Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Tư pháp, đánh giá, các đơn vị trong khu vực thi đua Khối cơ quan tư pháp các tỉnh Tây Nam Bộ đã tổ chức, triển khai thực hiện các phong trào thi đua đạt hiệu quả, chất lượng, đúng tiến độ.
Các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao; đóng góp vào thành công chung của các địa phương trong vùng về phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh, chính trị; đóng góp hiệu quả vào công tác tư pháp chung của cả nước.
Thời gian tới, các đơn vị tiếp tục nâng cao vai trò của công tác thi đua khen thưởng; đề cao trách nhiệm của cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua bảo đảm thực chất.
Thủ trưởng các đơn vị phải tiên phong, gương mẫu, thực sự là hạt nhân trong các phong trào. Tiếp tục động viên, huy động nguồn lực, tạo khí thế làm việc hiệu quả, hoàn thành các nhiệm vụ được giao một cách tốt nhất.
Bên cạnh các phong trào thi đua do Bộ Tư pháp phát động, các Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh cần phát động thêm các phong trào thi đua để thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ công tác. Trong đó, tập trung các nhiệm vụ tổ chức thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW (về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới) và Chỉ thị số 23 CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp).
Theo ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, hội nghị còn là dịp để các tỉnh cùng trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ cách làm hay trong hoạt động công tác của ngành.
Năm 2023, Hậu Giang thực hiện đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội. Góp phần vào thành tựu ấy có vai trò của các cơ quan ngành tư pháp. Các đơn vị đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngành trên tất cả lĩnh vực.
Các đơn vị ký kết giao ước thi đua năm 2024. |
Năm 2023, với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, khối cơ quan Sở Tư pháp các tỉnh miền Tây Nam Bộ đã triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả nổi bật.
Công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện thường xuyên, gắn với theo dõi thi hành pháp luật, hình thành cơ chế đồng bộ trong việc theo dõi, phát hiện, xử lý và kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật.
Trong năm, các Sở Tư pháp trong khu vực thực hiện 83 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiếp nhận và giải quyết kịp thời 261 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh. Chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở được nâng cao, đóng góp tích cực vào việc xây dựng tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Các Sở Tư pháp ban hành và tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành kịp thời các văn bản triển khai, hướng dẫn trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, nuôi con nuôi, bồi thường, chứng thực, giao dịch...
Thực hiện phong trào thi đua “Toàn hệ thống Thi hành án dân sự kỷ cương, trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thi đua hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao”, các cơ quan Thi hành án dân sự đã ban hành 85.860 quyết định thi hành án, đã ra quyết định thi hành án đúng thời hạn đối với 100% bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực theo đúng quy định. Việc xác minh, phân loại án chính xác, đúng thời hạn, trình tự, thủ tục, được thực hiện nghiêm túc.
Hội nghị đã công bố quyết định của Bộ trưởng Tư pháp về việc chia tách khu vực thi đua Khối cơ quan tư pháp các tỉnh miền Tây Nam Bộ thành 2 cụm thi đua gồm Cụm thi đua Bắc Sông Hậu và cụm thi đua Nam Sông Hậu.