Đề thi Kỹ năng nghề quốc gia phải có tính đón đầu xu hướng

NDO -

Năm 2021, đối tượng tham gia dự thi được mở rộng độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi (tùy theo tính chất nghề nghiệp) là người lao động, người học đang học tập và làm việc tại các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, tập đoàn, doanh nghiệp được các bộ, ngành, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tập đoàn, doanh nghiệp, hiệp hội cử đi...

Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Thị Việt Hương chia sẻ thông tin Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia tại hội nghị.
Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Thị Việt Hương chia sẻ thông tin Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia tại hội nghị.

Để triển khai công tác tổ chức Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2021, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tổ chức trực tuyến Tập huấn chuyên gia biên soạn đề thi và hội nghị Kỹ thuật lần thứ nhất Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 từ ngày 28/6 đến ngày 1/7/2021.

Hội nghị nhằm thảo luận và đưa ra phương án tổ chức thi trong tình hình dịch bệnh kéo dài: phương án tổ chức thi trực tiếp, tiêm vaccine các đối tượng tham gia kỳ thi để thi trực tiếp hoặc thi trực tuyến (online)..; chia sẻ kinh nghiệm tổ chức thi trực tuyến.

Các chuyên gia kỹ thuật tham gia biên soạn bộ đề thi sẽ chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn và thảo luận về cách thức biên soạn bộ đề thi theo hình thức trực tiếp và trực tuyến (online); đồng thời tổ chức biên soạn bộ đề thi cho Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 theo hai hình thức trực tuyến và trực tiếp...

PGS, TS Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng Cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia phải tiếp cận được trình độ kỹ thuật hiện đại của thế giới, trước những thách thức đặt ra hiện nay. “Đề thi của Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia không chỉ có tính phân loại cao, không chỉ đáp ứng những yêu cầu cơ bản của cuộc thi mà phải đón đầu được xu hướng trình độ kỹ thuật, tay nghề của quốc tế. Nhiệm vụ này đặt lên vai những chuyên gia thiết kế đề thi”, PGS, TS Nguyễn Thị Việt Hương nhấn mạnh.

Theo đó, Bộ đề thi Kỹ năng nghề quốc gia của 35 nghề dự kiến tổ chức thi sẽ được công bố vào ngày 5/7/2021 để các Đoàn đăng ký dự thi làm căn cứ huấn luyện cho các thí sinh dự kiến tham gia Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2021.

Các chuyên gia trong lĩnh vực ngành nghề, các doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các đoàn dự thi, các thí sinh tiếp tục góp ý, hoàn thiện bộ đề thi và làm cơ sở tham khảo, xây dựng chương trình đào tạo, đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng cập nhật nhất của khoa học công nghệ, phương pháp đánh giá và ứng phó với sự bất ngờ, bất định của dịch bệnh gây ra. Bộ đề thi công bố tại Hội nghị này sẽ được điều chỉnh tối thiểu 30% trước khi tổ chức thi hai ngày.

Ngoài ra, Vụ trưởng Kỹ năng nghề Nguyễn Chí Trường cũng chia sẻ thêm, trong số 35 nghề thì có đến 11 nghề lần đầu tiên được tổ chức tầm quốc gia. 11 nghề này cũng chưa xuất hiện tại Kỳ thi tay nghề ASEAN và thế giới. Thậm chí, có nghề còn chưa được tổ chức đào tạo, giảng dạy chính thức tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Điều này cho thấy sự đón đầu xu hướng trình độ tay nghề, kỹ thuật thế giới.

Đặc biệt, trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban tổ chức Kỳ thi cũng chuẩn bị những kịch bản khác nhau, trong đó có cả phương án thi trực tuyến và hiện nay đã có 15 nghề có đủ điều kiện tổ chức thi trực tuyến. “Các chuyên gia khi thiết kế đề thi phải tính hết được các phương án, kịch bản của kỳ thi. Đặc biệt, nội dung đề thi không chỉ tiệm cận với trình độ kỹ năng nghề thế giới, tiệm cận trình độ Kỳ thi tay nghề ASEAN, thế giới mà còn phải thể hiện rõ vai trò dẫn dắt của Kỳ thi trong giáo dục nghề nghiệp”.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, tính đến thời điểm hiện nay đã có 48 đoàn với 619 thí sinh đăng ký dự thi tranh tài 35 nghề (29 nghề chính thức, sáu nghề trình diễn).

Đặc biệt, Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm nay có nhiều điểm mới, khi đối tượng tham dự kỳ thi được mở rộng độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi (tùy theo tính chất của từng nghề) đang học tập và làm việc tại các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, tập đoàn, doanh nghiệp...

Đây cũng là kỳ thi có nhiều nghề mới lần đầu tiên tổ chức Việt Nam, dự kiến như: Khuôn mẫu, Công nghiệp 4.0, Sản xuất bồi đắp; có nghề chưa từng tổ chức thi tại ASEAN và thế giới mà xuất phát từ nhu cầu lao động lớn trong nước như: Lắp đặt thang máy, Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò; Kỹ thuật xây dựng mỏ hầm lò và Kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò. Đồng thời, công tác xã hội hóa được các tập đoàn, doanh nghiệp, hiệp hội hưởng ứng mạnh mẽ. Lần đầu tiên, danh sách các nghề dự kiến tổ chức thi do xã hội hóa hưởng ứng ngày Kỹ năng lao động Việt Nam (ngày 4/10) tăng lên vượt số nghề do ngân sách nhà nước chi (đến nay là hơn 25 nghề so với 10 nghề ngân sách nhà nước)...

Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2021 nhằm tôn vinh lực lượng lao động trẻ có Kỹ năng nghề cao theo khung trình độ Kỹ năng nghề quốc gia và tiệm cận được với chuẩn Kỹ năng nghề ASEAN và thế giới; theo kịp được với xu thế phát triển của hoạt động sản xuất, kinh doanh và khoa học công nghệ tiên tiến ở thời kỳ mới; tạo phong trào thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng tại các doanh nghiệp và góp phần thực hiện việc liên tục cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, từ đó có thể nâng tầm kỹ năng lao động trẻ Việt Nam trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, dịch vụ góp phần tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.