Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW để nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế rừng

NDO - Sáng 9/5, tại tỉnh Lào Cai, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tỉnh ủy Lào Cai tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, tại Lào Cai, ngày 9/5.
Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, tại Lào Cai, ngày 9/5.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết Chỉ thị 13-CT/TW Trần Tuấn Anh dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có đại diện Ủy ban Dân tộc; Bộ Công an; lãnh đạo các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ; các sở, ban, ngành của tỉnh Lào Cai.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 13-CT/TW đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức và nhân dân trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng ở các tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ cũng như cả nước.

Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW để nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế rừng ảnh 1
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết Chỉ thị 13-CT/TW Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: QUỐC HỒNG)

Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung. Duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42%; năng suất, chất lượng rừng đã được nâng cao, dần đáp ứng yêu cầu về cung cấp nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng, phòng hộ và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng đồ gỗ và lâm sản liên tục tăng mạnh, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho hàng triệu người tham gia các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn một số hạn chế. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, nhất là rừng tự nhiên ở các khu vực giáp ranh vẫn còn có nơi diễn ra phức tạp. Các vụ việc chống người thi hành công vụ bảo vệ rừng tiếp tục diễn ra gay gắt với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Công tác phát triển kinh tế lâm nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương; sản phẩm gỗ rừng trồng chưa đa dạng, giá trị gia tăng còn thấp; ứng dụng khoa học-công nghệ trong phát triển lâm nghiệp, phát triển các mô hình sản xuất lâm nghiệp tổng hợp còn hạn chế.

Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW để nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế rừng ảnh 2

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: QUỐC HỒNG)

Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của cấp ủy, chính quyền một số nơi về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn chưa đầy đủ, thiếu thống nhất. Việc đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế; các quy định hiện hành chưa có chính sách đãi ngộ, thu hút đối với lực lượng bảo vệ rừng; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa cao…

Tại Hội nghị, đại biểu các Bộ, ban, ngành, các địa phương đã tham luận nêu lên những kết quả đã đạt được sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 13 cũng như những tồn tại, khó khăn trong quá trình triển khai; đề xuất, kiến nghị với Đảng, Chính phủ sớm có những giải pháp tháo gỡ trong quá trình triển khai công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại cơ sở.

Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW để nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế rừng ảnh 3

Lực lượng Kiểm lâm là nòng cốt trong quản lý và bảo vệ rừng ở các địa phương. (Ảnh: QUỐC HỒNG)

Tỉnh Lào Cai kiến nghị 6 vấn đề nổi lên cần tháo gỡ và 8 giải pháp để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 13 của Trung ương. Trong đó, tập trung vào việc giao, cấp đất lâm nghiệp; thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng; thủ tục thuê dịch vụ môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái; việc trồng rừng thay thế...

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong triển khai Chỉ thị số 13-CT/TW của các địa phương vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Đồng chí đề nghị các Bộ, ban ngành Trung ương, các địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung, ban hành mới chương trình, kế hoạch, đề án để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW hiệu quả; quan tâm nghiên cứu, xây dựng quy hoạch, quản lý quy hoạch bài bản, hiệu quả.

Đồng thời, tập trung xử lý các vấn đề nóng, tồn đọng trong thực tiễn cuộc sống, có các giải pháp căn cơ để duy trì và nâng cao bền vững tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn, đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp. Thực hiện phát triển rừng bền vững, gắn phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai, đất quy hoạch lâm nghiệp. Thực hiện tốt các giải pháp về an sinh xã hội, tạo việc làm bền vững cho người dân khu vực có rừng.

Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW để nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế rừng ảnh 4

Trồng rừng thay thế nương rẫy ở huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: QUỐC HỒNG)

Đối với khu vực rừng có chung đường biên giới với các nước bạn, cần có cơ chế, chính sách để các địa phương hoàn thành tốt chức năng đa mục tiêu về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; chống buôn lậu, gian lận thương mại; bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền lãnh thổ quốc gia; thúc đẩy mở rộng đối ngoại, hợp tác quốc tế.