Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021-2030

NDO - Sáng 20/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Cùng dự tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hội nghị này rất quan trọng để các bộ, ngành, địa phương nhận thức được hơn nữa tầm quan trọng của công tác quy hoạch, đặc biệt là công tác lập, thẩm định, phê duyệt các loại quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch hiện đang chậm so tiến độ đề ra.

Đây cũng là cơ hội để chúng ta rà soát các công tác, các nhiệm vụ đã làm được, chưa làm được; những khó khăn, vướng mắc, nhất là các công việc, nhiệm vụ quy hoạch mà Quốc hội, Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương.

Việc triển khai Luật Quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ nhiệm kỳ XV và các bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển phát triển kinh tế-xã hội 10 năm đã được Đảng và Quốc hội thông qua để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Thời gian qua, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã dành nhiều thời gian, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, nhất là thể chế, cơ chế, chính sách trong triển khai Luật Quy hoạch, quy hoạch quốc gia, quy hoạch các vùng. Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 61/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành ngay Nghị quyết số 108/NQ-CP, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương rà soát, xây dựng và bám sát thực hiện theo lộ trình, tiến độ và kế hoạch cụ thể đối với từng giai đoạn của quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch theo nhiệm vụ được phân công.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc triển khai lập quy hoạch đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt tiến độ lập quy hoạch đang bị chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Qua báo cáo cho thấy, số lượng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới đến hôm nay đạt trên 16%, số lượng quy hoạch còn lại mà các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành trong năm 2023 là rất lớn.

Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021-2030 ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Để đẩy nhanh tiến độ và tăng cường chất lượng lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, tại hội nghị này, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung báo cáo và thảo luận những nội dung sau:

Một là, tiếp tục đánh giá kết quả công tác quy hoạch; rà soát, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, nhất là những vấn đề, vướng mắc từ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan quy hoạch.

Hai là, kết quả việc thực hiện nhiệm vụ rà soát, sửa đổi hoặc ban hành mới các văn bản pháp luật liên quan công tác quy hoạch theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26/8/2022 của Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội.

Ba là, tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhất là chất lượng của các quy hoạch bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tổng thể quốc gia; những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân.

Bốn là, kiến nghị các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế và tổ chức thực hiện; xem xét, đề xuất điều chỉnh và cam kết về tiến độ lập, thẩm định, trình phê duyệt các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, qua đó đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch và nâng cao chất lượng quy hoạch, phấn đấu hoàn thành trong năm 2023.

Năm là, dự kiến sau hội nghị, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đề nghị các đại biểu có ý kiến cụ thể với dự thảo Chỉ thị.

Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021-2030 ảnh 2

Quang cảnh hội nghị.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ, tâm huyết, đóng góp ý kiến chất lượng, đánh giá lại các nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, nhất là làm rõ tại sao quy hoạch chậm, từ đó phải đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, từ đó thực hiện khả thi, khi tổ chức thực hiện phải có hiệu quả, "cân, đong, đo, đếm" được.

* Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với việc lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch thời kỳ 2021-2030: Đến thời điểm hiện tại đã có 58/111 quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã thẩm định xong (trong đó 18/111 quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; 8/111 quy hoạch đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét nhưng chưa được phê duyệt; 32/111 quy hoạch đã thẩm định xong và đang trong quá trình hoàn thiện); 16/111 quy hoạch đang được thẩm định; 29/111 quy hoạch đang trong quá trình xây dựng dự thảo và lấy ý kiến; 7/111 quy hoạch đang lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch và 1/111 quy hoạch chưa thực hiện do không đủ điều kiện.

Đánh giá chung về kết quả đạt được: Hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch từng bước được hoàn thiện để triển khai công tác lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch, trong đó Nghị quyết số 61/2022/QH15 và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 108/NQ-CP có ý nghĩa quan trọng, tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc.

Việc đổi mới tư duy, nhận thức quản lý nhà nước về quy hoạch, đặc biệt là việc tích hợp quy hoạch và giảm bớt số lượng quy hoạch đã tăng hiệu lực và tính thống nhất của quản lý nhà nước; tăng cường phân cấp; xóa bỏ các rào cản và điều kiện kinh doanh không cần thiết; tăng cường thu hút đầu tư và bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Cùng sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tiến độ quy hoạch đã được đẩy nhanh hơn, chất lượng quy hoạch từng bước được nâng cao hơn; đặc biệt, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội thông qua có ý nghĩa quan trọng trong việc định hình không gian phát triển dài hạn của đất nước; là cơ sở để các ngành, các vùng, các địa phương triển khai lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 bảo đảm thống nhất, đồng bộ.

