Đẩy mạnh sản xuất lâm sản ngoài gỗ

Trong những năm qua, phát triển lâm sản ngoài gỗ đã tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân sống bằng nghề rừng. Tuy nhiên, cho đến nay, lâm sản ngoài gỗ vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, thiếu chính sách quản lý và quy hoạch phù hợp để góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội hiệu quả, bền vững…
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xã Thanh An, huyện Điện Biên (Điện Biên) chăm sóc cây trồng mắc-ca.
Người dân xã Thanh An, huyện Điện Biên (Điện Biên) chăm sóc cây trồng mắc-ca.

Có mặt tại khu rừng dẻ tại thành phố Chí Linh (Hải Dương), chúng tôi gặp nhiều hộ dân ở đây đang thu hoạch hạt dẻ. Chị Nguyễn Thị Lâm ở khu dân cư Phú Lợi, phường Bến Tắm cho biết, năm nay vụ dẻ đến muộn hơn. Gia đình chị nhận khoán hơn 3ha rừng dẻ. Năm ngoái, với diện tích này, gia đình chị thu hoạch khoảng gần một tấn hạt dẻ. Với giá bán từ 25 đến 30.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình có thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Số tiền không lớn, nhưng cùng với các khoản thu nhập khác từ rừng, gia đình chị đã có thể yên tâm sống với nghề làm rừng-một nghề từng gắn bó với nhiều thế hệ gia đình chị.

Nâng cao giá trị kinh tế rừng

Trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hải Dương Phạm Hồng Hải được biết, toàn tỉnh hiện có hơn 11.000 ha diện tích lâm nghiệp, trong đó có khoảng 6.000ha rừng đặc dụng và phòng hộ, 4.900ha rừng sản xuất. Riêng dẻ là 1.000ha, gồm 466ha diện tích dẻ thuần loài và 547ha rừng dẻ hỗn hợp. Đối với diện tích rừng dẻ, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang tham mưu đề nghị UBND tỉnh đưa vào diện bảo tồn nhằm bảo vệ nguồn gien và phát triển giá trị kinh tế đặc hữu.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, một số diện tích rừng dẻ thuần loài đã có hơn 50 năm tuổi, một số diện tích khác thuộc diện tái sinh, phân bố rải rác tại các xã Bắc An, Hoàng Hoa Thám, Hoàng Tiến, Bến Tắm và Hưng Đạo. Hằng năm vào tháng 8, 9 âm lịch, người dân các xã bước vào vụ thu hoạch dẻ. Với sản lượng bình quân khoảng 200 tấn hạt dẻ, hàng trăm hộ dân nhận khoán rừng có thu nhập hơn 5 tỷ đồng mỗi năm. Đây là nguồn thu đáng kể, tăng thêm thu nhập cho người dân, từ đó góp phần nâng cao ý thức cộng đồng xã hội trong quản lý, bảo vệ rừng của địa phương.

Cũng như với cây dẻ tại tỉnh Hải Dương, nhiều địa phương có rừng khác đang tập trung khuyến khích, phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ, một mặt thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, mặt khác góp phần bảo vệ hiệu quả rừng tự nhiên và môi trường sinh thái. Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện cả nước có khoảng 7.000 loài lâm sản ngoài gỗ có giá trị.

Trong số khoảng 12.000 loài thực vật bậc cao, nước ta hiện có tới 216 loài tre nứa, 56 loài song mây, 5.000 loài cây dược liệu, 458 loài có tinh dầu, 473 loài chứa dầu nhựa, 113 loài cây cho chất thơm, 800 loài cho tanin, 93 loài chứa chất làm thuốc nhuộm, 800 loài lan và hàng trăm loài làm thực phẩm. Trong số các loài lâm sản ngoài gỗ phải kể đến những cây dược liệu quý (sâm, diệp hạ châu, tam thất, ba kích…), cây lấy hạt (mắc-ca, dẻ), cây tinh dầu (quế, tràm, bạc hà) và hàng nghìn loại cây tre, song, mây… mang lại giá trị kinh tế to lớn. Tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ hiện có hơn 130.000ha quế và 128.200ha luồng. Riêng cây luồng, sản lượng khai thác ước khoảng 2,5 triệu tấn/năm.

