Đổi tên tòa án cấp tỉnh và huyện chưa chắc nhận được sự đồng thuận của nhân dân
Thảo luận ở tổ về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) chiều 9/11, đại biểu Lò Thị Luyến - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên nêu rõ, qua nghiên cứu hồ sơ dự án Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi), đại biểu bày tỏ nhất trí cao với sự cần thiết phải sửa đổi luật và nhất trí cao với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về dự án luật này.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu nêu một số nội dung tham gia góp ý, trong đó, về việc đổi tên tòa án cấp tỉnh, tòa án cấp huyện thành tòa án phúc thẩm và tòa án sơ thẩm, đại biểu cho rằng, chưa chắc đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân, bởi những lý do sau.
Thứ nhất, việc đổi tên nhưng cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của toà án không thay đổi, chưa phân cấp thẩm quyền xét xử sơ thẩm cho tòa án nhân dân sơ thẩm mà toà án nhân dân phúc thẩm vẫn sẽ xét xử sơ thẩm vụ việc theo quy định của pháp luật (khoản 1 Điều 55 dự thảo luật).
Thứ hai, việc tổ chức tòa án nhân dân phúc thẩm, tòa án nhân dân sơ thẩm vẫn được tổ chức và có thẩm quyền theo địa hạt tương ứng với các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện cũng không thể chế được ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng Tại Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2019 được nêu tại trang 2, Tờ trình 191, đó là “các tòa án phải sắp xếp lại tổ chức tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn”.
Thứ ba, theo đại biểu Luyến, việc đổi tên này sẽ gây lãng phí ngân sách dành cho việc đổi tên (thay con dấu, biển tên cơ quan); và thứ tư, người dân đang quen với tên gọi hiện hành của tòa án nhân dân (cấp huyện, cấp tỉnh), nên tên gọi này đang ăn sâu vào tiềm thức của người dân.
Báo cáo thẩm tra cũng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành. Trong đó, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị báo cáo rõ hơn về sự cần thiết và tác động của việc đổi mới này. Chính phủ, Bộ Công an, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc kỹ việc đổi tên các tòa án. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị không đổi tên các tòa án.
Đại biểu Lò Thị Luyến (Điện Biên) phát biểu thảo luận tại Tổ 8. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Từ phân tích ở trên, cá nhân đại biểu Luyến bày tỏ thống nhất với đề nghị giữ nguyên tên gọi của tòa án nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh như quy định của luật hiện hành.
Về Hội đồng Tư pháp quốc gia, theo đại biểu, tại Tờ trình 191, Tòa án nhân dân tối cao có xin ý kiến về nội dung này. Hiện tại có 2 loại ý kiến: Ý kiến thứ nhất không thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia mà giữ quy định về Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia. Ý kiến thứ 2 là cần thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia.
Đại biểu Luyến nêu rõ, dự thảo luật đang quy định theo ý kiến thứ nhất, giữ quy định về Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia như hiện nay. Qua so sánh với dự thảo luật ngày 14/9/2023 gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội thì chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thành phần, nguyên tắc hoạt động... của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia chính là nội dung quy định của Hội đồng tư pháp quốc gia (phương án 2, dự thảo luật ngày 14/9/2023), chỉ khác mỗi tên gọi.
Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng nêu, Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia được thành lập theo luật hiện hành đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của mình. Do đó, đại biểu nhất trí với ý kiến thứ nhất là không thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia; nhất trí với quy định về Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia tại dự thảo luật.
Về các nội dung cụ thể, Điều 102 về bảo vệ thẩm phán, khoản 3 dự thảo luật quy định, “trường hợp danh dự, nhân phẩm của thẩm phán bị xúc phạm khi thực hiện nhiệm vụ, thẩm phán, chánh án tòa án nơi thẩm phán công tác yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chấm dứt hành vi xúc phạm và buộc xin lỗi công khai. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện yêu cầu của thẩm phán, chánh án Tòa án”.
