặc nâng cấp, bổ sung trang thiết bị và đào tạo cán bộ. Việc đầu tư đó đã tạo ra bộ mặt mới cho bệnh viện tuyến huyện và tạo được lòng tin của người dân địa phương.

Với mục tiêu: Xây dựng, cải tạo, nâng cấp về cơ sở hạ tầng; mua sắm trang thiết bị và đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho các bệnh viện, nhằm đưa các dịch vụ kỹ thuật y tế về gần dân; tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, người dân vùng núi, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn, đồng thời góp phần giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, ngày 2-4-2008, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 47/2008/QÐ-TTg đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các bệnh viện tuyến huyện (Quyết định 47). Sau đó có bổ sung thêm một số bệnh viện theo Quyết định 1782 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, có 645 bệnh viện đa khoa huyện, đa khoa liên huyện và một số phòng khám đa khoa khu vực được đầu tư theo Quyết định 47. Ðến nay, có 594 bệnh viện, trung tâm y tế huyện và một số phòng khám đa khoa khu vực được đầu tư, trong đó có một số ít được xây dựng mới, còn phần lớn là cải tạo, mở rộng, nâng cấp, mua sắm bổ sung trang thiết bị. 51 bệnh viện  chưa được đầu tư là do vốn được cấp chưa đáp ứng nhu cầu nên phải xem xét, ưu tiên đầu tư tập trung cho các bệnh viện đang trong quá trình hoàn chỉnh. Ðến nay đã hoàn thành đầu tư và đưa vào sử dụng 460 bệnh viện huyện và 70 phòng khám đa khoa khu vực.

Việc đưa vào sử dụng các bệnh viện tuyến huyện giúp người bệnh được thụ hưởng, sử dụng các phòng khám, buồng bệnh mới, khang trang hơn trước. Các bệnh viện được cải tạo, nâng cấp đã giảm tải cho các khu cũ, cho nên cũng góp phần cải thiện điều kiện phục vụ người bệnh chung cho cả bệnh viện. Các bệnh viện được trang bị các thiết bị cần thiết cho chuyên môn, như máy siêu âm, X-quang, máy thở, bàn mổ, các bộ dụng cụ mổ, máy nội soi các loại, máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học, giường, tủ, bàn, ghế... là điều kiện cần thiết để cán bộ y tế triển khai các kỹ thuật, nâng cao tay nghề, bước đầu đã khuyến khích bác sĩ về công tác.

Cùng với tập trung đào tạo, tập huấn chuyên môn, việc chuyển giao kỹ thuật đã góp phần phát triển kỹ thuật ở bệnh viện tuyến huyện. Chất lượng chẩn đoán, điều trị tăng lên, nhiều bệnh viện đã thực hiện được hơn 80% số kỹ thuật phân tuyến cho huyện, quản lý các bệnh mãn tính tại địa bàn. Công suất sử dụng giường bệnh của hầu hết các bệnh viện đều tăng khoảng 30% so với trước đây, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân ngay trên địa bàn cư trú. Thống kê cho thấy, năm 2012, các cơ sở y tế khám, chữa bệnh cho 132 triệu lượt người thì các bệnh viện tuyến huyện thực hiện khám cho 60 triệu lượt người; 65% số lượt người điều trị ở tuyến huyện là người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế.

Ðáng chú ý, hầu hết các địa phương đều đánh giá việc Nhà nước cho phép đầu tư cho các bệnh viện từ TPCP là một chủ trương hết sức đúng đắn. Ngành y tế chưa bao giờ được quan tâm đầu tư với quy mô lớn như lần này, sự đầu tư này có sức lan tỏa lớn; ngoài vốn TPCP, các tỉnh, thành phố cũng quan tâm, bố trí ngân sách địa phương đầu tư cho y tế cơ sở, góp phần thực hiện Chỉ thị 06/CT- TW của Ban Bí thư về củng cố hệ thống y tế cơ sở.