Việc đổi mới tư duy, nhận thức quản lý nhà nước về quy hoạch, đặc biệt là việc tích hợp quy hoạch và giảm bớt số lượng quy hoạch đã tăng hiệu lực và tính thống nhất của quản lý nhà nước; tăng cường phân cấp; xóa bỏ các rào cản và điều kiện kinh doanh không cần thiết; tăng cường thu hút đầu tư và bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Nội dung quy hoạch thời kỳ 2021-2030 ngày càng chú trọng hơn về tính đa ngành, lĩnh vực, sự liên kết liên ngành, liên tỉnh và đã áp dụng công nghệ mới, tiên tiến vào công tác quy hoạch, góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch…

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh về một số khó khăn, thách thức trong công tác quy hoạch, đó là: tư vấn quy hoạch phải bảo đảm chất lượng, bám sát tình hình của các bộ, ngành, địa phương. Tư vấn rất thông thạo, nhất tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm về công tác quy hoạch, nhưng họ cũng có khó khăn trong tiếp cận các thông tin, nghiên cứu các dữ liệu, kinh nghiệm làm với Việt Nam.

Một khó khăn nữa là vấn đề kinh phí lập quy hoạch. Vừa qua có những quy định chưa hợp lý, chúng ta làm thận trọng quá, nhất là quy định không được dùng kinh phí của nhà tài trợ; đó còn là vướng mắc về vấn đề thẩm định đòi hỏi phải đổi mới, cải cách để nhanh hơn, chất lượng hơn.

Đối với một số vấn đề liên quan pháp lý, chúng ta phải tiếp tục đánh giá và đề xuất, tiếp tục cụ thể hóa, thẩm quyền thuộc Chính phủ thì Chính phủ thực hiện, thuộc các bộ, ngành thì các bộ, ngành làm; thẩm quyền thuộc Quốc hội thì phải báo cáo Quốc hội. Vấn đề là phải có báo cáo thuyết phục, giải trình cặn kẽ, bảo đảm khả thi...

Về bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh cần phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, tập trung; sự đồng tình, vào cuộc của các chủ thể liên quan, nhất là HĐND các cấp.

Đây là sự nỗ lực, cố gắng của UBND các cấp, nhất là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải tập trung công sức, sát sao, tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc; nhất là chú ý tháo gỡ khó khăn cho tư vấn.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải phối hợp chặt chẽ, cùng các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn với tinh thần tất cả phải nỗ lực, coi nhiệm vụ lập quy hoạch là nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm 2023.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa Nghị định 37/2019/NĐ-CP phù hợp tình hình, nhiều nội dung phải sửa trong tháng này, cố gắng làm nhanh nhất theo thủ tục rút gọn.

Các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và khẩn trương khắc phục các hạn chế, yếu kém; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tập trung cao độ chỉ đạo để thực hiện tốt công tác quy hoạch bảo đảm chất lượng, tiến độ theo nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26/8/2022.

Các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương tăng cường sự phối hợp và chia sẻ thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, thống nhất trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện định hướng quy hoạch và thực hiện chính sách liên quan, bảo đảm sự đồng bộ của các cấp quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; bố trí nguồn lực, đề xuất các cơ chế chính sách để thực hiện hiệu quả các mục tiêu quy hoạch, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng bộ, ngành và địa phương.

Thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ nâng cao năng lực của cán bộ trong công tác lập, thẩm định, thực hiện và quản lý quy hoạch.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải phối hợp chặt chẽ, cùng các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn với tinh thần tất cả phải nỗ lực, coi nhiệm vụ lập quy hoạch là nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm 2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Theo Thủ tướng, cần lập tổ công tác do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách để làm tốt, dứt điểm công tác lập quy hoạch; rà soát, đổi mới công tác của Hội đồng thẩm định quy hoạch; cả Trung ương và địa phương cần phải vào cuộc, đổi mới cách làm.

Các bộ cho ý kiến đúng thời hạn đối với các quy hoạch, ý kiến thẩm định quy hoạch, ý kiến rà soát quy hoạch đúng thời hạn tại văn bản xin ý kiến của bộ, ngành, địa phương, Hội đồng thẩm định theo quy định của pháp luật về quy hoạch; phải xây dựng các quy định bảo vệ những người dám nghĩ, dám nói, dám làm.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tiếp tục hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh liên quan bố trí không gian phát triển theo quy hoạch để phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.

Vấn đề quan trọng nhất là đất đai phải được sử dụng hiệu quả, khả thi, không được để “treo” quy hoạch, không để người dân bức xúc.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các bộ, ngành và địa phương liên quan theo dõi, đôn đốc và kiểm tra tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26/8/2022; tiếp tục vận hành Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ hiệu quả cho công tác lập, thẩm định, quản lý quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch; các địa phương chủ động xử lý các vấn đề liên quan quy hoạch tích cực, mạnh mẽ, tích cực, quyết liệt hơn.

Chia sẻ với các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vì công việc nhiều, tính chất phức tạp, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ trưởng phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với nhau, không câu nệ khó khăn, ưu tiên giải quyết cho 2 thành phố các ách tắc liên quan phát triển, nhất là liên quan công tác quy hoạch...