Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi

Bài 2: Cần giải pháp bền vững

Các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm phía nam đang quyết tâm tìm giải pháp khắc phục những rào cản, hạn chế, đồng thời, tập trung nguồn lực xây dựng các chuỗi sản xuất đạt yêu cầu an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của quốc tế nhằm khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng của từng địa phương, tạo đòn bẩy giúp xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi tăng trưởng mạnh mẽ.

Chế biến thịt gà xuất khẩu của Công ty cổ phần CPV Food Bình Phước, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. (Ảnh HỒ BÁ SƠN)
Chế biến thịt gà xuất khẩu của Công ty cổ phần CPV Food Bình Phước, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. (Ảnh HỒ BÁ SƠN)

Nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam cho biết: Ngành chăn nuôi tỉnh bước đầu chuyển từ nông hộ sang trang trại nên việc ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế; việc liên kết sản xuất và tiêu thụ chưa thật sự bền vững; địa phương cũng thiếu các cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là các cơ sở chế biến sâu phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc phụ thuộc lớn vào một thị trường cũng như không am hiểu yêu cầu của nước nhập khẩu; một số hộ nông dân sản xuất theo phong trào, tạo nguy cơ dư thừa nguồn cung… là những nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân cho biết: Vẫn còn rất khó khăn cho nông dân để xuất khẩu động vật và sản phẩm từ động vật như: Giá thành sản xuất sản phẩm chăn nuôi còn cao, sản phẩm chưa đồng đều cho nên thiếu tính cạnh tranh để xuất khẩu; chăn nuôi nhỏ lẻ còn đan xen với chăn nuôi tập trung, nguy cơ dịch bệnh nhất là các bệnh mới luôn là mối đe dọa đối với chăn nuôi và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Việc xuất khẩu tiểu ngạch, giúp đa dạng hóa nguồn tiêu thụ nhưng tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh qua con đường vận chuyển. Tỉnh Tây Ninh chưa thu hút được các tập đoàn, doanh nghiệp về giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm có năng lực làm nhiệm vụ dẫn dắt toàn bộ hoạt động chuỗi giá trị chăn nuôi từ khâu giống, thức ăn, thuốc thú y nên chưa có sản phẩm thịt gia súc, gia cầm xuất khẩu chính ngạch.

Thực tế này, tỉnh Tây Ninh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nghiên cứu các giải pháp kéo giảm giá thức ăn chăn nuôi để giảm giá thành chăn nuôi, tăng sức cạnh tranh; giới thiệu các doanh nghiệp có kinh nghiệm thực hiện chuỗi giá trị chăn nuôi đầu tư tại tỉnh.

Chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xuất khẩu động vật và sản phẩm từ động vật, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho rằng, nguồn lực dành cho quản lý chăn nuôi, thú y còn nhiều hạn chế; một số công ty chưa có chiến lược phát triển hướng đến xuất khẩu, các trang trại chăn nuôi chưa được tổ chức sản xuất bài bản, khoa học, thiếu an toàn và bền vững cho nên các sản phẩm chăn nuôi của các công ty, các trang trại thiếu đồng nhất…

Tỉnh Bình Phước đề nghị Cục Thú y, các đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh cho các địa phương; tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, nghiệp vụ quản lý, thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm từ động vật.

Cục Chăn nuôi sớm xây dựng và triển khai phần mềm, ứng dụng công nghệ số trong quản lý chăn nuôi từ cơ sở đến cấp tỉnh, Trung ương, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương. Hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu tìm kiếm, đàm phán các thị trường nhập khẩu; thường xuyên cập nhật các yêu cầu, quy định của các nước nhập khẩu đối với các động vật và sản phẩm động vật. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đặt mục tiêu sản lượng động vật và sản phẩm động vật xuất khẩu theo giai đoạn, trong đó chỉ ra các công việc phải làm và thực hiện theo đúng lộ trình đã đề ra. Xây dựng các chương trình, dự án, kế hoạch xuất khẩu có tính chiến lược; đồng thời quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm chăn nuôi có thế mạnh để mở rộng thị trường xuất khẩu…

Đại diện Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, đàm phán với các nước, Cục Thú y cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Với khó khăn trong xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, theo quy định của OIE (Bộ luật về động vật trên cạn của Tổ chức Thú y thế giới) và các nước nhập khẩu, sản phẩm động vật xuất khẩu phải có nguồn gốc từ cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh. Hiện, Cục Thú y đang xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm theo tiêu chuẩn của OIE. Một trong các biện pháp để đạt được an toàn dịch bệnh là tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm nuôi. Tuy nhiên, một số nước nhập khẩu không cho phép sử dụng vắc-xin phòng bệnh (thí dụ EU không cho phép sử dụng vắc-xin lở mồm long móng; Nhật Bản chỉ cho phép sử dụng vắc-xin cúm gia cầm và Niu-cát-xơn trên đàn gia cầm giống, không được phép sử dụng vắc-xin cho đàn gia cầm thịt…).