Chúng tôi có dịp về một số bệnh viện tuyến huyện được đầu tư từ nguồn vốn TPCP. Nơi nào cũng thấy rõ hiệu quả của việc đầu tư đó. Ba năm sau ngày khánh thành, đưa vào sử dụng, chúng tôi trở lại Bệnh viện đa khoa khu vực Lục Ngạn (Bắc Giang), bệnh viện tuyến huyện đầu tiên được đưa vào sử dụng từ nguồn đầu tư TPCP. BS Trần Văn Lâm, Giám đốc Bệnh viện bộc bạch: Nếu không có nguồn TPCP, không biết đến bao giờ Lục Ngạn mới có cơ ngơi như thế này. Bệnh viện được đầu tư hơn 50 tỷ đồng xây mới và cải tạo khu khám bệnh, khu điều trị và khối cận lâm sàng, hệ thống xử lý chất thải bệnh viện... và hàng loạt các trang thiết bị cần thiết như: Hệ thống xét nghiệm sinh hóa, huyết học, các thiết bị chẩn đoán hình ảnh, gây mê, máy thở không xâm nhập... Cùng với đó, bệnh viện ưu tiên việc đào tạo, nâng cao trình đội cho đội ngũ y, bác sĩ, đến nay tất cả các chuyên khoa sâu tại bệnh viện đều có bác sĩ có trình độ sau đại học đảm nhận. Có trang thiết bị, có cán bộ trình độ cao, hàng trăm kỹ thuật mới được triển khai, trong đó có nhiều kỹ thuật cao trong nội soi can thiệp, chăm sóc trẻ sơ sinh nhẹ cân (1,2 kg), hạn chế tai biến sản khoa. Từ khi cơ sở mới đi vào hoạt động, công suất sử dụng giường bệnh luôn ở mức 120 đến 130%; số giường bệnh kế hoạch là 230 nhưng thực kê luôn là hơn 300 giường.

Không còn sự bỡ ngỡ, e ngại như lúc đầu mới gặp mặt, chị Phạm Thị Kim Cốc (nhà ở xã Phú Diên) tỏ rõ sự vui mừng khi cậu con trai được các bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) thực hiện thành công ca mổ cho cháu trước đó hai ngày. Chị cho biết, hai vợ chồng dự định đưa cháu lên bệnh viện trên thành phố, nhưng được cán bộ ở trạm y tế xã tư vấn, giới thiệu và khẳng định bệnh viện huyện hoàn toàn đủ khả năng xử lý được cho cháu. Khi đưa cháu đến đây, được các bác sĩ tận tình giúp đỡ, nhìn thấy bệnh viện khang trang, sạch đẹp, sự lo lắng ban đầu không còn nữa. Chị nhẩm tính, do không phải lên bệnh viện trên thành phố gia đình tiết kiệm được vài triệu đồng.

Ðưa chúng tôi đi thăm các khoa, phòng của bệnh viện, bác sĩ chuyên khoa II Trương Như Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Vang, cho biết: Bệnh viện đa khoa Phú Vang được đầu tư 31 tỷ đồng từ nguồn TPCP, tập trung vào hai lĩnh vực chính là xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ mua sắm các thiết bị. Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, nhiều năm qua, bệnh viện luôn chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho các y, bác sĩ. Hiện nay, gần 90% số bác sĩ của bệnh viện có trình độ chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ; 35% số đội ngũ điều dưỡng viên có trình độ cử nhân, cũng như đào tạo về quản lý bệnh viện... Có cơ sở mới, cán bộ được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, bệnh viện đã đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh cho hơn 180 nghìn người dân trên địa bàn huyện, nhất là các xã ven biển, trong hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Ðến nay, Bệnh viện đa khoa Phú Vang có khả năng giải quyết được 98% phân tuyến kỹ thuật tuyến huyện; 12% phân tuyến của bệnh viện tuyến tỉnh (được Sở Y tế phê duyệt), với nhiều kỹ thuật cao. Mỗi ngày bệnh viện thực hiện khám và điều trị cho từ 400 đến 600 lượt người bệnh, trong đó điều trị nội trú cho khoảng 160 người bệnh. Ðây là một trong những bệnh viện tuyến huyện có lượng người bệnh đến khám, điều trị cao nhất của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Thực tế cho thấy, việc đầu tư cho bệnh viện, nhất là tuyến huyện là chủ trương hoàn toàn đúng đắn để người dân được sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại tuyến dưới, đồng thời giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Do vậy, cần tiếp tục duy trì việc đầu tư tại một số huyện mới được chia tách trong thời gian vừa qua, nhất là các huyện miền núi, vùng khó khăn nhưng chưa có bệnh viện. Bên cạnh đó, các bệnh viện cần có sự kết hợp tốt giữa đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và kế hoạch đào tạo nhân lực y tế để phát huy hiệu quả các kết quả của quá trình đầu tư.

TRUNG HIẾU và TRUNG TUYẾN