Đề thi Toán lớp 10 của Hà Nội giảm độ khó

NDO - Đề thi môn Toán kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 của Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội giữ ổn định về cấu trúc đề thi các năm gần đây, bám sát cấu trúc định dạng và đề minh họa nhưng có sự giảm nhẹ về độ khó.
0:00 / 0:00
0:00
Niềm vui của thí sinh khi hoàn thành bài thi môn Toán, tại điểm thi Trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm, Hà Nội (Ảnh: THANH TÙNG/TTXVN)
Niềm vui của thí sinh khi hoàn thành bài thi môn Toán, tại điểm thi Trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm, Hà Nội (Ảnh: THANH TÙNG/TTXVN)

Giảm độ khó so với đề minh họa

Sáng 9/6, các thí sinh của Thủ đô đã hoàn thành bài thi môn Toán, cũng là môn cuối trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập của thành phố. Đề thi môn Toán năm nay vẫn giữ tính ổn định về cấu trúc so với các năm gần đây đồng thời bám sát cấu trúc định dạng và đề minh họa do Sở Giáo dục và đào tạo đã công bố trước đó.

Theo nhận xét của giáo viên, đề thi giảm độ khó so với đề minh họa, tuy nhiên vẫn có sự phân hóa để bảo đảm yêu cầu, tính chất của một đề thi tuyển sinh vào lớp 10.

Cấu trúc đề thi vẫn bao gồm 5 bài toán lớn, mỗi bài gồm nhiều ý nhỏ được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó với các dạng bài đã quen thuộc. Theo thầy Nguyễn Mạnh Cường, giáo viên Toán, Hệ thống giáo dục HOCMAI, bài 1 là dạng quen thuộc và không gây khó khăn cho các bạn thí sinh khi làm bài. Ý 3 có thể mất điểm nếu thí sinh thiếu điều kiện x # 1.

Bài 2 giữ nguyên tính ổn định về cấu trúc và dạng bài. Ý đầu là bài toán giải bài toán bằng cách lập phương trình – hệ phương trình có yếu tố thực tế. Thí sinh cần có khả năng phân tích đề, chọn từ khóa và dữ kiện mấu chốt để giải quyết bài toán. Ý thứ 2 là câu hỏi liên quan đến hình học không gian, thí sinh chỉ cần vận dụng đúng công thức là tìm ra đáp án.

Bài 3 là các dạng bài quen thuộc và có giảm nhẹ về độ khó (ý 2b). Cấu trúc bài toán tương tự như các năm gần đây, gồm câu hỏi giải hệ phương trình đưa về bậc nhất và câu hỏi về sự tương giao giữa đồ thị hai hàm số. Trong đó, ý 2b thí sinh cần vận dụng định lý Vi-et để xử lý (biểu thức đề bài cho đã giảm bớt các bước biến đổi để vận dụng định lý).

Bài 4 là một bài toán về hình học và các dạng bài xuất hiện trong các câu hỏi đều là dạng bài quen thuộc như: chứng minh tứ giác nội tiếp, chứng minh góc bằng nhau, chứng minh đẳng thức và chứng minh đường thẳng đi qua điểm. Và ý c của bài toán vẫn luôn là câu hỏi khó, dành để phân loại thí sinh.

“Tuy nhiên, các yêu cầu về mặt kiến thức và kỹ năng đều có sự giảm nhẹ so với đề thi năm 2023-2024 và so với đề minh họa” – thầy Nguyễn Mạnh Cường cho biết.

Bài 5 là bài toán về bất đẳng thức và là câu hỏi có tính phân loại của đề. Bài toán giảm về độ khó và để giải quyết bài toán, thí sinh cần vận dụng linh hoạt các kỹ năng biến đổi biểu thức và áp dụng bất đẳng thức hợp lý, đúng thời điểm với các dữ kiện đề bài đã cho.

Ths Trịnh Thu Vân, Tổ trưởng tổ Toán, Trường THPT Hòa Bình-La Trobe-Hà Nội nhận xét mức độ các câu hỏi trong đề thi hợp lý. Mức độ phân loại thể hiện trong ý 3 bài hình học và bài số 5.

Theo giáo viên, mức điểm trung bình của thí sinh có thể rơi vào khoảng 7 điểm, học sinh học lực khá có thể đạt 7 đến 8,5 điểm.