Đại biểu Luyến cho rằng, quy định này chưa chặt chẽ, đề nghị bổ sung, sửa lại khoản này như sau: “Khi thực hiện nhiệm vụ, nếu thẩm phán bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm thì thẩm phán hoặc chánh án tòa án nơi thẩm phán công tác yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chấm dứt hành vi xúc phạm; buộc xin lỗi công khai, đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện yêu cầu của thẩm phán, chánh án tòa án và thực hiện các quy định của pháp luật khác có liên quan”.
Tại Điều 105 về xử lý thẩm phán vi phạm pháp luật, đại biểu đề nghị bổ sung quy định thời hạn cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát phải báo cáo Chủ tịch nước và thông báo cho Chánh án Toà án nhân dân tối cao, hoặc bổ sung quy định giao cơ quan nào quy định việc tổ chức thực hiện điều này.
Hỗ trợ người yếu thế thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, án hành chính
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 8. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ), đề xuất, về tên gọi “Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)”, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ cụm từ “nhân dân”, bởi trong dự thảo luật còn quy định “Tòa án quân sự” tại Điều 65 của dự thảo.
Về nội hàm quy định về quyền tư pháp được đề cập trong dự thảo vẫn chung chung, đến nay chưa được quy định cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật, cũng như chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào xác định cơ quan tư pháp gồm những cơ quan nào, dẫn đến nhận thức của một số tổ chức, cá nhân về vị trí, vai trò của tòa án trong bộ máy nhà nước còn chưa thống nhất quan niệm về “quyền tư pháp”.
Vẫn còn quan điểm cho rằng: quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền không chỉ quyền xét xử của tòa án; cơ quan điều tra; viện kiểm sát,… và một số hoạt động của tất cả cơ quan, tổ chức bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, các quyền và tự do của con người, của công dân.
Một số Điều, khoản vẫn còn chồng chéo về nội dung nằm rải rác ở các Chương của dự thảo luật, đại biểu đề nghị cơ quan dự thảo nên rà soát tổng thể chung và hệ thống lại các Chương, Điều, Khoản, điểm bảo đảm tính logic.
Dự thảo đã bổ sung nhiều thuật ngữ, khái niệm mới như: Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt hay cụm từ Thư ký…, do đó đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu giải thích các từ ngữ đa nghĩa trong dự thảo luật để thống nhất cách hiểu và bổ sung 1 Điều quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đưa vụ án ra xét xử.
Để dự thảo luật được hoàn thiện, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh, bổ sung tại Điều 15: Cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự. Tại khoản 3 quy định “Tòa án hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong xã hội thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo quy định của pháp luật".
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh nội dung này và viết lại như sau: “Trong điều kiện hoàn cảnh người yếu thế trong xã hội không có khả năng cung cấp chứng cứ, chứng minh trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo quy định của pháp luật, tòa án có trách nhiệm hỗ trợ giúp người yếu thế thực hiện việc cung cấp chứng cứ, chứng minh”.
Cũng góp ý liên quan việc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự (Điều 15), đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) nêu rõ, theo quy định tại khoản 2, Điều 15 dự thảo luật, tòa án chỉ hướng dẫn, yêu cầu đương sự thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ việc dân sự, vụ án hành chính”, và quy định tại khoản 3, điều này thì tòa án "hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong xã hội thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo quy định pháp luật".
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) phát biểu thảo luận tại Tổ 8. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
“Trong bối cảnh hiện trình độ dân trí đã nâng lên rõ rệt, nhưng sự am hiểu pháp luật của người dân, nhất là người lao động có thu nhập thấp còn nhiều hạn chế, việc người dân phải tự mình thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính là rất khó khăn, bởi nhiều người dân sẽ không đủ điều kiện, năng lực và khả năng để yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ cho họ, từ đó sẽ gây bất lợi trong quá trình xét xử và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân”, đại biểu nêu rõ.
Do đó, để hiện thức hóa chủ trương của Đảng hướng tới mục tiêu xây dựng một nền "tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc thêm đối với quy định này, có quy định cụ thể để khi áp dụng quy định này trong thực tiễn phải có lộ trình phù hợp với trình độ dân trí và xu thế phát triển của xã hội.
Đồng thời, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng nhóm yếu thế được điều chỉnh trong quy định của luật gồm những thành phần nào, vì trong mỗi dự án luật khác nhau sẽ có quy định nhóm yếu thế khác nhau.