Tiếp tục huy động nguồn lực khắc phục hậu quả bão số 9

Ðề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt ở vùng trũng ven sông các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh

Dự báo, hôm nay (3-10), lũ trên phần lớn các sông từ Quảng Bình đến Phú Yên, Gia Lai và Kon Tum xuống dưới mức BÐ1; riêng các sông ở Thừa Thiên - Huế, sông Trà Khúc và hạ lưu sông Ba còn ở mức BÐ1-BÐ2. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt ở vùng trũng ven sông các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.

Ủy ban Quốc gia TKCN và Bộ Quốc phòng đã sử dụng bốn máy bay trực thăng chuyên chở 10,3 tấn hàng hóa đến các khu vực bị cô lập tại Tam Kỳ, Ðại Lộc (Quảng Nam) và làng Phí, xã Xê Xan, huyện Gia Ðao, tỉnh Ratanakiri (Cam-pu-chia); điều trang thiết bị và cán bộ, chiến sĩ để khắc phục sự cố cầu đường bộ tại Km24, quốc lộ 24 (Kon Tum), đến nay đã thông cầu.

Theo Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN), các đơn vị của EVN đã khẩn trương khôi phục cấp điện lại được cho 86% phụ tải trên địa bàn các tỉnh miền trung và Tây Nguyên. Riêng hai tỉnh Phú Yên và Ðác Lắc phụ tải đã được khôi phục hoàn toàn. Hiện các tỉnh, thành phố như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Ðà Nẵng, Bình Ðịnh đã cấp điện trở lại cho hơn 80% phụ tải. Tại tỉnh Quảng Nam đã cấp điện lại được cho 47,8% phụ tải, tỉnh Quảng Ngãi cấp điện được 51,1% phụ tải, tỉnh Kon Tum đã cấp điện được cho 74,1% phụ tải. Thực hiện phương châm nước rút đến đâu, khẩn trương kiểm tra, khôi phục cấp điện an toàn đến đó, các đơn vị đang tích cực phối hợp với các địa phương khu vực còn bị úng, ngập để phấn đấu cấp điện lại trong thời gian sớm nhất.

Cán bộ, công nhân viên các cơ quan ban, ngành tỉnh Sơn La tham gia ủng hộ Ðồng bào vùng bị lũ, lụt.Ảnh: Ðiêu Chính Tới (TTXVN)

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xuất 90 tấn mì tôm dự  trữ hỗ trợ tám huyện và TP Huế, mỗi đơn vị 10 tấn. Các huyện, thành phố phát động toàn dân tổng vệ sinh môi trường theo phương châm "nước xuống đến đâu, làm vệ sinh đến đó". Ðiện lực tỉnh đã khắc phục sự cố, ưu tiên cấp điện cho Nhà máy nước Dã Viên, để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân.

Ngày 2-10, học sinh một số trường học trên địa bàn TP Ðà Nẵng đã trở lại trường học tập sau bão số 9. Theo Sở Giáo dục - Ðào tạo TP Ðà Nẵng, học sinh vùng bị ngập lụt bắt đầu đi học lại từ ngày 5-10. Riêng tại huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ có hơn 10 trường học còn ngập trong nước lũ, học sinh tiếp tục nghỉ học đến khi nước rút hoàn toàn. Sở chỉ đạo các trường học nhanh chóng bắt tay vào khắc phục hậu quả để học sinh có thể trở lại học tập trong thời gian sớm nhất.

Mấy ngày qua, các đơn vị bộ đội công binh của quân Ðoàn 3 và công ty cp xây dựng và quản lý công trình giao thông tỉnh Kon Tum Ðã huy động người và các phương tiện san lấp hàng chục nghìn m3 đất đá bị sạt lở trên tuyến quốc lộ 24 và đường Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh kon tum.

Tỉnh Quảng Nam đã tổ chức cho nhân dân về lại nơi cư trú ban đầu, bảo đảm an toàn; tổ chức cứu chữa người bị thương, chôn cất người bị chết; tập trung sửa chữa, dựng lại nhà cửa, trường học, trạm y tế, các cơ sở hạ tầng kinh tế bị hư hỏng; bảo đảm công tác vệ sinh môi trường, sớm ổn định tình hình đời sống cho nhân dân. Tỉnh huy động toàn thể các lực lượng hỗ trợ giúp dân khắc phục nhà cửa, trường học bị hư hại, vệ sinh môi trường; đồng thời xuất 10 tỷ đồng kinh phí dự phòng năm 2009 để phân bổ cho các địa phương triển khai các biện pháp khắc phục về dân sinh; cấp hỗ trợ trực tiếp hơn 11.000 thùng mì tôm cho nhân dân vùng bị ngập nước và bị cô lập.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải "bằng mọi cách tỉnh Kon Tum phải sớm thông xe trên các tuyến giao thông huyết mạch trong thời gian sớm nhất", ngay trong đêm 1-10, bộ đội công binh của Quân đoàn 3 đã hoàn thành việc lắp cầu phao dài 100 m, trọng tải 60 tấn để thay thế cho cầu Ðác Ruồng (Kon Rẫy) nằm trên tuyến quốc lộ 24 nối Tây Nguyên với các tỉnh miền trung bị sập do mưa lũ gây ra. Công ty cổ phần xây dựng và quản lý công trình giao thông tỉnh đã huy động 35 phương tiện xe máy hạng nặng để thi công mố cầu tạm cho cầu Ðác Ruồng và thi công hoàn chỉnh tuyến đường dẫn dài 60 m ở hai phía đầu cầu của cây cầu này. Công ty cũng đã san lấp hơn 20.000 m3 đất đá sạt lở trên quốc lộ 24. Trong ngày 2-10, tuyến quốc lộ 24 đoạn qua địa phận tỉnh Kon Tum thông xe trọng tải nhẹ. Hiện Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ tỉnh đang tập trung lực lượng để san ủi bùn đất, cây cối đổ ngã để thông xe đường Hồ Chí Minh đoạn từ huyện Ðác Glei đến huyện Ngọc Hồi và huyện Ðác Tô.

UBND tỉnh Gia Lai quyết định xuất 900 triệu đồng từ Quỹ PCLB tỉnh để hỗ trợ ban đầu cho các huyện, thị xã và thành phố để khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng bão số 9. Theo đó, các huyện Mang Yang, Chưprông, Ðắc Ðoa, Chư Sê, KBang, Phú Thiện và thành phố Plây Cu mỗi địa phương 100 triệu đồng; các thị xã An Khê, Ayunpa và hai huyện Iagrai và Chưpăh mỗi nơi 50 triệu đồng. Ðến nay, lực lượng chức năng đã thông đường vào năm xã phía nam huyện Mang Yang bị cô lập trong suốt mấy ngày qua. Huyện Mang Yang cũng hỗ trợ bảy triệu đồng/nhà bị sập ở trong khu vực này.

Những ngày này, các địa phương trong tỉnh Gia Lai đang khẩn trương huy động mọi lực lượng để khắc phục hậu quả do bão số 9 gây ra. Thể hiện tinh thần xung kích của tuổi trẻ, Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh đã thành lập 326 đội thanh niên tình nguyện, với gần 8.000 đoàn viên thanh niên tỏa về các địa phương giúp dân sửa chữa hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, dựng lại hơn 5.000 trụ tiêu cho dân, khắc phục nhanh ba công trình thủy lợi bị hư hỏng nặng, dọn vệ sinh gần 30 km đường... Ngoài ra, còn vận dộng quyên góp hơn 3.000 gói mì tôm, sáu triệu đồng thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại nặng.

            PV và CTV