Còn tại tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn và Quảng Ninh có gần 70.000ha hồi với sản lượng khoảng 24.200 tấn quả khô/năm. Đặc biệt, gần đây nhờ chủ trương phát triển diện tích trồng các loài cây dưới tán rừng, nhiều địa phương có rừng ở các tỉnh miền núi có xu hướng phát triển mạnh các cây thảo dược, mang lại hiệu quả kinh tế cao, như thảo quả tập trung ở các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang; sa nhân tập trung ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Giang; ba kích ở các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ; sâm ở Lai Châu, Lào Cai và các loài cây dược liệu khác ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu; huyền sâm ở Hòa Bình; địa liền ở Bắc Giang, Quảng Ninh; ý dĩ ở Sơn La;… Từ đó đã hình thành nên nhiều vùng chuyên canh một số loài cây lâm sản ngoài gỗ để cung cấp nguyên liệu cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu…

Quy hoạch để phát triển bền vững

Theo đánh giá của các chuyên gia, lợi ích từ sản xuất phát triển lâm sản ngoài gỗ mang lại giá trị và hiệu quả kinh tế cao gấp 3-5 lần so với trồng trọt cây nông nghiệp và cây lấy gỗ. Giá trị kinh tế cao thu được từ các loại cây trồng này đã khuyến khích nông dân, các tổ chức đầu tư phát triển. Hơn nữa, nguồn cung cấp sản phẩm lâm sản ngoài gỗ ngày càng hạn chế, nhất là một số sản phẩm dược liệu đặc hữu đang trở thành một lợi thế để thu hút các doanh nghiệp quan tâm đầu tư.

Bên cạnh đó, điều kiện tự nhiên (địa hình, khí hậu, đất đai) phù hợp cũng tạo nhiều thuận lợi để các địa phương, nhất là các tỉnh có rừng ở khu vực miền núi tập trung đầu tư phát triển lâm sản ngoài gỗ, đáp ứng nhu cầu cung cấp nguyên liệu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nhiều năm qua, Chính phủ và các ngành cũng đã quan tâm, chú ý phát triển lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao, góp một phần phát triển kinh tế-xã hội.

Lâm sản ngoài gỗ Việt Nam hiện xuất khẩu tới gần 90 nước và vùng lãnh thổ, đem lại nguồn thu khoảng 400-500 triệu USD mỗi năm. Cùng với đó, khai thác, chế biến lâm sản ngoài gỗ cũng đã thu hút, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, chủ yếu là ở nông thôn, miền núi, góp phần đáng kể vào xóa đói, giảm nghèo ở các địa phương có rừng. Tuy vậy, việc phát triển lâm sản ngoài gỗ hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, còn mang tính tự phát, thiếu tính liên kết bền vững.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, để phát triển kinh tế rừng nói chung và lâm sản ngoài gỗ nói riêng cần tăng cường dự báo thị trường làm cơ sở cho quy hoạch phát triển đa dạng các sản phẩm, tránh cung vượt cầu, năng suất, chất lượng không bảo đảm.

Các địa phương cần quy hoạch và triển khai quy hoạch vùng gây trồng một cách tổng thể, khoa học, hợp lý, cụ thể để tạo vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa sản phẩm lâm sản ngoài gỗ đủ đáp ứng theo nhu cầu thị trường; nghiên cứu, chọn tạo, phát triển và cung cấp giống có chất lượng và quản lý, kiểm soát tốt nguồn giống; tập trung đầu tư nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các địa phương phải cải thiện các mối quan hệ thương mại, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thông qua việc đa dạng hóa sản phẩm, mẫu mã; đa dạng hóa khách hàng, tìm đối tác có nhu cầu mua lớn, ổn định; các sản phẩm phải có các chứng nhận sản phẩm được thế giới công nhận. Phát triển sản xuất lâm sản ngoài gỗ trên cơ sở mô hình liên kết chuỗi giá trị để có thể cung cấp sản phẩm chất lượng cao với giá tốt, đem lại lợi ích cho tất cả các tác nhân trong chuỗi.

Bảo đảm sự nhất quán về nguồn cung sản phẩm cũng như chất lượng theo tiêu chuẩn, yêu cầu của khách hàng; xây dựng và phát triển tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã về sản xuất, chế biến lưu thông...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng đề án "Phát triển vùng nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ đến năm 2030" trình Chính phủ ban hành, trong đó tổ chức thực hiện phát triển vùng nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ phục vụ cho sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Nội dung tập trung vào phát triển một số trung tâm nguyên liệu tập trung lớn cho sản xuất các sản phẩm chủ lực. Đây sẽ là tiền đề quan trọng, tạo động lực phát triển lâm sản ngoài gỗ tại các địa phương theo quy hoạch, có định hướng phù hợp, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển ổn định, bền vững...