Ðể Công tác thi đua, khen thưởng trở thành động lực phát triển đất nước

Công tác thi đua, khen thưởng luôn được Ðảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành và nhân dân, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
75 điển hình tiên tiến làm công tác thi đua, khen thưởng trong Phong trào thi đua đặc biệt kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu Sáu điều dạy Công an nhân dân, tháng 6/2023.
75 điển hình tiên tiến làm công tác thi đua, khen thưởng trong Phong trào thi đua đặc biệt kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu Sáu điều dạy Công an nhân dân, tháng 6/2023.

Mặc dù vậy, theo Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương, năm 2023 phong trào thi đua ở một số địa phương còn dàn trải, chưa đồng đều, thiếu trọng tâm, trọng điểm; công tác kiểm tra, đôn đốc và sơ kết, tổng kết chưa thường xuyên, kịp thời. Trong công tác khen thưởng, cá biệt vẫn có tập thể, cá nhân thành tích chưa thật sự tiêu biểu, xuất sắc; khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác và khen thưởng thông qua phát hiện các điển hình chưa tạo được sự chuyển biến sâu rộng từ cơ sở.

Năm 2024 có ý nghĩa bản lề đối với việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, cũng là năm nền kinh tế phấn đấu "bứt phá để về đích". Tại Ðại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X (năm 2020), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Công tác thi đua, khen thưởng có vai trò, vị trí hết sức quan trọng, là phương thức lãnh đạo của Ðảng, công cụ quản lý của Nhà nước, là động lực phát triển kinh tế, xã hội.

Trước bối cảnh và yêu cầu nêu trên, ngay từ những ngày đầu năm mới, toàn hệ thống chính trị cần triển khai thực hiện tốt Luật Thi đua, khen thưởng, nhất là những quy định mới, có tính đột phá, tạo sự chuyển biến tích cực trong đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng, như: Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đơn vị, cơ sở trong tổ chức triển khai phong trào thi đua, để việc phát động, triển khai thật sự thiết thực, hướng về cơ sở, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua.

Ðồng thời, cần thực hiện các quy định mới về khen thưởng bảo đảm bao quát hết các đối tượng khen thưởng, bảo đảm hài hòa, cân đối trong khen thưởng giữa khu vực công và khu vực tư; quan tâm khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo; đề cao tính kịp thời trong khen thưởng.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương khi triển khai các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, đặc biệt là phong trào "Ðẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí", cần chú ý lồng ghép nội dung và hình thức phong phú, đa dạng, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, hướng phong trào thi đua vào việc giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thiết thực trong đời sống xã hội; chủ động phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp tổ chức các phong trào thi đua; đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ; mở rộng nêu gương, học tập trong cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở, thực hiện đồng bộ và hiệu quả cả bốn khâu: phát hiện-bồi dưỡng-tổng kết-nhân rộng điển hình tiên tiến.