Theo Đại tá Trần Văn Mười, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, tỉnh có hơn 1,5 triệu người với 35 dân tộc. Trong đó, có 34 dân tộc thiểu số với 104.066 khẩu/25.665 hộ chiếm hơn 8% dân số.
Trên địa bàn tỉnh có 8 tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam, Baha'i, Hồi giáo Bàni và Bàlamôn với 434.153 tín đồ, chiếm 34,75% dân số toàn tỉnh với 517 cơ sở tôn giáo, với 1.238 chức sắc và 1.628 chức việc.
Ban Chỉ đạo đã xây dựng phong trào toàn dân triển khai thực hiện Chỉ thị số 09 như “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xóa đói giảm nghèo”… đã góp phần bảo đảm an ninh trật tự, phục vụ việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Nhiều người tham dự hội nghị. |
Ban Chỉ đạo tổ chức 24 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho hơn 688 chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Tại nhiều nơi, các chức sắc đã lồng ghép trong các buổi sinh hoạt tôn giáo để tuyên truyền, giáo dục cho quần chúng tín đồ về chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự. Tổ chức 16.075 lượt tuyên truyền với hơn 1,4 triệu lượt cán bộ, hội viên, người lao động, học sinh, sinh viên và tín đồ các tôn giáo nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của phần tử xấu lợi.
Quang cảnh hội nghị. |
Nhờ vậy, hằng năm, có hơn 85% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”; các tín đồ đã phát hiện, cung cấp 3.719 nguồn tin có giá trị giúp lực lượng công an điều tra, làm rõ 1.207 vụ, bắt giữ 1.347 đối tượng; thu giữ 1.458 các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, các loại hung khí tự chế. Đồng thời, các tín đồ cung cấp thông tin, hỗ trợ lực lượng công an bắt 53 đối tượng có lệnh truy nã.
Các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào ở vùng đồng bào tôn giáo đã mang tính xã hội hóa cao, như mô hình “Giáo xứ phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Giáo xứ an toàn-đoàn kết-văn hóa” tại Hàm Thuận Bắc; “Giáo họ tự quản, tự phòng về an ninh, trật tự” tại Hàm Thuận Bắc, La Gi”; “Chi hội Tin lành không có thanh niên vi phạm pháp luật” tại huyện Đức Linh; “Giáo xứ không có thanh niên vi phạm pháp luật” tại Giáo xứ Tư Tề, huyện Đức Linh; “Phật tử tham gia đảm bảo an ninh trật tự” tại huyện Tánh Linh.
Đại tá Trần Văn Mười, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận phát biểu tại hội nghị. |
Ban Chỉ đạo đã xây dựng, nhân rộng các mô hình để phát huy vai trò của các chức sắc, người có uy tín trong việc vận động tín đồ chấp hành các quy định của pháp luật như mô hình “Chức sắc Bàlamôn giáo tham gia giữ gìn an ninh, trật tự tại xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình; “Chức sắc, nhân sĩ trí thức, người có uy tín tham gia giữ gìn an ninh, trật tự” tại huyện Bắc Bình; “Cán bộ và chức sắc Bàlamôn thôn Lâm Thuận xung kích phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật” tại huyện Hàm Thuận Bắc.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chúc Tết người Chăm
Theo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Thuận, đơn vị phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, các tôn giáo ký kết tham gia bảo vệ môi trường. Đơn cử, Tòa Giám mục Giáo phận Phan Thiết kêu gọi các gia đình công giáo xây hố lắng lọc để xử lý nước thải trước khi thải ra sông suối; phân loại rác trong khuôn viên xứ đạo và gia đình tín đồ; sử dụng năng lượng tái tạo; Trung tâm Thánh mẫu Tà Pao thông điệp kêu gọi khách hành hương nâng cao ý thức và chung tay bảo vệ môi trường.
Ban Đại diện Hội thánh Tin lành Việt Nam xây hỗ trợ nhà vệ sinh tự hoại cho hộ nghèo; giếng nước sạch, bể nước công cộng; trồng rau sạch, chăn nuôi gia súc, gia cầm sạch, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật. Ban Đại diện Hội thánh Cao đài tỉnh Bình Thuận thường xuyên vận động tín hữu dọn dẹp đường phố, xóa bỏ các chất thải trên các tuyến đường và khu dân cư, chung quanh các cơ sở thờ tự; vận động mọi người dân không đốt giấy tiền vàng mà trong các cuộc lễ tang, tảo mộ và cúng giỗ…
Đại tá Trần Văn Mười tặng Bằng khen cho các chức sắc. |
Bà La Thị Bích Hòa, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết, trong thời gian tới, Ban tiếp tục nắm tình hình tín ngưỡng, đời sống văn hóa của đồng bào các tôn giáo để hiểu rõ nhu cầu và nguyện vọng của đồng bào. Đơn vị tham mưu Ban Thường vụ chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp và phối hợp với các tổ chức tôn giáo trực thuộc nghiên cứu, nhân rộng các mô hình tự quản về an ninh trật tự phù hợp với đặc điểm, tính chất, phong tục, tập quán từng địa phương trong các tôn giáo.
Phát huy tối đa việc vận dụng các trang mạng xã hội để tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào tôn giáo thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Theo Đại tá Trần Văn Mười, thông qua các hoạt động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã tạo mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa các tổ chức tôn giáo với cấp ủy, chính quyền các cấp. Các thế lực thù địch, phản động tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá, kích động chia rẽ dân tộc, tôn giáo, trong khi tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Do đó phải nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa lực lượng công an với Ban Tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể với các cơ sở tôn giáo nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của khối đoàn kết toàn dân. Ban Chỉ đạo đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền pháp luật, vận động tín đồ các tôn giáo.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện để hàng ngũ chức sắc, chức việc, người có uy tín đóng góp khả năng, trí tuệ cho công tác bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở, vận động tín đồ tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, giữ vững an ninh trật tự để phát triển kinh tế-xã hội.