Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 21/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đường bộ.
Đề xuất luật hóa việc thu phí ô-tô vào nội đô và cho phép trông giữ xe dưới gầm cầu
Trình bày ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn TP Hà Nội) đề nghị cân nhắc việc bổ sung thu phí vào nội đô áp dụng với ô-tô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị, trong những khung thời gian nhất định.
Theo đại biểu, việc thu phí giao thông nội đô với ô-tô cá nhân sẽ làm hạn chế sự phát triển quá mức của xe cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị. Mặt khác, biện pháp này cũng bổ sung nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước để tăng cường hỗ trợ phát triển kết cấu, hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống giao thông công cộng trong các đô thị.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho rằng cần xem xét việc thu phí vào nội đô đối với ô-tô cá nhân. (Ảnh: THỦY NGUYÊN). |
Nữ đại biểu cho rằng, hiện tại cả 5 thành phố trực thuộc Trung ương đều đã được phép quy định các loại phí chưa được quy định trong luật. Đặc biệt, một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành xây dựng các đề án về phí nội đô hay phí kẹt xe. Tuy nhiên, do cơ sở pháp lý chưa rõ ràng, ổn định nên việc triển khai áp dụng còn khá dè dặt.
Vì thế, nếu Luật Đường bộ và Luật Phí, lệ phí có quy định chính thức loại phí này, đồng thời, giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định về phạm vi, địa bàn, đối tượng, mức áp dụng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho việc triển khai tại các địa phương, góp phần giải quyết những bức xúc về giao thông hiện nay tại các đô thị lớn.
Cũng liên quan đến vấn đề giao thông đô thị, đại biểu Hà Phước Thắng (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho hay theo quy định hiện nay, không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác. Tuy nhiên, thực tế, nhu cầu đỗ xe ở Thành phố Hồ Chí Minh là rất lớn, việc thực hiện quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh còn khó khăn, kho chứa vật tư phục vụ bảo đảm công trình đường bộ của thành phố còn thiếu nhiều so với nhu cầu đáp ứng kịp thời để sửa chữa, thay thế, khắc phục sự cố hư hỏng, bảo đảm an toàn giao thông. Bên cạnh đó, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh còn rất nhiều diện tích dưới mặt bằng các cầu đường bộ, cầu cảng các tuyến đường cao tốc.
Đại biểu Hà Phước Thắng nêu quan điểm về sự cần thiết phải bổ sung cho phép khai thác, sử dụng gầm cầu làm bãi đỗ xe. (Ảnh: THỦY NGUYÊN). |
Ngoài ra, người dân thành phố cần có thêm nhiều khu thể dục thể thao, phục vụ hoạt động thể dục thể thao, đặc biệt là cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Việc tận dụng các diện tích dạ cầu sẽ góp phần giải quyết nhu cầu thiết yếu của người dân thành phố, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị…
Từ những thực tế trên, đại biểu Hà Phước Thắng đề xuất bổ sung vào dự thảo luật: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc khai thác, sử dụng gầm cầu đường bộ, phần không gian dưới dạ cầu, cảng đối với các hệ thống đường bộ do địa phương chịu trách nhiệm quản lý, khai thác và bảo trì để làm bãi đỗ xe, đường giao thông, kho chứa vật tư phục vụ bảo trì đường bộ và các hoạt động khác phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương; không được làm ảnh hưởng đến an toàn, kết cấu của công trình đường, đường bộ, cầu, bảo đảm về ở phòng chống cháy nổ và không gây mất trật tự an toàn giao thông.
Cần khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông
Đóng góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn tỉnh Bắc Giang) nhất trí với các nội dung dự thảo Luật đã được chỉnh sửa, tiếp thu, trình tại kỳ họp lần này.
Tuy nhiên, ông Thịnh cũng đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung 1 điều quy định mang tính nguyên tắc: Nhà nước có trách nhiệm khuyến khích, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân tự nguyện bỏ vốn toàn bộ hoặc một phần để đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, bảo trì hạ tầng giao thông đường bộ. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thực hiện để bảo đảm tinh thần khuyến khích, tính chủ động, trách nhiệm phục vụ, hỗ trợ và giải trình của Nhà nước khi tiếp nhận các đề xuất của các tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn để đầu tư...
Đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị cần khuyến khích, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân tự nguyện bỏ vốn toàn bộ hoặc một phần để đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, bảo trì hạ tầng giao thông đường bộ. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Lý giải về đề nghị này, ông Thịnh cho biết, hiện nay, nhu cầu các tổ chức, cá nhân tự nguyện bỏ vốn để đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, bảo trì hạ tầng giao thông để phục vụ lợi ích của mình và đem lại lợi ích chung cho cộng đồng là có thực và tiềm năng rất lớn.
Đại biểu dẫn chứng: Chủ đầu tư một khu công nghiệp có quy mô từ 200-300ha gần đường cao tốc nhưng chưa có đường đấu nối vào nút giao sẵn sàng bỏ vốn ra để làm các nút giao và đường đấu nối.
“Khi đó, chi phí tăng thêm bình quân 1ha đất công nghiệp chưa đến 1 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với lợi ích tăng giá đất công nghiệp nếu có đường đấu nối và nút giao vào cao tốc. Điều này mang lại lợi ích cho chủ đầu tư khu công nghiệp, chủ đầu tư đường cao tốc, cho cả nhân dân địa phương ở khu vực đó”, đại biểu Phạm Văn Thịnh nhấn mạnh.
