Đề xuất chi hơn 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động

NDO -

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), để phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, một trong những vấn đề quan trọng nhất là vấn đề lao động, do đó cần tăng gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động và mở rộng đối tượng. Hiện Chính phủ đang trình gói kinh phí khoảng 6.600 tỷ đồng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn). (Ảnh: Linh Khoa)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn). (Ảnh: Linh Khoa)

Sáng 7/1, tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Tăng kinh phí gói hỗ trợ để giải quyết 5 vấn đề về lao động

Phát biểu ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị quyết, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, cuộc suy thoái kinh tế lần này do dịch bệnh gây ra và để lại những hậu quả rất nặng nề, trong đó vấn đề lao động, việc làm chịu tác động rất lớn, đặt ra 5 vấn đề cụ thể.

Thứ nhất, qua 4 đợt dịch đã gây ảnh hưởng rất lớn đến người lao động, như tình trạng mất việc, giảm, giãn việc làm. Chỉ tính riêng quý III/2021, cả nước có hơn 28 triệu người lao động phải hứng chịu tác động tiêu cực của đại dịch (hơn 4,7 triệu người bị mất việc làm; hơn 14 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất kinh doanh; hơn 10 triệu người phải giảm, giãn giờ làm việc).

Thứ hai, thị trường lao động bị đẩy vào trạng thái cả cung và cầu lao động bị thu hẹp. Đặc biệt, đợt bùng phát dịch lần thứ tư đã khiến cho 1,3 triệu lao động phải dịch chuyển về quê dẫn tới đứt gãy thị trường lao động, thiết hụt lao động tại các tỉnh phía nam, nhất là những nơi tập trung đông khu công nghiệp, khu chế xuất.

“Cho tới nay, một lượng lớn lao động đã về quê nhưng chưa có nhu cầu quay trở lại vì còn e dè với dịch bệnh. Nhiều người chọn phương án lập nghiệp tại quê nhà, nhiều người chọn phương án chờ qua Tết mới đi làm. Trong khi đó nhiều tỉnh có lao động trở về đang phải chịu áp lực rất lớn về giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội”, bà Thủy cho biết.

Thứ ba, trong điều kiện dịch bệnh đã xuất hiện những nhóm lao động bị tổn thương. Với sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, sự hạn chế đi lại và khả năng làm việc từ xa đã dẫn tới tình trạng cắt giảm một lượng lớn việc làm. Lao động làm công việc giản đơn trở nên yếu thế trong đại dịch, tỷ lệ mất việc của nhóm này cao gần gấp đôi so với các nhóm khác.

Thứ tư, tính bền vững của quan hệ lao động đang có nguy cơ bị xâm phạm. Do mất việc, nhiều lao động ở khu vực chính thức có xu hướng tìm việc ở khu vực phi chính thức dẫn tới lao động tự do tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Điều này dẫn tới một lượng lớn lao động đang có việc làm nhưng không ổn định, thiếu tính bền vững. Trong đó những chính sách an sinh, bảo hiểm, chế độ ốm đau, thai sản ở khu vực này rất hạn chế. Nhiều quan hệ lao động đã được xây dựng ổn định qua các năm có nguy cơ bị phá vỡ.

Thứ năm, qua đại dịch đã bộc lộ những hạn chế trong quản lý thị trường lao động thời công nghệ. Nhiều người lao động và người sử dụng lao động thật sự có nhu cầu về cung-cầu lao động nhưng chưa tìm được nhau.

Từ những vấn đề trên, bà Thủy gửi đến Quốc hội 3 kiến nghị: Tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ và đề nghị áp dụng với cả lao động chính thức và phi chính thức; Dành khoản kinh phí thỏa đáng để xây dựng nhà ở cho công nhân; Dành khoản kinh phí phù hợp để hỗ trợ tiền xét nghiệm, đi lại, hỗ trợ tư vấn việc làm khi người lao động quay trở lại làm việc.

Đề xuất chi hơn 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động -0
Quang cảnh phiên thảo luận sáng 7/1 của Quốc hội. 

Gói hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động cần bảo đảm hiệu quả, khả thi

Một trong những mục tiêu dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đề ra là nhằm bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Để thực hiện mục tiêu trên, Chính phủ trình Quốc hội gói kinh phí bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm khoảng 53.150 tỷ đồng (dự kiến thực hiện trong 2 năm 2022-2023). Trong đó, về giải pháp tài khóa, Chính phủ trình phương án bố trí khoảng 6.600 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Về giải pháp tiền tệ, sẽ tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc cho người lao động.

Đối với gói kinh phí nêu trên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí việc sử dụng 6.600 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần có giải pháp phù hợp, hiệu quả, tránh trục lợi.

Đối với đề xuất tiếp tục tái cấp vốn và gia hạn vay tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương cho người lao động, Ủy ban Kinh tế cho rằng Chính phủ cần có giải pháp mang tính khả thi, tổ chức triển khai nhanh trong thực tế.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị bổ sung, làm rõ các nguyên tắc khi triển khai và cơ chế báo cáo, giám sát, đánh giá, bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc, đúng thẩm quyền và đạt được các mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cam kết, làm rõ trách nhiệm chính trị, trách nhiệm giải trình, cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và giám sát quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, bảo đảm đúng mục tiêu, tránh lạm dụng chính sách, bảo đảm tính hiệu quả và khả thi.

Trước đó, tại phiên thảo luận ở tổ ngày 4/1, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) bày tỏ nhất trí với đề xuất hỗ trợ tiền thuê nhà cho người người lao động, cho rằng đây là một trong những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân để tháo gỡ những khó khăn trước mắt và cũng góp phần kích cầu, khuyến khích cho sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, bà Thoa cũng cho rằng cần cân nhắc về tính hiệu quả, bởi khoản kinh phí hỗ trợ tuy lớn nhưng khi phân chia cho người dân thì mỗi người cũng chỉ được hưởng một khoản không nhiều. Do đó, bà Thoa cũng cho rằng nên dành một khoản xứng đáng đầu tư để giải quyết việc làm cho người lao động thì sẽ có tác động lâu dài hơn và có hiệu quả lớn hơn.

Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV