Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với địa danh "Văn Lãng" cho sản phẩm quả hồng Vành khuyên và từ tháng 5/2018 hồng Vành khuyên đã được chứng nhận là Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam.
Làm giàu từ quả hồng
Hằng năm khi thu đến đông về, bà con các dân tộc ở huyện Văn Lãng (Lạng Sơn), lại tất bận với công việc lên rừng hái hồng Vành khuyên. Năm nay, người trồng hồng trên địa bàn huyện rất phấn khởi bởi hồng vừa được mùa, được giá. Theo người dân địa phương, hồng Vành khuyên có phần đài hoa hằn trên núm quả, tạo nên vành rộng nên mới có tên gọi hồng Vành khuyên.
Hồng Vành khuyên quả to, tròn, ăn giòn, ngọt khi quả càng già, vành khuyên càng hiện rõ. Quả hồng Vành khuyên đạt chất lượng là vỏ phải bóng, màu xanh ngả vàng, vị ngọt không sắc. Khi bổ ngang trái hồng sẽ thấy hình giống như cánh hoa, không hạt, óng ánh, giòn và ngọt.
Quyết tâm đưa Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững
Ông Triệu Văn Khái, ở thôn Pò Pheo, xã Hoàng Việt (Văn Lãng) cho biết từ năm 2010 gia đình đã trồng hơn 1ha hồng Vành khuyên. Đến nay, ông đã mở rộng diện tích trồng hồng gần 3ha, với gần một nghìn cây hồng đang cho quả. Trong 5 năm trở lại đây, nhờ quả hồng mỗi năm gia đình thu nhập từ 250-300 triệu đồng trở lên. Nhờ đó, mà năm 2022, ông Triệu Văn Khái, được tặng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho mô hình người cao tuổi làm kinh tế giỏi.
Anh Lăng Văn Thiện, ở thôn Pò Pheo, Hoàng Việt, Văn Lãng (Lạng Sơn), tuyển chọn quả hồng đem giao cho khách hàng. |
Anh Hoàng Văn Hưng, thôn Pò Pheo, xã Hoàng Việt vui vẻ nói: Gia đình tôi có 2ha hồng, đều được trồng, chăm sóc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Với quy trình này, năng suất, chất lượng quả cao hơn rõ rệt, sản phẩm có uy tín hơn, giúp cho giá bán nhỉnh hơn từ 1.000-2.000 đồng/kg quả tươi. Trung bình mỗi năm gia đình tôi thu hoạch từ 10-12 tấn quả, thu nhập gần 200 triệu đồng.
Cũng như xã Hoàng Việt, Tân Mỹ là xã có diện tích trồng hồng Vành khuyên lớn nhất trên địa bàn huyện Văn Lãng. Toàn xã hiện có hơn 500ha hồng Vành khuyên, trong đó, có 300ha đã cho thu hoạch quả. Năm nay, hồng Vành khuyên được mùa, được giá nên bà con trồng hồng rất vui mừng, phấn khởi.
Ông Hoàng Văn Sằm, thôn Nà Mò, xã Tân Mỹ cho biết: Năm nay, hồng Vành khuyên sai quả hơn năm ngoái lại được giá cao hơn nên chúng tôi phấn khởi lắm. Gia đình tôi mỗi ngày hái hơn 100kg, bán với giá dao động từ 22.000-25.000 đồng/kg, mang về thu nhập hơn 2 triệu đồng mỗi ngày. Với diện tích gần 3ha, trong đó 80% diện tích đã cho thu hoạch quả, từ nay đến hết vụ dự kiến gia đình sẽ thu hoạch được khoảng 8-10 tấn quả, mang về thu nhập từ 220-250 triệu đồng.
Nâng tầm thương hiệu hồng Vành khuyên
Bên cạnh việc tích cực mở rộng diện tích trồng, từ năm 2017 đến nay, huyện Văn Lãng chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chăm sóc hồng Vành khuyên theo quy trình VietGAP, theo hướng hữu cơ. Nhờ đó đến nay, toàn huyện có hơn 224ha hồng VietGAP và 30ha hồng hữu cơ. Sản phẩm hồng của bà con sau thu hái sẽ được các Hợp tác xã, các thương lái thu mua và vận chuyển về các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng… tiêu thụ.
