Ban Giám sát đầu tư cộng đồng thôn Nà Giảo, xã Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới kiểm tra chất lượng đổ bê-tông đường liên thôn. (Ảnh: TUẤN SƠN) |
Chợ Mới là một trong những huyện tiêu biểu của Bắc Kạn trong việc thực hiện công tác giám sát cộng đồng.
Theo anh Triệu Văn Hùng, Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Ban Giám sát đầu tư cộng đồng thôn Nà Giảo, xã Thanh Thịnh, thôn bầu ra Ban Giám sát đầu tư cộng đồng theo cách lựa chọn, bầu thành viên ban là những người có trình độ, hiểu biết và đã từng tham gia các tổ xây dựng.
Với việc có hiểu biết về lĩnh vực xây dựng nên khi giám sát, các thành viên trong Ban đã có những ý kiến đóng góp để việc thi công các công trình kết cấu hạ tầng cho thôn được tốt hơn.
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Chợ Mới, Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thành lập 101 Ban Giám sát đầu tư cộng đồng để thực hiện giám sát các công trình, dự án được triển khai thi công trên địa bàn.
Thông qua giám sát, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị cần khắc phục xử lý, các nội dung, như: các phương tiện chở vật liệu vào công trình đi qua đường nội thôn, phải bảo đảm tốc độ để không gây mất an toàn giao thông; xử lý lại một số nội dung thiết kế để bảo đảm phù hợp và các hộ dân đều được hưởng lợi, đặc biệt là các công trình cấp nước sinh hoạt, kênh mương nội đồng; kiến nghị về chất lượng công trình như chất lượng cát, chất lượng mác bê-tông, chất lượng sơn….
Bắc Kạn cũng thực hiện có hiệu quả công tác phản biện xã hội. Năm 2021, khi tham mưu cho Tỉnh ủy xây dựng, ban hành Nghị quyết về các chương trình mục tiêu quốc gia, các đơn vị soạn thảo đã đã tham mưu cho Tỉnh ủy mỗi chương trình mục tiêu quốc gia ban hành 1 Nghị quyết riêng.
Tại hội nghị phản biện xã hội, ngoài các ý kiến phản biện cụ thể, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Kạn đã có ý kiến đề nghị xem xét ban hành 1 Nghị quyết chung cho cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Ý kiến trên đã được tiếp thu và thực hiện.
Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc vận chuyển gạo cho người dân vùng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. (Ảnh: THU DỊU) |
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Kạn, từ năm 2019 tới nay, trong hoạt động giám sát, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tập trung giám sát việc thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp, của nhân dân, và những vấn đề nhân dân bức xúc, dư luận xã hội quan tâm.
Trong nhiệm kỳ (2019-2024), Mặt trận Tổ quốc các cấp đã giám sát được 20 cuộc đạt 200% so với mục tiêu đề ra.
Trong nhiệm kỳ, Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức góp ý và phản biện xã hội được 191 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức được 28/15 hội thảo phản biện, đạt 187% chỉ tiêu đề ra.
Nhiều ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao, trở thành một kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp cấp ủy, chính quyền xem xét ban hành chính sách, pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương.
Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, hoạt động giám sát và phản biện xã hội có lúc, có nơi chưa phát huy hiệu quả, chưa đi vào chiều sâu, nhất là ở cơ sở. Vai trò tham gia giám sát của nhân dân chưa phát huy hiệu quả.
Công tác theo dõi, giám sát việc tiếp thu, trả lời kiến nghị của cử tri và kiến nghị của mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội sau giám sát, phản biện chưa được quan tâm đúng mức.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa nhấn mạnh, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận các cấp. Đặc biệt là triển khai các giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu, giai đoạn 2024-2029, chủ trì thực hiện ít nhất 3 chương trình, nội dung giám sát trên phạm vi toàn tỉnh. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện chủ trì thực hiện ít nhất 2 chương trình, nội dung giám sát/đơn vị. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã chủ trì thực hiện ít nhất 1 chương trình, nội dung giám sát/đơn vị.
Hằng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phản biện xã hội ít nhất 5 dự thảo văn bản/5 hội nghị phản biện xã hội. Cấp huyện phản biện xã hội ít nhất 2 dự thảo văn bản/2 hội nghị phản biện xã hội. Cấp xã phản biện xã hội ít nhất 1 dự thảo văn bản.