Việc đáp ứng yêu cầu không tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm thịt có thể ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh.

Cũng theo đại diện Cục Thú y, hiện nước ta đã đàm phán để mở cửa thị trường cho sản phẩm thịt gà chế biến của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản, Hồng Công (Trung Quốc) và năm nước thuộc Liên minh kinh tế Á-Âu.

Số liệu xuất khẩu cho thấy, mặc dù việc đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu thịt gà chế biến đều dựa trên nhu cầu, đề nghị của các doanh nghiệp, quá trình đàm phán rất khó khăn, mất rất nhiều thời gian, công sức nhưng các doanh nghiệp chưa tận dụng tối đa cơ hội đối với các thị trường đã mở cửa này. Doanh nghiệp chỉ quan tâm xuất khẩu khi giá gia cầm trong nước giảm mạnh, lượng gia cầm ùn ứ nhiều. Có nhiều thị trường đã mở cửa nhưng doanh nghiệp không thực hiện xuất khẩu dẫn đến giấy phép xuất khẩu bị hết hạn, rất lãng phí công sức đàm phán mở cửa thị trường…

Giải pháp bền vững

Để thúc đẩy phát triển chăn nuôi phục vụ xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai Trần Lâm Sinh cho biết: Tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người chăn nuôi trong xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; ưu tiên các dự án đầu tư theo trang trại quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với sơ chế, chế biến sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh chế biến sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng; phát triển chăn nuôi toàn diện, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tỉnh Bình Phước đặt kế hoạch tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi giai đoạn 2021-2025 hơn 15%/năm, giai đoạn 2026-2030 hơn 8%/năm. Tỉnh cũng quy hoạch xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đến năm 2025 xây dựng ít nhất bảy vùng cấp huyện; đến năm 2030 ít nhất 10 vùng cấp huyện. Hoàn thiện ít nhất hai nhà máy giết mổ, chế biến thịt gia súc, gia cầm và đưa sản phẩm chế biến xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Tầm nhìn đến năm 2045, trình độ và năng lực sản xuất ngành chăn nuôi của tỉnh thuộc nhóm tiên tiến của các tỉnh khu vực Nam Bộ và cả nước, trở thành trung tâm chăn nuôi, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi tiên tiến, hiện đại của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Trần Văn Phương cho biết: Kế hoạch này nhằm mục đích phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững gắn với phát triển các chuỗi giá trị; nâng cao giá trị gia tăng; bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh, môi trường và an toàn thực phẩm; đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh khẳng định, Tây Ninh xem đột phá về nông nghiệp công nghệ cao là một trong bốn đột phá của tỉnh trong thời gian tới. Để phục vụ nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh đã dành ra quỹ đất khoảng 2.000 ha. Đồng thời, có những chính sách ưu đãi về đầu tư, giống, hỗ trợ kinh phí, lãi suất và chuyên môn... nhằm mời gọi các nhà đầu tư sản xuất, xuất khẩu gia súc, gia cầm…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, việc nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi ở Việt Nam nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng là vấn đề rất cần được quan tâm.

Bên cạnh việc kết nối thông tin giữa cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, hiệp hội để tìm ra các giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật, góp phần không ngừng nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương sẵn sàng tham gia dự án Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật theo tiêu chuẩn của OIE, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời, tỉnh đề nghị xem xét bổ sung hai dự án của tỉnh Bình Dương vào danh mục dự án kêu gọi FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2021-2025.

Sắp tới, tỉnh Bình Dương tiếp tục mời gọi đầu tư FDI vào nông nghiệp theo hướng doanh nghiệp hỗ trợ nông dân về kỹ thuật canh tác, chăn nuôi, qua đó thiết lập mối quan hệ giữa nhà đầu tư nước ngoài với nông dân nhằm giúp chăn nuôi phát triển bền vững hơn.

Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, năm 2021, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật và thức ăn chăn nuôi mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng vẫn tăng trưởng ở mức cao cả về số lượng và kim ngạch (đạt hơn 1,5 tỷ USD); trong đó, có phần đóng góp quan trọng của ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật chưa tương xứng với tiềm năng của ngành chăn nuôi Việt Nam.

Để thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật có tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, nhất là các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế trong chăn nuôi, tạo điều kiện thúc đẩy việc sản xuất và xuất khẩu với mục tiêu nâng cao giá trị trong thời gian tới, Bộ sẽ hỗ trợ các địa phương triển khai quyết liệt và đồng bộ việc chuyển đổi số vào chăn nuôi, ứng dụng công nghệ cao nhằm tiết kiệm chi phí; đẩy mạnh chăn nuôi gắn với chế biến để tăng năng suất và chất lượng xuất khẩu; chú trọng công tác xúc tiến thương mại một cách quyết liệt hơn; hỗ trợ việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh tại địa phương; lưu ý đề án chọn con giống, đề án thức ăn, đề án chế biến và giết mổ, đề án xử lý môi trường và thiết bị chuồng nuôi…