Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ chứa nước sông Than

Dự án hồ chứa nước sông Than tại huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) có dung tích hơn 85 triệu mét khối. Tổng mức đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ngân sách Trung ương và địa phương hơn 1.040 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án hồ chứa nước sông Than, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) đang trơ trọi do các nhà thầu không bảo đảm tiến độ thi công.
Dự án hồ chứa nước sông Than, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) đang trơ trọi do các nhà thầu không bảo đảm tiến độ thi công.

Khởi công từ tháng 7/2018, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022 nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên tỉnh chấp thuận kéo dài thời gian thi công công trình sang khoảng giữa năm 2023. Tuy nhiên đến nay, các gói thầu số 22 và 23 không đạt khối lượng như đã cam kết.

Quy mô đầu tư xây dựng của dự án gồm: đập chính dài 1.333m; tràn xả lũ; kênh thông hồ; hệ thống điện quản lý vận hành; đường quản lý vận hành chính; đường tránh lòng hồ, đường quản lý vận hành vào hành lang kiểm tra...

Nhà thầu thiếu quyết tâm

Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, Nguyễn Ngọc Thịnh (chủ đầu tư) cho biết: Tỉnh cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường công tác giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng với tổng diện tích hơn 885ha; bồi thường cho 148 hộ dân hơn 405ha đất; đã bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 386ha cho 277 trường hợp; diện tích còn lại gần 20ha của tám hộ chưa nhận tiền bồi thường.

Ngày 17/12/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành Quyết định số 842 về việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác hơn 431ha (trong đó có 112ha rừng phòng hộ) để thực hiện dự án, đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường họp thẩm định. Theo đó, tỉnh Ninh Thuận đã có giải trình việc chuyển đổi đất rừng trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Khởi công từ tháng 7/2018, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022 nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên tỉnh Ninh Thuận chấp thuận kéo dài thời gian thi công công trình hồ chứa nước sông Than sang khoảng giữa năm 2023. Tuy nhiên đến nay, các gói thầu số 22 và 23 không đạt khối lượng như đã cam kết.

Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 5/2023, khối lượng thi công của gói thầu số 22 gồm các hạng mục: đập đất, đập bê-tông, hệ thống điện quản lý vận hành và thi công, thiết bị và các hạng mục phụ trợ phục vụ thi công đập đất và đập bê-tông do Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi trúng thầu, có tổng giá trị là 238/326 tỷ đồng, mới đạt 73% khối lượng công trình.

Cụ thể, tại hạng mục đập đất, thi công đất đắp cao trình khối gia tải thượng lưu và hạ lưu, khối chống thấm đạt khối lượng 976.318m3/1.001.469m3; bê-tông các loại mới đạt hơn 5.000m3/11.556m3. Bê-tông cao trình đập tràn tự do, tràn có cửa, đập bê-tông vai trái mới đạt 53.357m3/71.092m3.

Qua kiểm tra, giám sát, chủ đầu tư khẳng định: Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi thực hiện không đạt khối lượng như cam kết; xe ô-tô tải vận chuyển đất không đáp ứng yêu cầu thi công, thường bị hỏng nhiều, thiếu vật tư thi công bê-tông.

Ông Nguyễn Ngọc Thịnh cho biết: "Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi không thật sự quyết tâm triển khai thi công, mặc dù chủ đầu tư đã gửi nhiều văn bản đôn đốc, tổ chức nhiều cuộc họp và phía nhà thầu đã ký biên bản cam kết đẩy nhanh tiến độ, nhưng đến thời điểm này phần thi công bê-tông vẫn chưa triển khai.

Còn gói thầu số 23 gồm các hạng mục: đập phụ 1, đập phụ 2, kênh thông hồ, đường quản lý và công trình trên đường, đường quản lý vào hành lang, đường tránh ngập lòng hồ,… do Liên danh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Xây dựng Sơn Long Thuận và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thương mại và dịch vụ Trường Thịnh Phát trúng thầu trị giá 37 tỷ đồng. Đến nay, tổng khối lượng giá trị thực hiện mới đạt 25 tỷ đồng.

Trong đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Xây dựng Sơn Long Thuận có thiết bị thi công, nhưng năng lực thực hiện tiến độ không đạt yêu cầu. Riêng Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thương mại và dịch vụ Trường Thịnh Phát đã hoàn thành khối lượng thi công đúng cam kết.

Cần vốn thanh toán hoàn thành dự án

Theo chủ đầu tư, dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.040 tỷ đồng, tính đến ngày 31/12/2022 mới giải ngân 913/986 tỷ đồng, do nhà thầu thực hiện không bảo đảm tiến độ, cho nên khoản vốn đầu tư còn lại trong năm 2023 của dự án không được đưa vào nguồn giải ngân. Từ đó, phát sinh một số khó khăn. Cụ thể, phát sinh chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 18 tỷ đồng.

Đối với vốn còn lại của dự án thì hiện tại Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị thu hồi hơn 73,5 tỷ đồng vốn kéo dài thời gian thực hiện khối lượng công trình (do nhà thầu ứng vốn nhiều nhưng khối lượng thi công không đúng tiến độ, cho nên bị thu hồi).

Tuy nhiên, trước nhu cầu vốn để hoàn thành dự án rất cấp bách, chủ đầu tư có Công văn số 437 đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp để thanh toán giá trị khối lượng còn lại hơn 126 tỷ đồng (trong tổng mức đầu tư và vốn đã thu hồi theo văn bản đề nghị trước đó của Bộ Tài chính).

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có quyết định bố trí 59 tỷ đồng/126 tỷ đồng để các nhà thầu đẩy mạnh nguồn lực thi công. Tuy nhiên, tiến độ dự án vẫn chưa đạt như mong muốn, trong khi mùa mưa đang đến gần.

Được biết trong tháng 3, qua làm việc với chủ đầu tư, hai nhà thầu của gói thầu 22 và 23 đã ký cam kết đến ngày 30/4/2023 sẽ bù khối lượng đã chậm trễ trong thời gian qua, bảo đảm đến ngày 31/8/2023 thi công toàn bộ khối lượng bê-tông đã phê duyệt. Nếu không bảo đảm tiến độ như cam kết thì chủ đầu tư có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng đã ký kết và xử lý theo quy định của pháp luật.

Dự án hồ chứa nước sông Than có vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Thuận, mặc dù Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận kịp thời chỉ đạo giải quyết các vướng mắc tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng, vật liệu đất đắp, tận thu lâm sản, các vấn đề về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng… tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà thầu triển khai thi công, nhiều lần gửi văn bản đôn đốc…

Tuy nhiên, do năng lực thiết bị và nhân lực của các nhà thầu kém, thiếu quyết tâm, thiếu trách nhiệm, khiến cho tiến độ thực hiện dự án giẫm chân tại chỗ, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận và chủ đầu tư cần có biện pháp để xử lý, chấn chỉnh tình trạng này để bảo đảm tiến độ công trình, tránh những hệ lụy do các nhà thầu gây ra, gây bất bình trong dư luận xã hội tại địa phương.