Để mẹ thôi khắc khoải chờ mong

Hằng năm, tỉnh biên giới Tây Ninh luôn có các lễ truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở Campuchia. Điều này đồng nghĩa với việc có thêm nhiều gia đình liệt sĩ bớt đau buồn, thêm nhiều Bà mẹ Việt Nam Anh hùng vơi đi nước mắt và nhẹ lòng hơn...
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh dự lễ an táng các liệt sĩ Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7/2022.
Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh dự lễ an táng các liệt sĩ Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7/2022.

Tháng 7/2022, chòm xóm của liệt sĩ Nguyễn Văn On (Hai On, quê Long An) chọn làm tháng giỗ của anh. Anh cầm súng ngay từ khi giặc tràn sang quê hương ở biên giới Đức Huệ, cùng đồng đội chiến đấu và đẩy lùi chúng sang bên kia sông Vàm Cỏ Đông. Đến địa phận giáp ranh Tây Ninh-Svay Riêng, anh hy sinh ở tuổi 19 trong một lần chiến đấu trực diện với Khmer Đỏ.

Đó là câu chuyện mà gia đình được nghe... đồng đội của đồng đội anh Hai On kể lại. Má anh là dì tôi (dì Tư Công), một người đàn bà lam lũ chưa bao giờ bước chân ra khỏi đình làng, xưa đã mất chồng, rồi mất luôn đứa con trai duy nhất là Hai On.

Tháng 7/2022, sau hơn bốn tháng công tác trên đất bạn Campuchia, chiến sĩ nghĩa vụ Lương Tấn Lộc, Đội K71, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh, trở nên rắn rỏi và đen hơn. Trái với tính cách trẻ trung lúc nhập ngũ, Lộc trầm tư hơn và hay xúc động. Bởi lẽ, Lộc được tham gia vào một nhiệm vụ rất đặc biệt ở Đội K71 là đi tìm, quy tập hài cốt liệt sĩ, chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn Campuchia.

Lộc nhớ nhất chuyến đi đến tỉnh Ốt Đô Miên Chây (Campuchia), sau ba, bốn lần đào tìm theo sự hướng dẫn của bà con Khmer, đội của Lộc dường như đã mất hết hy vọng. Thế nhưng, khi thu dọn dụng cụ, Lộc lại có cảm giác rất cồn cào... Lộc và đồng đội đã báo cáo thủ trưởng xin tìm kiếm thêm. Đúng như linh tính mách bảo, thêm nhiều liệt sĩ được tìm thấy, dù những gì còn lại không nhiều. Năm nay, Lương Tấn Lộc có lẽ cũng trạc tuổi anh Hai On và những người lính trẻ đi làm nghĩa vụ quốc tế của những năm cuối thập niên 70, thế kỷ 20. Khác chăng là Lộc đi tìm những bậc cha, chú của anh còn nằm lại trên đất bạn.

Theo Thượng tá Phan Văn Long, Chính trị viên Đội K71, trên hành trình tìm đồng đội, khó khăn nhất vẫn là cái nóng mùa khô và bom mìn còn sót lại. Còn những chướng ngại như rắn rết, muỗi vắt, ngủ rừng, nằm sương... chỉ là chuyện nhỏ. Các anh có cảm giác bình an và ấm áp nhất khi tìm thấy, đưa được từng hài cốt liệt sĩ từ trong rừng sâu, đồng không hoang lạnh về Tổ quốc.

Trực tiếp động viên các Đội K70, K71 vừa hoàn thành nhiệm vụ sau mùa khô năm 2022 trở về, Đại tá Hoàng Xuân Cường, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh, xúc động: “Xác định rõ nhiệm vụ cùng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, giai đoạn 2001-2020, các Đội K70, K71 đã tìm tại các tỉnh TBông Kh’mum, Kông Pông Chàm, Xiêm Riệp, Bần Tia Miên Chây, Ốt Đô Miên Chây được 4.699 hài cốt liệt sĩ. Sau mỗi đợt tìm kiếm, quy tập, truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh kịp thời lấy mẫu sinh phẩm để giám định AND phục vụ cho việc xác định danh tính liệt sĩ. Đây chính là điều mà gia đình các liệt sĩ, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng mong đợi nhất”.

Tháng 7/2022, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh cho biết: Trong mùa khô vừa qua (từ ngày 21/2 đến 9/5/2022), hai đội K70, K71 đã quy tập thêm được 173 hài cốt liệt sĩ. Đội K71 khi quy tập tại một vị trí (huyện Ba Âm Bơ, tỉnh Ốt Đô Miên Chây) đã tìm được đến 32 hài cốt liệt sĩ. Đội K70 khi quy tập cũng tại một vị trí (huyện Po Nhia Kret, tỉnh TBông Kh’mum) đã tìm thấy 83 hài cốt liệt sĩ.

Điều này cho thấy, các liệt sĩ đã hy sinh rất nhiều trong cùng những địa điểm mà các cơ quan chức năng và nhân dân hai bên biên giới dù đã dò tìm qua vài lần nhưng cũng khó phát hiện. Với hàng chục bộ hài cốt trong những ngôi mộ tập thể, sau hơn 40 năm, rất khó xác định danh tính...

Nỗi day dứt nêu trên hiện diện trong rất nhiều gia đình liệt sĩ và trong lòng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Việc dì Tư Công của tôi (Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Hồ Thị Tân) đã mấy mươi năm bôn ba khắp các huyện biên giới Bến Cầu, Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành (Tây Ninh) và sang tận các tỉnh giáp ranh phía Campuchia để nhờ bà con Khmer tìm anh Hai On. Có thời gian, dì ở luôn tại biên giới Tây Ninh, tìm khắp các nghĩa trang. Thậm chí, vì thương con, dì Tư Công còn đi lên thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông, nhờ các nhà ngoại cảm... trong vô vọng.

Tây Ninh có 1.467 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó có 25 mẹ còn sống. Hiện, ngoài xây mới và sửa chữa nhà thường xuyên cho các mẹ, tỉnh Tây Ninh còn tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, chăm sóc, nấu ăn, trò chuyện… cho các mẹ.

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thùa ở huyện Tân Biên nay đã 88 tuổi, ngày ngày vẫn mong ngóng về phía đất nước chùa Tháp. Con trai duy nhất của mẹ đã hy sinh. Hay như Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Ánh (huyện Dương Minh Châu) đều đặn mỗi quý đều có các anh, chị thuộc Công an tỉnh Tây Ninh phụng dưỡng. Thế nhưng vẫn không thể nào làm mẹ vơi đi nước mắt khi mỗi tháng 7 về...

Còn đó di ảnh Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Liệt sĩ Nguyễn Thị Bé (huyện Gò Dầu) vừa mất chồng, con, vừa hy sinh bản thân cho đất nước, nay chỉ có con cháu thắp hương mỗi đợt giỗ chạp... Cũng còn đó dì tôi, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Hồ Thị Tân nay đã thành thiên cổ, mà anh Hai On vẫn chưa “trở về”.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Tây Ninh, tỉnh có 43.000 người có công với cách mạng; trong đó có 1.209 thương binh, bệnh binh và 11.098 liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ. Chỉ tính riêng Nghĩa trang Liệt sĩ Đồi 82 Tây Ninh (huyện Tân Biên), đã có đến 13.976 liệt sĩ từ mọi miền Tổ quốc an nghỉ. Thế nên, Tây Ninh luôn được cả nước hướng về cũng như gia đình các liệt sĩ, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng nhớ đến mỗi khi có thông tin “tìm ra hài cốt liệt sĩ”.