Ông Hoàng Văn Hậu, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh hồng Vành khuyên thôn Nà Mò, xã Tân Mỹ cho biết: Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đầu ra sản phẩm hồng của bà con gặp khó, giá thành thấp. Nhưng năm nay, hồng sai quả hơn, được giá cao hơn; trung bình mỗi ngày hợp tác xã thu mua từ 2-3 tấn quả với giá dao động từ 22.000-25.000 đồng/kg. Dự kiến năm nay, Hợp tác xã sẽ thu mua từ 150-160 tấn hồng Vành khuyên của người dân.
Người dân ở xã Tân Mỹ, Văn Lãng (Lạng Sơn) đem hồng Vành khuyên bán ở các phiên chợ của xã. |
Chị Vương Thị Thương, thành viên Hợp tác xã Toàn Thương phấn khởi nói: Được sự hỗ trợ của Sở Công thương về máy móc, kết hợp vay vốn ưu đãi, Hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư xây dựng xưởng sản xuất, với tổng diện tích hơn 1.000m2: gồm khu sơ chế, nhà kính treo hồng, kho lạnh, máy hút chân không... với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Vụ hồng năm 2022, Hợp tác xã Toàn Thương đã liên kết tiêu thụ với các hộ gia đình, với tổng diện tích hơn 20ha, trồng theo hướng hữu cơ, sản lượng thu được 160 tấn.
Dự kiến năm nay 2023, Hợp tác xã chế biến 150 tấn hồng tươi, thu được thành phẩm 30 tấn, doanh số đạt 12 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 5 tỷ đồng...
Bà Lô Thị Kim Oanh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Lãng nhấn mạnh: Để cây hồng Vành khuyên trên địa bàn huyện phát triển bền vững, đem lại thu nhập ổn định cho bà con, thời gian tới, phòng tiếp tục phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP.
Năng suất hồng Vành khuyên năm nay của huyện ước đạt 6 đến7 tấn/ha (tăng khoảng 1,5 tấn/ha so năm 2022); giá bán hiện đang dao động từ 20.000-25.000 đồng/kg, cao hơn 6.000-8.000 đồng/kg so vụ hồng năm 2022. Nguyên nhân là do năm nay tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, thương lái đến tận vườn lựa chọn, thu mua hồng. Sản lượng hồng toàn huyện ước đạt hơn 6.000 tấn, tăng khoảng 1.000 tấn so năm 2021, giá trị kinh tế ước đạt hơn 75 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tuấn Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Văn Lãng khẳng định: Cùng với nhân rộng diện tích lên 2.000ha vào năm 2025 và đạt 2.300ha vào năm 2030, Ủy ban nhân dân huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo tận dụng tối đa nguồn vốn từ các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia để đa dạng hóa hơn nữa cách phát triển thương hiệu.
Trước mắt, Ủy ban nhân dân huyện sẽ tiếp tục đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ giống hồng Vành khuyên; nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến để đa dạng chủng loại sản phẩm (hồng sấy khô, sấy dẻo); và chú trọng xây dựng chuỗi liên kết cho các sản phẩm quả hồng…
Hồng Vành khuyên được các Hợp tác xã trong huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) đem quảng bá, giới thiệu cho khách hàng. |
Cùng đó, thực hiện cải tạo những vùng trồng hồng già cỗi; xây dựng và hình thành vùng sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ cho cây hồng Vành khuyên; hướng đến nâng cao giá trị sản phẩm bằng các phương pháp chế biến sâu như: hồng treo gió công nghệ Nhật Bản, hồng sấy... đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thông qua các chương trình hội chợ, sàn thương mại điện tử; tăng cường tìm kiếm kết nối tiêu thụ để sản phẩm hồng Vành khuyên của huyện có đầu ra ổn định, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Với sự quan tâm của các cơ quan chuyên môn tỉnh, huyện và sự chủ động của người dân trong phát triển sản xuất, thời gian tới, sản phẩm quả hồng Vành khuyên của huyện sẽ ngày càng được nhiều người biết đến và vươn xa hơn tới các thị trường trong và ngoài nước.