Tương tự, nhóm các nhà đầu tư khu công nghiệp, khu đô thị lớn sẽ sẵn sàng bỏ tiền đầu tư, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa hạ tầng giao thông kết nối đến khu công nghiệp, khu đô thị để nâng cao giá trị sản phẩm của mình.
Quang cảnh phiên họp sáng 21/5. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
“Thực tế tại tỉnh Bắc Giang đã có nhóm các chủ bến bãi cát sỏi ven sông xin được đầu tư nâng cấp mặt đê với tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn cứng hóa mặt đê cấp 1 của cơ quan Nhà nước để vừa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, vừa phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua 10 năm kiểm chứng, chất lượng công trình rất tốt”, đại biểu thông tin thêm.
Bên cạnh đó, nếu khuyến khích được các chủ thể tham gia vào quá trình xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông sẽ mở đường khai thác triệt để hình thức hợp tác công tư. Hợp tác công-tư trong trường hợp này không trùng hợp với các dự án được quy định tại Luật đầu tư theo phương thức công-tư năm 2020. Dạng hợp tác công-tư ở đây vừa mang lại lợi ích cho đơn vị bỏ tiền cũng như lợi ích chung của cộng đồng, trong khi xã hội tiết kiệm được chi phí đầu tư; nguồn vốn xã hội được phát huy hiệu quả, dễ dàng triển khai được ngay khi không phải đánh giá hiệu quả đầu tư…
“Hợp tác dạng này cũng sẽ mở đường cho những cách làm mới trong bảo trì kết cấu đường bộ khi huy động được cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có lợi ích trực tiếp”, ông Thịnh nói.
Cách làm này cũng sẽ giúp phân chia trách nhiệm trong quản lý hạ tầng cho tổ chức, cá nhân được hưởng lợi trực tiếp; dành nguồn lực của Nhà nước cho cộng đồng và những khu vực khó khăn hơn.
Thu hút vốn đầu tư qua hình thức hợp đồng đối tác công-tư
Ngoài ra, đại biểu Phạm Văn Thịnh cũng đề nghị bổ sung 1 điểm tại khoản 2, Điều 28 dự thảo Luật là Khuyến khích việc lập dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông gắn với việc thực hiện các dự án tạo quỹ đất sạch 2 bên đường để đấu giá, cân đối nguồn vốn trong cùng 1 dự án.
Thí dụ, một tuyến đường cần đầu tư mà quy hoạch 2 bên đường hiện có quy hoạch các khu đô thị, khu, cụm công nghiệp (thuộc diện trường hợp Nhà nước thu hồi đất) thì khuyến khích việc lập dự án tổng thể đầu tư xây dựng tuyến đường gắn với dự án tạo quỹ đất sạch để đấu giá, bảo đảm cân đối được nguồn vốn trong cùng dự án.
“Với cách làm trên, chúng ta sẽ không thiếu nguồn lực để làm giao thông, phát huy được hình thức đấu giá đất sạch, tăng công khai, minh bạch, phòng ngừa rủi ro tiêu cực”, đại biểu nêu quan điểm.
Đề xuất bổ sung khái niệm “đường tốc độ cao”
Góp ý vào dự án Luật Đường bộ, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn tỉnh Bình Định) quan tâm đến Điều 10 quy định cấp kỹ thuật của đường bộ. Theo đó, tại khoản 2 Điều 10, đại biểu cho rằng, đường tốc độ cao khác với đường cao tốc vì có thể không có dải phân cách, không có đường lánh nạn, tổ chức giao thông giống như đường quốc lộ. Đường tốc độ cao cũng khác với đường quốc lộ là không có dân cư hai bên.
Ông Cảnh đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung thêm “đường tốc độ cao” để bao quát hết các loại đường và tổ chức giao thông cho phù hợp đối với đường cao tốc, đường tốc độ cao và đường quốc lộ.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề xuất bổ sung khái niệm đường tốc độ cao vào Luật Đường bộ. |
Về Điều 11, đại biểu bày tỏ thống nhất với việc đặt tên, đổi tên và số hiệu đường bộ với các quy định trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, đối với đường cao tốc sử dụng nhiều, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị cần quy định cách đặt tên đường cao tốc sao cho khoa học để người tham gia giao thông thuận tiện cho việc đi lại. Bên cạnh đó, đường cao tốc ở địa phương nối vào đường cao tốc chính thì cần thêm các ký tự “a, b, c, d…,” và biển chỉ dẫn trên các tuyến đường cao tốc cũng cần được quy định rõ ràng.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (Đoàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết thực tế ở khu vực có trạm thu phí đã dừng hoạt động gây bất tiện trong lưu thông, làm cản trở giao thông cho người qua lại.
Đại biểu Phúc cho biết mặc dù cử tri đã kiến nghị, phản ánh rất nhiều lần nhưng thực trạng vẫn vậy. Đáng chú ý, đã có những vụ tai nạn giao thông xảy ra ở những khu vực này do chưa có quy định chế tài về trách nhiệm. Mọi thiệt hại nếu xảy ra đều thuộc về người dân và người tham gia giao thông.
Vì vậy, đại biểu Phúc đề nghị trong dự thảo Luật Đường bộ lần này, cần bổ sung quy định về trách nhiệm tháo dỡ, trả lại mặt bằng đối với các trạm thu phí đã dừng hoạt động, góp phần bảo đảm an toàn giao thông trong thời gian tới.