Dế Mèn phiêu lưu bằng nhạc kịch

Tác phẩm nổi tiếng "Dế Mèn phiêu lưu ký" của nhà văn Tô Hoài vừa có dịp hội ngộ khán giả trên sân khấu Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh bằng vở nhạc kịch cùng tên được dàn dựng công phu, sống động. Là công trình nghệ thuật kỷ niệm 30 năm thành lập Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh (HBSO), vở diễn đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng công chúng.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh trong vở nhạc kịch "Dế Mèn phiêu lưu ký".
Cảnh trong vở nhạc kịch "Dế Mèn phiêu lưu ký".

Vở nhạc kịch "Dế Mèn phiêu lưu ký" được biên đạo múa Tuyết Minh viết kịch bản và tổng đạo diễn, nhạc sĩ Việt Anh sáng tác âm nhạc và phối khí, với sự chỉ đạo nghệ thuật của nhạc trưởng Lê Ha My - Giám đốc HBSO.

Năm 2018, ngay khi ra mắt phiên bản hòa nhạc do nhạc sĩ Việt Anh thực hiện, tác phẩm đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của khán giả. Và lần này, trở lại cùng phiên bản sân khấu đầy đủ, vở nhạc kịch được đầu tư dàn dựng quy mô hơn về mọi mặt với sự tham gia chỉ huy dàn nhạc và dàn hợp xướng của nhạc trưởng tài năng Trần Nhật Minh; biên đạo múa Phúc Hùng, Hải Yến; đạo diễn ánh sáng Phúc Hải; thiết kế phục trang Pulee; thiết kế sân khấu Khánh Toàn...

Trong thời lượng 90 phút, vở diễn đưa khán giả trải nghiệm hành trình viễn du ngược miền ký ức đi tìm tình bạn, tình yêu, hạnh phúc cùng những nhân vật trong tác phẩm qua hai chương: Chương I "Trưởng thành" gồm 5 cảnh: "Trên đỉnh danh vọng", "Ảo ảnh", "Sự ngỗ nghịch đáng ân hận suốt đời", "Mẹ thân yêu của con", "Giải cứu Nhà trò - Kết nghĩa anh em"; Chương II "Thế giới đại đồng" gồm 5 cảnh: "Cuộc phiêu lưu kỳ thú", "Lạc vào xóm Cóc", "Hội Làng Võ", "Những kẻ viển vông và Những người chăm chỉ", "Giải cứu Dế Mèn". Tái hiện câu chuyện đã gắn bó với tuổi thơ nhiều thế hệ, vở diễn tiếp tục khơi dậy những xúc cảm trong sáng nhất trong tâm hồn mỗi người, chuyển tải những thông điệp vừa giá trị, vừa thời sự về hành trình thực hiện ước mơ của tuổi trẻ, về tâm thế đối diện với những mất mát, ly tán và giấc mơ về một thế giới đại đồng...

"Dế Mèn phiêu lưu ký" có thể xem là vở nhạc kịch thuần Việt đúng nghĩa, bởi bên cạnh việc lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học Việt, hội tụ toàn bộ ê-kíp sáng tạo, biểu diễn là người Việt, thì từng trường đoạn, cảnh diễn còn thấm đẫm màu sắc văn hóa Việt Nam trong âm nhạc, ca từ, vũ đạo...

Dù ứng dụng tối đa phong cách nhạc kịch broadway và công nghệ sân khấu hiện đại, nhưng vở diễn vẫn lấp lánh vẻ đẹp của âm nhạc dân tộc qua thanh âm của sáo, mõ, đàn đáy, đàn bầu...; vẫn đầy thơ mộng, bay bổng qua những điệu múa dân gian, dân tộc. Dấu ấn Việt thể hiện đậm đặc ở thiết kế sân khấu, đạo cụ, phục trang nhân vật với rễ cây, nón lá, áo tơi, tre, nứa...; cùng với đó là những lớp diễn tái hiện nét sinh hoạt làng xã, làm nổi bật tinh thần thượng võ, truyền thống yêu thương, đoàn kết, gắn bó của dân tộc Việt. Điều này mang đến cảm giác rất đỗi bình dị, gần gũi, thân quen cho vở diễn dù được xây dựng dưới hình thức nhạc kịch-loại hình nghệ thuật lâu nay vẫn được cho là kén người xem.

Nói như biên đạo múa Tuyết Minh là "vượt qua sự hối hả bộn bề của nhịp sống đương đại, chúng tôi muốn đưa khán giả trở về với những giấc mơ đã chìm sâu trong thế giới nội tâm, thong thả buông lơi trên dòng sông, bờ đê, thư thái đánh thức ký ức của mình, đánh thức phần tâm hồn trong sáng thức dậy..., có thể chỉ là qua chiếc lá tre đang bay, cái rét tê tái của mùa đông, cầu tre lắt lẻo, sông nước mênh mang, hay đơn giản đưa tới cho khán giả cảm giác đang được hít thở trong bầu không gian thanh mát...".

Điều thú vị của vở diễn là sự xuất hiện xuyên suốt của những dòng chảy tư duy đồng hiện mang đến nhiều bất ngờ cho người xem. Không đi theo diễn biến vốn có của tác phẩm văn học, vở nhạc kịch sử dụng thủ pháp xuyên không, mở ra những câu chuyện của cả quá khứ-hiện tại trên cùng một không gian-thời gian sân khấu để gợi lên những suy tưởng, chiêm nghiệm về sự trưởng thành... Cách sắp đặt không gian qua sự hòa quyện của mỹ thuật sân khấu cùng ngôn ngữ cơ thể nghệ sĩ múa khiến khán giả như được sống cùng hành trình phiêu lưu trong thế giới thực tại và trong chính ký ức của nhân vật.

Nhạc sĩ Việt Anh - tác giả của hàng loạt ca khúc nổi tiếng như "Dòng sông lơ đãng", "Không còn mùa thu", "Hoa có vàng nơi ấy", "Đêm nằm mơ phố"... cho biết, đảm nhận phần âm nhạc cho vở diễn, anh đã phải thử sức với rock, rap, hay nghe thêm những làn điệu dân ca để có sự kết hợp hợp lý.

Biên đạo múa Tuyết Minh chia sẻ, chị phải dành gần một năm để xây dựng ý tưởng, hình thành kết cấu tác phẩm, viết lời thoại cho các tuyến nhân vật, xâu chuỗi các phân cảnh, trường đoạn trong vở diễn. Để có thể dàn dựng một vở nhạc kịch lớn huy động sự tham gia của gần 200 nghệ sĩ, diễn viên trong khoảng 20 ngày, ê-kíp sáng tạo đã phải dồn toàn bộ tâm huyết, sức lực cũng như rất nhiều thời gian trao đổi online trước đó để tìm được tiếng nói chung, nhất là khi các thành viên ở cách xa nhau về khoảng cách địa lý, người trong nước, người ngoài nước... Vì thế, sự đón nhận của khán giả cùng những tràng pháo tay vang lên không ngớt sau buổi công diễn đầu tiên càng có giá trị lớn hơn đối với những người sáng tạo.