Đẩy mạnh kinh tế ban đêm

Có nhiều lợi thế về kinh tế đêm nhằm thu hút du khách trong nước và quốc tế, nhưng những sản phẩm kinh tế đêm của Thành phố Hồ Chí Minh chưa đa dạng, chưa khuyến khích được người dân tiêu tiền.
0:00 / 0:00
0:00
Đường Vĩnh Khánh nhộn nhịp về đêm. (Ảnh THẾ ANH)
Đường Vĩnh Khánh nhộn nhịp về đêm. (Ảnh THẾ ANH)

Kinh tế ban đêm là những hoạt động dịch vụ diễn ra sau 18 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, bao gồm: Mua sắm tại chợ đêm, cửa hàng tiện lợi 24/24; ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc; chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm. Kinh tế ban đêm ngày càng được nhiều quốc gia chú trọng khai thác và được coi là một động lực tăng trưởng kinh tế mới.

Tuy nhiên, theo đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Lê Minh Đức, nhiều du khách đến Thành phố Hồ Chí Minh rồi "một đi không trở lại" do sản phẩm du lịch về đêm đơn điệu. Các mô hình phố đi bộ, phố ẩm thực, chợ đêm đã được tổ chức ở nhiều nơi, nhưng tổ chức giống nhau, chưa có điểm nhấn; thiếu chỗ giữ xe, nhà vệ sinh công cộng... Các khu chợ đêm, dịch vụ kinh tế ban đêm đa số còn dừng ở quy mô nhỏ lẻ và thường kết thúc trước 23 giờ.

Đơn cử như tại phố ẩm thực Vĩnh Khánh hay chợ Xóm Chiếu (Quận 4), hàng quán cũng chỉ buôn bán đến 22 giờ. Các khu ẩm thực hiện nay cũng chủ yếu phục vụ khách nội địa.

Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, ngoài không gian cho du khách đi dạo, ngắm phố phường thì gần như không có dịch vụ gì đặc sắc để tăng chi tiêu cho du khách. Đến khoảng 23 giờ đêm, phố đi bộ vắng người.

Tiến sĩ Trương Hoàng Phương, thành viên Ban Nghiên cứu sản phẩm du lịch, Hiệp hội Du lịch thành phố cho biết, du lịch hồi phục cũng là lúc phải định hình lại sản phẩm, mở rộng và xây dựng thêm những dịch vụ mới lạ, hấp dẫn để thu hút khách và nâng cao giá trị chi tiêu của khách. Ngay cả dịch vụ ẩm thực cũng chưa tạo được sự khác biệt giữa ăn uống ban ngày và ăn uống ban đêm. Khách ăn buổi tối, đáng lẽ phải ngồi lâu hơn, có cơ hội sử dụng tiền nhiều hơn thì hiện nay chúng ta chỉ có thể đưa họ vào những nhà hàng, quán ăn bình thường. Đó là một sự lãng phí.

Trong phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân mới đây, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, theo kịch bản dự tính vào năm 2025, tổng doanh thu của ngành du lịch thành phố sẽ đạt 14,1 tỷ USD (đóng góp 14% GRDP của thành phố). Riêng về hoạt động kinh tế đêm, qua khảo sát sản phẩm du lịch về đêm, khách du lịch nội địa đóng góp 15% vào GDP ngành du lịch, trong khi đó khách du lịch quốc tế chỉ đóng góp 5%.

Theo bà Hoa, hiện nay các địa phương, nhất là Quận 1 và Quận 3 đang tập trung xây dựng các tuyến phố đi bộ về đêm gắn với hoạt động văn hóa, thể thao, mua sắm. Trong chức năng của mình, Sở Du lịch sẽ phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng quy chế bảo đảm an ninh, vệ sinh môi trường; rà soát quy định pháp luật để gia hạn thời gian hoạt động cho các khu vực có hoạt động kinh tế đêm.

Trong lĩnh vực du lịch đường thủy, các tuyến du lịch ngắm sông Sài Gòn, kênh Nhiêu Lộc về đêm đã được khai thác (hiện các tuyến đang hoạt động tại Bến Bạch Đằng, kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè...).

Về các chương trình nghệ thuật, ngoài không gian phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện, các phố chuyên doanh hoạt động về đêm, khách du lịch còn có thể thưởng thức các chương trình nghệ thuật như rối nước, hệ thống sân khấu kịch, ca nhạc, rạp chiếu phim...

Trong chiến lược phát triển du lịch thành phố đến năm 2030, Sở Du lịch đã đề xuất triển khai thực hiện nhóm bốn giải pháp để phát triển kinh tế đêm trong hai năm tới. Sở đang phối hợp các chuyên gia thống kê, lựa chọn các sản phẩm đặc trưng. Trong đó sẽ có thêm nhiều chương trình nghệ thuật, các sô diễn về đêm có chất lượng, thường xuyên và nhất thiết phải được đầu tư bài bản. Chợ đêm sẽ được thiết kế bắt mắt, thông thoáng, an ninh, tạo được điểm nhấn của thành phố năng động, sáng tạo, đồng thời phải kết hợp khu trò chơi.

Các chuyên gia kinh tế cũng hiến kế, trong hoạt động du lịch ban đêm, thành phố nên mở các suất chiếu phim nửa đêm về sáng; biểu diễn nghệ thuật, đầu tư xây dựng những chương trình biểu diễn áo dài kết hợp ca-vũ-kịch có quy mô lớn và ứng dụng thêm nhạc nước, âm thanh, ánh sáng, hiệu ứng 3D... Các điểm kinh tế đêm tổ chức chuyên biệt, được quy hoạch dài hạn, đầu tư bài bản.

Các sản phẩm phải đạt yêu cầu cao về chất lượng, an toàn tuyệt đối về vệ sinh thực phẩm. Chính quyền kết nối chặt chẽ với tiểu thương để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các địa phương nên thành lập những cơ quan và phát triển đội ngũ quản lý chuyên nghiệp về hoạt động dịch vụ đêm. Một điểm không thể bỏ qua là cần tận dụng lợi thế của sông Sài Gòn để phát triển nhiều dịch vụ cao cấp.