Đẩy mạnh phát triển xuất khẩu điều vào những thị trường trọng điểm

NDO - Theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) thị trường hạt điều toàn cầu sẽ tăng trưởng bình quân 4,6% trong giai đoạn 2022-2027. Mặc dù vậy, ở giai đoạn hiện nay, cũng giống như nhiều mặt hàng khác xuất khẩu điều đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức đặc biệt là những ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra.
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường hạt điều toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng bình quân 4,6% trong giai đoạn 2022-2027. (Ảnh: TTXVN)
Thị trường hạt điều toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng bình quân 4,6% trong giai đoạn 2022-2027. (Ảnh: TTXVN)

Xuất khẩu điều đối mặt với nhiều khó khăn thách thức

Theo số liệu Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong tháng 7/2022 giảm 3,2% về lượng và giảm 8,7% về trị giá so với tháng 6/2022, so với tháng 7/2021 giảm 17,5% về lượng và giảm 26,1% về trị giá. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt điều đạt 294 nghìn tấn, trị giá 1,76 tỷ USD, giảm 10,5% về lượng và giảm 12,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Những ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 kéo theo giá cước vận chuyển tăng khiến cho nhiều đơn hàng đã ký kết trong năm 2021 nhưng vẫn không giao được, phải tồn đọng sang năm 2022.

Đáng chú ý, mặc dù giá xuất khẩu bình quân đạt khoảng 5.792 USD/tấn, tăng 1,45% so với cùng kỳ năm 2021. Thế nhưng, giá nhập khẩu điều thô từ châu Phi từ đầu vụ đến nay đã tăng 15-20% so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu tăng nhưng chưa bắt kịp đà tăng giá nhập khẩu nguyên liệu khiến các nhà nhập khẩu và chế biến đang có xu hướng chậm mua nguyên liệu.

Theo thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 15/7, cả nước nhập khẩu gần 1,26 triệu tấn, kim ngạch gần 1,84 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng nhập khẩu giảm hơn 670 nghìn tấn, tương đương giảm 34,82%; trong khi kim ngạch giảm tới 37%, tương đương 1,077 tỷ USD.

Lạm phát tăng cao tại nhiều nền kinh tế lớn toàn cầu khiến người dân thắt chặt chi tiêu, đặc biệt đối với các sản phẩm có giá thành cao. Dự báo xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong các tháng cuối năm 2022 sẽ vẫn gặp khó khăn.

Bên cạnh những yếu tố bất lợi, Cục Xuất nhập khẩu đánh giá, thị trường hạt điều toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng bình quân 4,6% trong giai đoạn 2022-2027. Xu hướng toàn cầu đang ưa chuộng chế độ ăn thuần chay và thực vật, ưu tiên các nguồn protein thay thế, dẫn đến nhu cầu tăng cao đối với các loại hạt và thực phẩm chế biến từ hạt.

Nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thị phần trên các thị trường

Tại Nam Mỹ, việc tiêu thụ hạt điều trong chế độ ăn của người tiêu dùng vẫn ổn định. Còn tại châu Á, hạt điều được sử dụng như một nguyên liệu chính để chế biến các món ăn ngọt và mặn khác nhau.

Trung Quốc dẫn đầu khu vực về nhập khẩu hạt điều. Các loại hạt đã trở thành một thành phần chính trong chế độ ăn uống của người Trung Quốc kể từ khi Chính sách y tế quốc gia ra đời có tên là “Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người dân Trung Quốc”, nhấn mạnh đến việc tiêu thụ các loại hạt hằng ngày.

Tại châu Âu, do ý thức về sức khỏe của người tiêu dùng ngày càng cao, tiêu thụ hạt điều ngày càng tăng. Gần đây, hạt điều cũng được sử dụng nhiều hơn như một thành phần trong các món ăn và đồ ăn nhẹ.

Pháp là thị trường nhập khẩu hạt điều lớn thứ 3 tại Liên minh châu Âu (EU). Mặc dù đang có lợi thế về thuế nhờ Hiệp định EVFTA, nhưng ngành điều Việt Nam chưa khai thác tốt thị trường này. Theo Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), 5 tháng đầu năm 2022, thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Pháp giảm từ 64,95% trong 5 tháng đầu năm 2021 xuống 63,68% trong 5 tháng đầu năm 2022.

Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Pháp, tính cạnh tranh của hạt điều Việt Nam tại thị trường này chưa cao. Tại các siêu thị, đại siêu thị của Pháp chưa có sản phẩm hạt điều mang thương hiệu Việt Nam. Đa phần doanh nghiệp mới chỉ tập trung bán sỉ mà chưa quan tâm phát triển thương hiệu.

Để nâng cao giá trị sản phẩm và gia tăng thị phần hạt điều Việt Nam tại Pháp, Hiệp định EVFTA là công cụ tốt nhưng ngoài quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan, đáp ứng các quy định của EU và Pháp là tối quan trọng. Hệ thống pháp luật liên quan đến thực phẩm của EU và Pháp khá phức tạp, có quy định riêng về độc tố nấm mốc, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng kim loại nặng, chất ô nhiễm vi sinh. Trước khi đưa hàng hóa vào thị trường Pháp, doanh nghiệp nên tìm văn phòng luật sư hỗ trợ trong việc cập nhật thông tin mới nhất, xây dựng hợp đồng và trong quá trình giao dịch để tránh rủi ro.

Về phía Hiệp hội Điều Việt Nam, ông Phạm Văn Công - Chủ tịch Hiệp hội nhấn mạnh, bên cạnh việc tập trung vào chất lượng nguyên liệu, chất lượng hạt điều xuất khẩu, ngành điều cần đẩy mạnh vào một số thị trường trọng điểm, đặc biệt là những thị trường có ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để vận dụng tối đa những ưu đãi về thuế nhập khẩu.